Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người mị dân, chuyên quyền, độc đoán…
Từ ngày 4 – 7/5, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 đã họp tại Hà Nội, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có tiêu chuẩn trở thành Ủy viên Trung ương.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 11 xác định độ tuổi, tiêu chuẩn của Ủy viên Trung ương. ảnh: TTXVN. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tại phiên bế mạc: Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải.
Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm ý thức kỷ luật kém.
Không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.
Phát hiện 12 bia mộ mạo phạm các vua Trần
Sau khi báo chí phát hiện 12 tấm bia (3 bia đồng, 9 bia đá) tại khu di tích Lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần được dựng chui, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo tháo dỡ toàn bộ số bia này cũng như phải xử lý trách nhiệm.
Các bia mộ vua Trần dựng chui tại Thái Bình. ảnh: TNO. |
Cụ thể, trong công văn số 1746, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã yêu cầu phải di dời khỏi khuôn viên di tích cả 12 tấm bia gồm 6 tấm bia đá do Hội đồng hương tỉnh Thái Bình tại Cộng hòa Séc công đức ngày 19.4 và bia đá và bia đồng dựng trái phép trước khi di tích này được công nhận là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, việc địa phương tự ý đặt ba bia đá và ba bia đá ốp chất liệu kim loại đồng vào khu vực bảo vệ 1 của di tích sau khi xếp hạng di tích cấp quốc gia mà chưa có sự chấp nhận của các cơ quan chức năng và không thực hiện đúng các trình tự, thủ tục theo quy định đã vi phạm pháp luật về di sản văn hóa.
Ngoài ra, nội dung các văn bia do Ban Quản lý Khu di tích đền Trần Thái Bình tự soạn, chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định và đồng ý. Quy cách trích dẫn, trình bày chưa thống nhất, chưa khoa học, còn lẫn lộn về ngữ pháp tiếng Hán cổ và tiếng Việt hiện nay. Thậm chí, có khá nhiều lỗi chính tả, phần dịch sang tiếng Anh còn có chỗ chưa chính xác, chỗ thì dịch, chỗ thì để nguyên tiếng Việt.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu tỉnh Thái Bình kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận và dựng bia trái phép trong khu vực bảo vệ 1 của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Trần.
Một cháu nhỏ tử vong sau tiêm phòng lao
Theo phản ánh của chị Lê Thị Thủy (SN 1982, trú xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), sáng ngày 8/5 chị có đưa con của mình là cháu Trịnh Thanh Bình (13 ngày tuổi) đến trạm y tế xã Xuân Thắng để tiêm vắc xin phòng lao, sau khi tiêm xong xuôi thì cháu được đưa về nhà.
Khi đưa hai mẹ con chị Thủy về nhà thì cháu Bình có biểu hiện khác thường như ít bú hơn ngày thường, thở yếu và khóc gay gắt. Người nhà lo lắng chở mẹ con chị Thủy quay lại trạm y tế xã để khám. Khi đến nơi cháu Bình được y sỹ Mạnh tiếp nhận và bàn giao cho bác sỹ Giang (trạm trưởng) thăm khám.
Chị Nguyễn Thị Ly Ly (em dâu chị Thủy) cũng có mặt ở trạm y tế cho biết, khi gia đình đưa cháu Bình đến khám lại thì thấy biểu hiện của các bác sỹ ở đây tỏ ra thờ ơ. Thấy vậy, gia đình xin cho cháu chuyển tuyến thì được bác sỹ Giang bảo “thích đi thì đi” và gia đình tự thuê xe đưa cháu lên Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân. Tuy nhiên, đến khoảng 12h30’ thì các bác sỹ thông báo cháu Bình đã tử vong trước đó.
Quá bức xúc về sự tắc trách của các cán bộ trạm y tế xã, gia đình đã thuê xe đưa thi thể cháu Bình quay lại trạm y tế để làm rõ sự việc.
Sau khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng đã có mặt tại xã để tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của cháu Bình.
