Ngày 27/7, một nhóm học giả nhà nước Trung Quốc từ Đại học Nhân Dân đăng bài viết "Những ai đang ủng hộ Trung Quốc và tại sao?" trên tạp chí The Diplomat.
Cuối bài là danh sách 71 quốc gia và ngày tháng được cho là các nước này tuyên bố ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Nhóm học giả này cho rằng, ngay sau khi PCA công bố phán quyết của Hội đồng Trọng tài về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và nước này hôm 12/7, "cơn bão truyền thông và bình luận trên mạng xã hội ở Trung Quốc cho thấy, hầu hết người Trung Quốc gần như nhất trí ủng hộ lập trường (3 Không) của chính phủ nước này."
Chính phủ và báo chí nhà nước Trung Quốc nói rằng có gần 100 đảng phái chính trị từ hơn 60 quốc gia tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Tờ China Daily còn lập hẳn một bản đồ thể hiện các quốc gia ủng hộ và phản đối Trung Quốc. Trong đó nhóm phản đối bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia, Việt Nam và Philippines.
Máy bay ném bom Trung Quốc bay qua Scarborough, ảnh tuyên truyền của Tân Hoa Xã. |
Tuy nhiên truyền thông và giới quan sát Hoa Kỳ nghi ngờ những con số này. Do đó nhóm nghiên cứu từ Đại học Nhân Dân Trung Quốc mới tiến hành thu thập thông tin "độc lập từ Tân Hoa Xã, Reuters và Bloomberg".
Và họ nói rằng đã "tìm ra 71 nước, 2 tổ chức quốc tế" ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông, với danh sách đính kèm.
Lý do khác biệt về con số giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ
Nhóm nghiên cứu Đại học Nhân Dân Trung Quốc cho rằng, có 2 lý do chính khiến có sự chênh lệch về con số các nước ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông được truyền thông 2 nước đưa ra.
Thứ nhất là một số tuyên bố ủng hộ không có sẵn bằng tiếng Anh, mà bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng Swahili và tiếng Khmer cũng như một số ngôn ngữ khác.
Do đó nhóm này cho rằng, đây là lý do tại sao giới nghiên cứu sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh không tìm thấy chúng.
Thứ hai là cách hiểu khác nhau về "lập trường của Trung Quốc". Nhóm nghiên cứu này cho rằng, truyền thông và các đồng nghiệp của họ ở Hoa Kỳ đã "hiểu chưa đúng".
Lập trường của Trung Quốc về Biển Đông có 4 điểm:
- Trung Quốc không tham gia vụ kiện, không chấp nhận, không công nhận hay thực hiện phán quyết trọng tài.
- Trung Quốc sẽ kiên trì giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình.
- Trong khi giải quyết các tranh chấp giữa các bên liên quan trực tiếp ở Biển Đông phù hợp với DOC, Trung Quốc sẽ làm việc với các nước ASEAN để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Không xem quảng cáo… đừng đọc báo |
- Việc tạm thời thành lập Hội đồng Trọng tài không phải là một phần của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), cũng không phải một phần của Tòa án Quốc tế vì Công lý (ICJ).
Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền đối với các tranh chấp lãnh thổ. Đó là cốt lõi của vấn đề trọng tài.
Việc thành lập Tòa Trọng tài là thiếu sót vì thủ tục, vì vậy phán quyết không có tính ràng buộc pháp lý, cũng không đại diện cho luật pháp quốc tế.
Lý do "71 nước ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông" được nhóm nghiên cứu này xác định là do các nước sợ nổ ra chiến tranh, xung đột ở Biển Đông.
Kết luận bài viết khá dài dòng và luẩn quẩn, nhóm nghiên cứu Đại học Nhân Dân Trung Quốc đưa ra nhận định không ăn nhập gì với vấn đề Biển Đông:
Để tránh chiến tranh và duy trì hòa bình ở Biển Đông nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Mỹ - Trung và các nước khác cần hợp tác trong các lĩnh vực chống khủng bố, kinh tế - tài chính để cuối cùng kinh tế thế giới có thể khắc phục tình trạng phục hồi chậm chạp và không đồng đều.
