Sau hơn 3 năm, tại Thủ đô, số người đội mũ bảo hiểm (MBH) để đối phó vẫn “thắng áp đảo” số người đội mũ để phòng thân.
Thông tin được ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đưa ra tại buổi tổng kết công tác kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn Hà Nội chiều 27/2 khiến nhiều người phải giật mình: Sau 5 năm vận động toàn dân đội mũ bảo hiểm, tỷ lệ đội mũ đạt 90%, nhưng chỉ có 30% là đội mũ đạt chất lượng, còn lại 70% là mũ giả, kém chất lượng.
Thêm một thông tin khác cũng “gây sốc” không kém nhưng phản ánh đúng tình trạng thực tế: Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội - Cục Quản lý Thị trường tiến hành kiểm tra thí điểm 15 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm tại quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Hoàng Mai và phát hiện 100% cơ sở bị kiểm tra đều vi phạm.
Tại sao mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng vẫn được bày bán công khai tràn lan? (Ảnh minh họa) |
Từ cuối năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy. Theo đó, những loại mũ không có dấu hợp chuẩn (CS) không được phép sản xuất, lưu hành. Sau hơn 3 năm, thị trường mũ bảo hiểm giả vẫn chưa được giải quyết. Phải chăng những chế tài cụ thể còn nằm trên giấy mà chưa chuyển thành những hành động thực tế để tạo tính răn đe, giáo dục? Tại sao mũ bảo hiểm giả, không đảm bảo chất lượng vẫn được bày bán tràn lan và công khai?... Và chắc chắn sẽ còn nhiều câu hỏi tương tự được đặt ra xung quanh công tác kiểm tra hàng hóa nhập khẩu cũng như việc dán tem chống hàng giả trên thị trường. Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, khi cầu vẫn còn thì nguồn cung cũng khó lòng bị dẹp bỏ. Cơ quan chức năng làm sao có thể dẹp triệt để các điểm bán mũ giả, kém chất lượng khi ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng chưa được nâng cao? Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong kỳ nghỉ tết nguyên đán Quý Tỵ dài 9 ngày, từ ngày 9 đến 17/2 (tức từ 29 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng), cả nước xảy ra 373 vụ tai nạn giao thông, làm chết 314 người, bị thương 387 người. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do người lái xe uống bia rượu phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định… Trước đó, số liệu thống kê cho thấy có tới 80% người bị chấn thương sọ não đều do nguyên nhân dùng mũ bảo hiểm kém chất lượng. Những con số “hãi hùng” như vậy nhưng chắc rằng rất nhiều độc giả không ít lần từng nghe có người nêu ra những lý do chẳng mấy chính đáng như: đội mũ bảo hiểm gây khó chịu, ngứa đầu, không sành điệu, thậm chí là hỏng mái tóc được chăm sóc kỹ…. để mua và sử dụng những chiếc mũ mà họ biết là chất lượng không cao chỉ để đối phó lực lượng công an. Có lý do ngây ngô đến mức cho rằng đi trong nội thành tốc độ thấp, tai nạn chỉ là va chạm nhẹ nên… không cần thiết phải đội mũ bảo hiểm “xịn”? Ý kiến cho rằng người tiêu dùng đang tiếp tay cho các hoạt động kinh doanh, buôn bán mũ bảo hiểm giả cũng có cái lý của nó. Chặn “Cung” nhưng phải giảm “Cầu”. Do đó, Bộ KHCN, Bộ Công Thương, Bộ Công an và Bộ GTVT đã cùng ký thông tư liên tịch về “Quy định sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp máy”, MBH sẽ được quy chuẩn thống nhất, theo chất lượng được công bố. Có nghĩa tất cả các loại MBH nhái, giả, kém chất lượng, sẽ bị loại bỏ. Điểm chú ý tại thông tư là không chỉ quy trách nhiệm tại nơi sản xuất kinh doanh, người bán mà sẽ quy trách nhiệm cả cho người sử dụng. Trong tháng 3/2013, ngoài việc thanh kiểm tra, dẹp bỏ mũ bảo hiểm kém chất lượng, liên Bộ GTVT, công an sẽ có đợt ra quân để chấn chỉnh việc chấp hành đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, phạt nghiêm những trường hợp không đội mũ bảo hiểm đúng chuẩn. Hy vọng một sự chuyển biến tích cực trong năm 2013?.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo VOV