Từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc theo đuổi chủ trương ngày càng hung hăng, bành trướng trên Biển Đông, gây bất ổn trong khu vực. |
Tạp chí The Diplomat ngày 26/11 đăng bài phân tích của giáo sư Alexander L.Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Honolulu bình luận, không có một chiến lược duy nhất có thể khái quát cách Việt Nam làm thế nào đối phó với các vấn đề Biển Đông. Thay vào đó Việt Nam theo đuổi vô số các phương pháp có sử dụng một loạt các cơ chế trải dài từ cứng rắn đến quyền lực mềm ở Biển Đông. Ít nhất có 7 chiến lược riêng biệt của Việt Nam có thể được xác định.
Ở thái cực cứng rắn, Việt Nam sẽ cố gắng củng cố và tăng cường sự hiện diện và các lực lượng của mình, cả quân sự và phi quân sự ở Biển Đông. Thời kỳ trận Hải chiến Trường Sa năm 1988 (Trung Quốc cất quân xâm lược 6 bãi đá của Việt Nam - PV), Việt Nam đã thiết lập đơn vị đứng chân quân sự thường trực trên 11 điểm trong quần đảo Trường Sa, tăng độ phủ quân thường trực từ 10 lên 21 điểm. Từ năm 1989 đến năm 1991, Việt Nam đã cắt lực lượng chốt giữ thêm 6 bãi cát ngầm trên thềm lục địa của mình ở phía Tây Nam quần đảo Trường Sa bằng bằng hệ thống nhà dàn và có lực lượng trông coi.
Chậm mà chắc, Việt Nam tiếp tục củng cố và tăng cường sự hiện diện của mình tại các điểm bằng cách tăng cường lực lượng và cơ sở vật chất, trang thiết bị và đưa dân ra sinh sống. Từ năm 2007, Việt Nam bắt đầu có dân sinh sống trên 2 đảo lớn nhất của mình ở Trường Sa. Để đối phó với thủ đoạn của Trung Quốc, năm 2012 Việt Nam đã quyết định thành lập lực lượng Kiểm ngư như một lực lượng thứ 3 sau Hải quân và Cảnh sát biển để tuần tra vùng biển của mình, (bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam - PV).
Trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 (Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, lại còn có nhiều hành động nguy hiểm uy hiếp các lực lượng chức năng và ngư dân Việt Nam - PV), các lực lượng Việt Nam đã phát huy được vai trò của mình. Để xây dựng một lực lượng có khả năng răn đe tối thiểu trên biển, Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa Hải quân và Không quân. Một yếu tố quan trọng trong lực lượng răn đe này là 6 tàu ngầm Kilo do Nga chế tạo.
Thứ hai, Việt Nam ý thức rất rõ rằng mình không thể dựa vào năng lực quân sự để một mình ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Một chiến lược để bù đắp cho sự thiếu hụt này là cần có sự tham gia mạnh mẽ của các bên thứ ba có liên quan. Áp dụng chiến lược này được Việt Nam giới hạn trong ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông. Nhưng có lẽ Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc cung cấp những nhượng bộ trong thăm dò khai thác các lô dầu khí của mình với các đối tác từ những nước lớn, như Exxon Mobil của Mỹ, ONGC của Ấn Độ, Gazprom của Nga.
Quan hệ Việt - Trung vừa hợp tác, vừa đấu tranh. |
Mức độ hạn chế của Việt Nam áp dụng trong theo đuổi các chiến lược này là đáng kế. Việt Nam đã nhiều lần cam kết rằng không tạo liên minh với bất kỳ nước nào để chống lại nước thứ 3, tuyên bố được Vuving cho là để "trấn an Trung Quốc".
Chiến lược thứ ba, thay vì tạo thành các liên minh và đối tác mạnh mẽ, Việt Nam chú trọng nhiều hơn vào quốc tế hóa vấn đề Biển Đông để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Trong hầu hết giai đoạn 1990-2000, Việt Nam vẫn chủ yếu khiêm tốn trong nỗ lực quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Nhưng trước sự hung hăng ngày một tăng của Bắc Kinh từ năm 2008, Việt Nam đã ngày càng chủ động và quyết tâm tìm kiếm sự chú ý và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Ví dụ, các hội nghị quốc tế về Biển Đông đã được Việt Nam đặc biệt coi trọng từ năm 2009. Việt Nam cũng đã cố gắng đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự trong các cuộc đàm phán và đưa vào tuyên bố chung với hầu hết các chính phủ khác trên thế giới. Các diễn đàn quốc tế như ARF, EAS, APEC, Liên Hợp Quốc hay ASEM đều đã trở thành "chiến trường ngoại giao" của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên chiến lược thứ tư cho thấy những nỗ lực quốc tế hóa, đa phương hóa vấn đề Biển Đông không ảnh hưởng đến các kênh đối thoại song phương của Việt Nam với Trung Quốc. Việt Nam không chỉ tận dụng lợi thế của tất cả các kênh có thể nói chuyện với Bắc Kinh mà còn nỗ lực duy trì các kênh này. Bên cạnh kênh trao đổi liên lạc giữa 2 chính phủ, Việt Nam cũng duy trì hoạt động tiếp xúc liên lạc giữa 2 Đảng và quân đội 2 nước.