Ông Trịnh Duy Khang - Phó giám đốc trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết, cán bộ chuyên môn của Trung tâm y tế dự phòng đã kiểm tra toàn bộ quy trình tiêm vắc xin phòng lao (BCG) cho trẻ em ngày 8/5 của cán bộ trạm y tế xã Xuân Thắng.
Được biết, vắc xin phòng lao đã được tiêm cho 9 trẻ trong đó có cháu Bình. Hiện lọ vắc-xin tiêm cho cháu Bình đã được niêm phong để phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ việc.
2 cán bộ của Vinaconex bị bắt giam vì sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà
Ngày 8/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với ông Hoàng Thế Trung, nguyên giám đốc Ban Quản lý dự án nước sông Đà và ông Trần Cao Bằng, giám đốc Công ty cổ phần ống sợi thuỷ tinh Vinaconex.
Ông Trung và ông Bằng bị bắt về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đường nước sông Đà số 1 liên tục bị vỡ trong năm 2014 đã gây ảnh hưởng trầm trọng tới đời sống của hàng nghìn người dân. ảnh: dantri. |
Năm 2014, đường ống dẫn nước số 1 của Vinaconex đã bị vỡ tới 9 lần, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của hơn 70 nghìn hộ dân tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai.
Liên quan tới vụ việc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ án. Tuy nhiên, tới đầu tháng 1/2015, đường nước này tiếp tục vỡ thêm một lần nữa.
Vinaconex cho biết, năm 2015 hoàn thành đường ống nước số 2 (cung cấp thêm 300.000 m3/ngày đêm), nhưng đến giờ các thủ tục vẫn chưa xong và chưa thể thi công. Tại buổi giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội vào chiều 5/5 vừa qua, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex, dự kiến tới tháng 8 mới thi công và sau khoảng 6 tháng sẽ hoàn thành (nếu các thủ tục thuận lợi).
Chi phí đầu tư dự án cấp nước sạch sông Đà giai đoạn 2, nâng công suất của hệ thống từ 300.000m3/ngày đêm lên 600.000m3/ngày đêm, vào khoảng 4.850 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí cho tuyến số 2 đã hết khoảng 1.200 tỷ đồng.
Bắt kẻ cầm đầu nghi ngờ đã đưa nhiều phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc
Sáng 5/5, tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, đồn Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất và Công an quận Tân Bình, phá một đường dây đưa phụ nữ sang Trung Quốc.
Trong 9 đối tượng bị mời làm việc có 4 người Việt Nam và 5 người Trung Quốc. Công an thu giữ 7 vé máy bay, 10 hộ chiếu và nhiều tang vật khác có liên quan; ngăn chặn âm mưu đưa 3 phụ nữ từ 20 – 30 tuổi (quê Tây Ninh) sang Trung Quốc.
Công an xác định cầm đầu đường dây buôn người trên là Huang Qiu Liu. Vợ chồng Huang Qiu Liu (SN 1976, quốc tịch Trung Quốc) – Châu Thị Thùy Trang (SN 1987, ngụ Q.Bình Tân) bị bắt giữ.
Theo điều tra sơ bộ, vợ chồng Huang Qiu Liu – Châu Thị Thùy Trang tổ chức đường dây có sự tham gia của nhiều đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc và nhiều chân rết ở các tỉnh thành. Chúng gạ gẫm nhiều cô gái trẻ, hứa hẹn đưa sang Trung Quốc để làm việc có mức thu nhập cao hoặc môi giới lấy chồng giàu sang. Mỗi nạn nhân trước khi bị chúng đưa ra nước ngoài thì người thân được cho 15 – 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, nạn nhân vừa đến lãnh thổ Trung Quốc đã bị chúng ép đưa vào các động mại dâm để làm nô lệ tình dục hoặc bán sang tay cho những người đàn ông nước này có nhu cầu mua vợ.
Đường dây của Huang Qiu Liu – Trang bị tình nghi là đã bán trót lọt 15 người phụ nữ sang Trung Quốc. Hiện công an tỉnh Tây Ninh đang điều tra, mở rộng chuyên án truy bắt nhiều chân rết khác có liên quan.