6 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ngoại giao nhân dân năm 2019

17/01/2019 06:00
Nhật Minh
(GDVN) - 6 nhiệm vụ cụ thể được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chỉ ra tại Hội nghị.

Ngày 16/1, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao nhân dân năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đối ngoại nhân dân cần hỗ trợ hiệu quả đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu: Duy trì môi trường hoà bình, ổn định; tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế để xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng thời, ngoại giao nhân dân tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động; xác định cụ thể nhiệm vụ, đối tác, mục tiêu hoạt động phù hợp, khả thi.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục khai thác tốt hơn những thế mạnh của đối ngoại nhân dân, tạo nền tảng sâu rộng, bền chặt giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, tạo chất keo gắn bó và chất xúc tác quan trọng cho quan hệ giữa nước ta với các nước.

Bên cạnh đó, quan tâm mở rộng quan hệ với các đối tác quan trọng thông qua những hình thức linh hoạt, sáng tạo, nhưng thực chất, hiệu quả, tránh lãng phí, hình thức.

Hai là, cần tiếp tục đổi mới cách tiếp cận nhằm tăng cường hợp tác và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, nhất là các viện trợ phi chính phủ, phục vụ thiết thực phát triển kinh tế-xã hội trong các lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, đào tạo nhân lực.

Ba là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại; chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại.

Bốn là, tăng cường công tác tham mưu, tổng kết kịp thời cho Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng tầm nhìn, chiến lược dài hạn cho công tác đối ngoại nhân dân, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị xây dựng đường lối đối ngoại Đại hội XIII.

Các cơ quan liên quan như Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đối ngoại nhân dân trên tinh thần tuân thủ các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không tạo ra “khoảng trống” về quản lý Nhà nước; đồng thời cần bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức.

Năm là, tiếp tục tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 28 để khẳng định rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam - một trong những lực lượng nòng cốt của đối ngoại nhân dân. 

Sáu là, chú trọng đổi mới tổ chức bộ máy, đào tạo nhân lực đối ngoại nhân dân trên tinh thần tinh gọn, hiệu quả song phải đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tăng cường chất lượng công tác nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về những nét mới trong các tổ chức, phong trào nhân dân quốc tế.

Nhật Minh