Xử lý kịp thời trường hợp trả thù, trù dập người khiếu nại, tố cáo
Theo Nghị định 04/2015/NĐ-CP ngày 9/1/2015 (có hiệu lực từ 25/2/2015) "Về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập", chỉ rõ tới 9 trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Cán bộ, công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà... sẽ bị xử lý nghiêm minh. Ảnh minh họa, báo Hải quan. |
Đáng chú ý, người đứng đầu phải kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức.
Đặc biệt, phải kịp thời xử lý người có hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị và người có hành vi trả thù, trù dập cán bộ, công chức, viên chức khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật
Dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường
Theo Quyết định 72/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 (có hiệu lực từ 20/2/2015) quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam có thể được dạy và học một phần hoặc hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, ưu tiên đối với các lĩnh vực Toán, Khoa học tự nhiên, Công nghệ và tin học.
Quyết định này không áp dụng đối với: Các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài; các lĩnh vực lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật và ngữ văn liên quan tới Việt Nam trong chương trình giáo dục phổ thông; các cơ sở giáo dục 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp: Những chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục nước ngoài đã được công nhận và kiểm định chất lượng có thể được giảng dạy một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng nước ngoài; ưu tiên giảng dạy bằng tiếng nước ngoài đối với các chương trình, môn học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản hoặc một số ngành, nghề và lĩnh vực mà xã hội có nhu cầu phục vụ hội nhập quốc tế.
Quy định mới về chế độ tài sản của vợ chồng
Nghị định 126/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/2/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.
Tài sản riêng của vợ, chồng được xác định cụ thể hơn qua hướng dẫn tại Nghị định 126. ảnh: PLO. |
Theo đó, tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật: Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ; Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm: Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp (trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng); Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước; Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Tiêu chuẩn xét tặng "Nghệ nhân nhân dân", Nghệ nhân ưu tú" nghề thủ công mỹ nghệ
Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ có hiệu lực từ 15/2/2015, trong đó quy định tiêu chuẩn xét tặng 2 danh hiệu này.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu. Nguồn ảnh: Internet. |
Cụ thể, danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" được xét tặng cho cá nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" và đạt 4 tiêu chuẩn:
Thứ nhất, trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương.
Thứ hai, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng.
Thứ ba, có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước, cụ thể:
Nắm giữ kỹ năng, bí quyết; truyền nghề, dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù hoặc đã đào tạo 1 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú".
Sau khi đã được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", Nghệ nhân phải trực tiếp thiết kế, chế tác được 2 sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật, đạt giải thưởng hoặc được tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội - nghề nghiệp cấp chứng nhận đạt thành tích tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức.
Thứ tư, có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên.
Bỏ quy định "5 năm kinh nghiệm" với giáo viên người nước ngoài dạy mầm non, phổ thông
Tại Khoản 6 Điều 31 Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định: Giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài ít nhất phải có 5 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy.
Bỏ quy định 5 năm kinh nghiệm với giáo viên người nước ngoài tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Nguồn ảnh: internet. |
Tại Nghị định 124/2014/NĐ-CP (có hiệu lực từ 16/2/2015) sửa đổi Khoản 6 Điều 31 Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định trên đã được sửa đổi: Giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng quy định và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy.
Như vậy, Nghị định sửa đổi mới được ban hành không bắt buộc phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm đối với giáo viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.
Cấm chuyển giao 30 công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam
Theo Nghị định số 120/2014/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/2/2015) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ có 30 công nghệ bị cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam, trong đó có Công nghệ vô hiệu hóa thiết bị đo, đếm, tính lượng điện năng sử dụng; Công nghệ sản xuất xi măng lò đứng; Công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa Pentachlorophenol (PCP), DDT...