Bất thường trong phiên tòa sơ thẩm xử vụ cô giáo kiện đòi danh dự ở Cà Mau

17/04/2019 06:48
Phương Linh
(GDVN) - Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ việc cô Hà Tú Trinh kiện đòi bồi thường thiệt hại danh dự ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau xuất hiện bất thường, cần làm rõ.

Trong hai ngày 22 và 25/3/2019, Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, đặt dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Từ Thanh Nhung đã mở phiên tòa xét xử dân sự sơ thẩm vụ việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng - do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại”.

Vụ việc xảy ra giữa nguyên đơn là bà Hà Tú Trinh, giáo viên Trường trung học cơ sở Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, với bị đơn là nhà trường, đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng.

Nội dung có tranh chấp xuất phát từ việc bà Trinh có tố cáo cán bộ nhà trường có hành vi vu khống, trù dập bà Trinh, nên ông Võ Văn Tính (khi đó đang là Phó Hiệu trưởng điều hành nhà trường) đã tiến hành thành lập một tổ xác minh, ban hành kết luận số 46, nói các nội dung mà bà Trinh đề cập là không có cơ sở.

Sau đó, lãnh đạo nhà trường đã ban hành quyết định kỷ luật số 78, kỷ luật bà Trinh ở mức cảnh cáo, nhưng nữ giáo viên này đã không đồng ý, làm đơn khiếu nại, rồi đã bị nhà trường ra thông báo bác.

Bà Hà Tú Trinh tiếp tục làm đơn khiếu nại vụ việc lên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, và cũng đã được cơ quan này trả lời là nội dung khiếu nại của bà Trinh lúc này được xác định là có cơ sở.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Văn Thời khi ấy đã xác định, việc ban hành quyết định kỷ luật bà Trinh là chưa đúng với với kết luận số 46 của nhà trường.

Phiên tòa sơ thẩm ngày 22/3 ở Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (ảnh: P.L)
Phiên tòa sơ thẩm ngày 22/3 ở Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (ảnh: P.L)

Do trong kết luận không có đề nghị kiểm điểm, xử lý kỷ luật, nhưng ông Võ Văn Tính khi đó lại thành lập hội đồng xử lý kỷ luật, tiến hành xem xét kỷ luật, ban hành quyết định kỷ luật bà Trinh ở mức cảnh cáo là không có cơ sở pháp lý.

Ngày 28/12/2017, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Văn Thời đã ban hành quyết định 1788, đề nghị nhà trường hủy quyết định kỷ luật bà Trinh,và nhà trường cũng đã ban hành quyết định hủy việc kỷ luật này.

Bà Trinh xét thấy việc nhà trường kỷ luật mình là trái pháp luật, nên đã yêu cầu hội đồng xét xử tuyên buộc nhà trường công khai xin lỗi bà Trinh trước hội đồng sư phạm, bồi thường số tiền gần 19,5 triệu đồng do bị thiệt hại danh dự, nhân phẩm và uy tín bị xâm hại.

Bất thường trong phiên hòa giải vụ cô giáo kiện vì danh dự ở Cà Mau

Hội đồng xét xử đưa ra nhận định, việc hủy quyết định kỷ luật của bà Trinh là do quyết định được ban hành không đúng với trình tự, thủ tục, áp dụng pháp luật, chứ không phải tiến hành kỷ luật không đúng.

Quyết định này chưa được thi hành, hiện đã được hủy bỏ, việc ban hành này chỉ có nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo biết, nên chưa có căn cứ để xác định quyết định kỷ luật này đã làm cho bà Trinh bị ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín.

Bà Trinh vẫn được phân công nhiệm vụ, công tác bình thường, bà cũng không chứng minh được thiệt hại, nên không có căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trình bày tại phiên tòa, Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Trinh đã nói rằng, việc Trường Phong Điền ban hành quyết định kỷ luật viên chức (bà Trinh) trái pháp luật, tồn tại gần 6 tháng mới bị hủy là có thật.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ tiếp tục phân tích: Tại bản án 200/2018/DS-PT ngày 23/10/218 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã xác định, việc bà Trinh bị tổn hại tinh thần là có căn cứ. Xác định thiệt hại tinh thần của bà Hà Tú Trinh từ hậu quả của quyết định kỷ luật là là có thật. Nếu đương sự có yêu cầu, thì phải được xem xét, xét xử cho phù hợp.

Theo nhìn nhận của luật sư Lễ, chính việc kỷ luật sai này đã làm xấu đi hình ảnh người giáo viên, viên chức của bà Trinh, xúc phạm đến danh dự và uy tín của nguyên đơn, nên bà Trinh cần được giải quyết việc xin lỗi và bồi thường thiệt hại.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ nhấn mạnh, đó là điểm bất thường giữa bản án 200 của Tòa phúc thẩm ở tỉnh Cà Mau, và phiên tòa sơ thẩm ở huyện Trần Văn Thời cần được làm rõ.

Dù trước đó, tòa đã đưa ra nhận định là việc cắt phụ cấp đứng lớp 2 tháng của bà Trinh (do bị phân công làm nhân viên y tế học đường, không đúng với chuyên môn được đào tạo) là việc nội bộ của nhà trường, không ảnh hưởng đến quyết định kỷ luật bà Trinh, nhưng luật sư cho rằng, việc phân công này là không đúng, nên cần phải trả lại tiền phụ cấp đứng lớp 2 tháng đó cho bà.

Từ những lập luận, đánh giá, phân tích các chứng cứ có được của hội đồng xét xử, phiên tòa đã quyết định bác toàn bộ yêu cầu của bà Hà Tú Trinh, bao gồm cả yêu cầu được xin lỗi công khai, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại.

Ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, bà Hà Tú Trinh đã tiếp tục nộp đơn kháng cáo toàn bộ nội dung vụ việc, lên tòa cấp phúc thẩm ở tỉnh Cà Mau.

Phương Linh