Thủ đoạn ngụy biện của nhóm học giả Trung Quốc
Cá nhân người viết cho rằng, nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Nhân Dân Trung Quốc đã sử dụng những thủ đoạn ngụy biện và phản khoa học để cố chứng minh rằng, Trung Quốc được "thế giới ủng hộ" ở Biển Đông.
Một là lý do nhiều nước tuyên bố ủng hộ Trung Quốc nhưng không phải bằng tiếng Anh mà là tiếng bản địa, nhưng không dẫn tài liệu gốc về tuyên bố của quốc gia đó với đầy đủ bối cảnh, nội dung chỉ là cách đánh lừa dư luận.
Người dùng internet hoàn toàn có thể kiểm chứng. Thậm chí các cơ quan thông tấn báo chí quốc tế có thể yêu cầu xác nhận từ Bộ Ngoại giao các quốc gia được đưa vào danh sách về nội dung tuyên bố của họ, một khi các "nhà khoa học" Trung Quốc công khai nó.
Thứ hai là lập trường của Trung Quốc có 4 điểm, nhưng nhóm nghiên cứu này không đưa ra thông tin 71 nước ủng hộ tất cả 4 điểm hay chỉ 1, 2 hoặc 3 điểm, là những điểm nào?
Thứ ba về nội dung lập luận của Trung Quốc về Hội đồng Trọng tài là hoàn toàn sai so với quy định trong Phụ lục VII, UNCLOS 1982. Sự ngụy biện này chỉ cho thấy thực tế, một là nhóm học giả này không biết gì về UNCLOS 1982, hai là họ cố tình đổi trắng thay đen, đánh tráo khái niệm.
Nói thì dông dài, nhưng tóm lại các nhà nghiên cứu Đại học Nhân Dân Trung Quốc không đưa ra bất cứ bằng chứng nào từ chính phủ hoặc cơ quan thông tấn quốc gia của bất kỳ nước nào trong số 71 nước bị đưa vào danh sách, cho thấy họ ủng hộ "lập trường 4 điểm" của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong số này, riêng Liên bang Nga đã phải mấy lần lên tiếng "nói cho rõ" về lập trường của Nga ở Biển Đông với khẳng định rõ ràng, Nga không đứng về bên nào trong các bên "tranh chấp lãnh thổ" ở Biển Đông.
Nó cho thấy thủ đoạn cắt cúp, nhào nặn và cố tình "nhét lời mình vào miệng nước khác" của truyền thông Trung Quốc.
Ví dụ điển hỉnh thứ hai, theo The Times of India ngày 27/7, Pakistan, một đồng minh thân cận, "người bạn trong mọi hoàn cảnh" của Trung Quốc đã tỏ ra rất thận trọng khi thể hiện việc ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông.
Cụ thể, Bắc Kinh đang thuê một bảng quảng cáo điện tử ở quảng trường Thời đại, New York, Hoa Kỳ để chạy đoạn video tuyên truyền cho cái gọi là "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời thanh minh lý do tại sao nước này cho rằng phán quyết trọng tài là "vô lý".
Trong đoạn video này có dẫn phát biểu của Đại sứ Pakistan tại Trung Quốc, ông Masood Khalid. Nhưng nhiều người đã ngạc nhiên khi ông Khalid hoàn toàn không bác bỏ phán quyết trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982.
Phát biểu của Đại sứ Pakistan được The Times of India dẫn lại từ clip này:
"Chính sách này như các bạn biết, có rất nhiều vấn đề và tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết bởi các quốc gia có yêu sách trực tiếp, thông qua đàm phán và bằng các biện pháp hòa bình.
Tôi nghĩ rằng đây là một chính sách tốt, chỉ có thông qua những nỗ lực như thế, chúng ta mới có thể duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực."
Không những Đại sứ Pakistan không phản đối phán quyết trọng tài hôm 12/7, mà ông còn nhấn mạnh, các nước yêu sách trực tiếp cần giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình. Đưa ra cơ quan tài phán phân xử cũng là một biện pháp hòa bình, hơn nữa còn rất văn minh và hợp pháp.
Tài liệu tham khảo:
http://thediplomat.com/2016/07/who-supports-china-in-the-south-china-sea-and-why/?utm_content=buffer42f7f&utm_medium=social&utm_source=facebook.com&utm_campaign=buffer