Việt Nam chấp nhận một cách tiếp cận song phương với Trung Quốc trong vấn đề quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng trái phép các năm 1956, 1974 - PV), trong khi đó nhấn mạnh cách tiếp cận đa phương đối với quần đảo Trường Sa vì bản chất đa phương của tranh chấp đòi hỏi phải có đàm phán đa phương để giải quyết vấn đền.
Thứ năm, Việt Nam thực hiện chiến lược tự kiềm chế và tự chế để trấn an Trung Quốc cũng là một yếu tố quan trọng trong cách tiếp cận của Việt Nam với vấn đề Biển Đông. Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Việt Nam nhận thức rõ về sự vượt trội trong sức mạnh quân sự của Trung Quốc và Bắc Kinh thì luôn rình rập cơ hội người Việt bị kích động để leo thang xung đột và tung quân áp đảo Việt Nam.
Trung Quốc đang cải tạo bất hợp pháp ít nhất 5 bãi đá ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thành đảo nhân tạo. |
Nhưng đối với người Việt, tự kiềm chế và tự chế không chỉ là một chiến thuật tránh bị kích động, mà nó là một cách tiếp cận có hệ thống dựa trên niềm tin rằng Việt Nam có thể thuyết phục Trung Quốc hiểu những ý định lành tính của mình. Hai bên đã xoa dịu về các cuộc xung đột quân sự song phương trong quá khứ (Hải chiến Hoàng Sa 1974, Chiến tranh Biên giới 1979 và Hải chiến Trường Sa 1988).
Để trấn an Bắc Kinh, người Việt cũng đã tự thiết lập giới hạn chặt chẽ về các hoạt động phòng thủ của mình, ví dụ điển hình là chính sách 3 không: Việt Nam không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không cho phép bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình và không liên minh với nước này để chống nước kia.
Mềm hơn nữa là chiến lược thứ 6, Việt Nam chủ động bày tỏ sự tôn trọng đối với Trung Quốc, kết hợp giữa hợp tác và đấu tranh là chìa khóa cho khả năng tồn tại trong bối cảnh Trung Quốc "phủ bóng ảnh hưởng" xuống Việt Nam trong cả ngàn năm qua. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã đi thăm Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 trước khi ông Minh thăm Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (có kế hoạch) đến Việt Nam.
Trong khi không quên chuẩn bị dự phòng đối phó với một cuộc thách thức quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam hy vọng rằng có thể cô lập và làm giảm bớt xung đột bằng cách khẳng định quan hệ hợp tác, đoàn kết hữu nghị giữa 2 Đảng, nhà nước và quân đội. Bất chấp những căng thẳng, khó khăn sau khủng hoảng giàn khoan 981 phá vỡ sự tin tưởng của người Việt vào Trung Quốc, Việt Nam vẫn tỏ thiện chí muốn đối thoại với Trung Quốc như một chiến lược đối phó với sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đó là chiến lược thứ 7.
7 chiến lược này không có cái nào đã được Việt Nam theo đuổi khả năng tối đa của nó kể cả về cường độ và phạm vi. Có những thay đổi về mức độ giữa 7 chiến lược qua từng thời kỳ. Trong giai đoạn 1990 - 2008, Việt Nam ít coi trọng quốc tế hóa Biển Đông, chiến lược nổi bật nhất thời gian này là tăng cường sự hiện diện và kiểm soát trên thực địa, tự kiềm chế và nêu cao tinh thần đoàn kết.
Căng thẳng bắt đầu gia tăng từ năm 2009 đã làm thay đổi cường độ, phạm vi của các chiến lược mà Việt Nam áp dụng. Người Việt tập trung vào tăng cường sự hiện diện và tận dụng mọi sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Nhìn chung cách tiếp cận của Việt Nam đối với Biển Đông là kết hợp răn đe với sự bảo đảm.