Dạy lơ mơ, học cũng lơ mơ nên mới... thất nghiệp

09/06/2016 07:10
Ngọc Quang
(GDVN) - TS.Nguyễn Văn Khải chia sẻ, hạn chế tối đa thời lượng dạy lý thuyết lơ mơ, dành nhiều thời gian cho sinh viên học thực tế thì sẽ không còn cảnh thất nghiệp.

Câu chuyện Trường Đại học Nguyễn Trãi tuyên bố đảm bảo hơn 90% sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm ưng ý đang thu hút sự chú ý của dư luận xã hộinhững ngày qua.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Nguyễn Văn Khải (người được gọi là ông già ozon) đánh giá, hàng vạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp không phải là chuyện lạ, bởi vì hầu hết các trường đại học (đa phần là đại học công lập) đều đào tạo không gắn với thị trường.

“Phần lớn sinh viên học chay, lý thuyết đã không chuẩn mà lại không có thực hành nên khi ra trường chỉ có cái bằng, không biết làm cái gì cả.

Tôi xin nói thế này, kiểu dạy học ở Việt Nam, học sinh giỏi lý, hóa nhưng chưa chắc đã thực sự giỏi. Cái giỏi chỉ là làm bài tập, đi thi thố lấy giải ở đâu đó, nhưng có khi không có kiến thức thực tế”, ông Khải nói.

TS.Nguyễn Văn Khải giúp bà con nông dân dập dịch. ảnh: NVK.
TS.Nguyễn Văn Khải giúp bà con nông dân dập dịch. ảnh: NVK.

Theo TS.Nguyễn Văn Khải, đó là lý do rất nhiều học sinh giỏi của Việt Nam phải tìm đường ra nước ngoài du học, bởi vì ở những môi trường học tập ấy có đầy đủ điều kiện để phát triển khả năng. Trong khi đó học ở Việt Nam thì chỉ có lý thuyết và sớm tụt hậu với thế giới.

“Quan điểm của tôi là học gì thì học, nhưng cuối cùng phải thể hiện được bằng những kết quả thực tế trong đời sống. Thế nên tôi ủng hộ những trường đại học như Nguyễn Trãi tăng tối đa thời lượng cho sinh viên được học thực tế tại các doanh nghiệp, được làm việc để rèn các kỹ năng cần thiết.

Dạy lơ mơ, học cũng lơ mơ nên mới... thất nghiệp ảnh 2

“Cố tiến lên hàng đầu, nhưng hàng đầu rồi không biết đi đâu?"

Trong quá trình được làm việc thực tế thì sinh viên sẽ tự thấy mình đang thiếu ở điểm nào để chủ động bù vào, còn chỉ dạy lý thuyết trên lớp thì học xong sẽ trả hết chữ cho thầy”, ông Khải nói.

TS.Nguyễn Văn Khải là người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học Vác-sa-va (Ba Lan) đưa ra lời khuyên, đại học không phải là con đường duy nhất để phát triển sự nghiệp, mà điều quan trọng là phải có lựa chọn phù hợp với bản thân mình.

Tuy nhiên, khi đã lựa chọn bất kỳ ngành nghề nào để học tập thì phải xác định rõ ràng mục tiêu học tập, không thể chọn ngành theo cảm tính, học xong không biết làm gì.

TS Khải nói: “Ở nhiều nước thì tư vấn cho học sinh chọn ngành là chuyện phổ biến, còn ở Việt Nam thì lại là chuyện hiếm. Vấn đề này chỉ được các trường tư thục quan tâm, bởi vì để tồn tại thì họ buộc phải gắn đào tạo với thị trường, còn lại ở các trường còn dựa dẫm vào nhà nước lại rất thờ ơ.

Việc tư vấn cho học sinh chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của bản thân, phù hợp với hoàn cảnh gia đình hết sức quan trọng, ngăn chặn tình trạng thất nghiệp tràn lan như hiện nay”.

Rút ngăn thời gian học lý thuyết, dành tối đa thời gian để sinh viên thực hành, làm việc bán thời gian là phương pháp đào tạo hiệu quả. ảnh: Giáo dục Việt Nam.
Rút ngăn thời gian học lý thuyết, dành tối đa thời gian để sinh viên thực hành, làm việc bán thời gian là phương pháp đào tạo hiệu quả. ảnh: Giáo dục Việt Nam.

 Theo TS Khải, không qua lao động không thể phát hiện, phát triển tài năng, vì vậy trong học tập phải có thực hành, học lý thuyết sẽ không có kỹ năng, chỉ có tấm bằng đại học thì không thể đá ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.

“Nhiều đứa trẻ học cho bố mẹ, hoàn toàn làm theo sự sắp đặt của người lớn. Đó là một sai lầm, bởi vì thanh niên cần phải được phát triển tốt nhất các khả năng của riêng mình, điểm mạnh của mình.

Dạy lơ mơ, học cũng lơ mơ nên mới... thất nghiệp ảnh 4

Trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam cam kết hơn 90% sinh viên có việc làm

Tôi có phải chuyên gia được đào tạo về nông nghiệp đâu, thế nhưng tôi có thể tư vấn cho rất nhiều bà con nông dân với các vấn đề liên quan cả tới sức khỏe và trồng cấy, chăn nuôi… cho tới chữa bệnh cho gia súc, bảo quản hoa quả mà không cần sử dụng tới hóa chất độc hại.

Tôi cũng chẳng phải bác sĩ, thế mà có hàng nghìn người dân đến tận nhà xin tôi anolyte để chữa bệnh chân tay miệng, bệnh ngoài da.

Tất cả những điều đó các bạn trẻ có thể làm được và còn giỏi hơn thế hệ chúng tôi, nhưng quan trọng là trong học tập phải được thực hành, đó là điểm yếu của rất nhiều trường đại học.

Vì vậy, cần thay đổi mạnh trong tư duy đào tạo, không những dành tối đa thời gian để sinh viên thực hành, rèn luyện kỹ năng, mà còn sử dụng đội ngũ chuyên gia là các nhà quản lý doanh nghiệp giảng dạy, điều đó chắc chắn sẽ mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho sinh viên”.

Ngọc Quang