Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) từ ngày 1/1 đến ngày 12/6/2014, cơ quan thông tin đại chúng đã phối hợp, cộng tác rất hiệu quả với các cơ quan chức năng phản ánh nhiều nội dung rất hữu ích trong lĩnh vực quản lý, trao đổi thông tin về ATTP.
Các báo đã tích cực đưa các tin bài về công tác bảo đảm ATTP, kịp thời cung cấp thông tin, tuyên truyền về công tác bảo đảm ATTP đến cộng đồng, đặc biệt là các tin cảnh báo nguy cơ. Tuy nhiên một số báo viết về vấn đề quản lý VSATTP phản ánh thông tin chưa thực sự đầy đủ, chính xác.
Ông Nguyễn Thanh Phong – Phó cục trưởng cục ATTP phát biểu tại hội nghị. |
Báo cáo cũng đưa ra định hướng tuyên truyền trong thời gian tới cần tập chung tuyên truyền mạnh mẽ việc bảo đảm ATVSTP trong mùa hè, bão lụt, tết trung thu.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Phong – Phó cục trưởng cục ATTP cho biết, tính từ tháng 1/2014 đến nay cục đã triển khai rất nhiều hoạt động tuyên truyền, hoạt động thanh tra, kiểm tra và quản lý ATTP. Đặc biệt là cục vừa triển khai tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố”.
Ông cho biết, năm 2014 thời tiết diễn biến rất bất thường và bất lợi cho việc bảo đảm ATTP, tính đến 10/6/2014 toàn quốc ghi nhận 67 vụ ngộ độc thực phẩm với 2084 người mắc, 1528 người đi viện và 24 trường hợp tử vong. So với năm 2013, số vụ giảm 12 vụ, số người đi viện giảm 88 người, tuy nhiên số mắc tăng 278 người, số tử vong tăng 07 người.
Nguyên nhân tử vong trong các vụ ngộ độc thực phẩm năm 2014 do các độc tố tự nhiên trong nấm là 12 người, độc tố tự nhiên của cóc là 1 người, độc tố tự nhiên của cá nóc là 1 người, độc tố tự nhiên trong sò biển là 3người, độc tố trong rượu ngâm củ ấu tầu là 2 người, độc tố tự nhiên trong ve sầu nhiễm nấm là 1 người, độc tố vi nấm trong bánh trôi ngô mốc là 3 người.
Theo đó, ông mong rằng các đồng chí phóng viên báo đài tiếp tục phối hợp với cục ATTP để tuyên truyền, cảnh báo về ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc nấm và khuyến cáo không ăn nấm lạ không rõ nguồn gốc, nấm mọc hoang dại, không sử dụng bột ngô để lâu ngày làm bánh.