Điều gì khiến học sinh lớp 6 rơi nước mắt vì không biết đọc, biết viết?

04/10/2016 08:32
Hồng Thủy
(GDVN) - "Điều trị tận gốc" bệnh thành tích trong giáo dục từ cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thì những giọt nước mắt tủi hổ như của L.S.V mới không còn.

Chương trình Chuyển động 24h phát sóng tối 1/10 đưa tin, một học sinh lớp 6 phải quay trở lại lớp 1 vì không biết đọc, không biết viết khiến dư luận ngỡ ngàng.

Điều đáng nói là suốt 5 năm học ở một trường tiểu học đạt "chuẩn quốc gia", gia đình em đã không dưới một lần xin nhà trường cho con không lên lớp để học cho chắc kiến thức.

Người viết bị ám ảnh bởi giọt nước mắt tủi hổ của cậu bé trong câu chuyện, L.S.V - học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Vĩnh Hòa, thành phố Sóc Trăng tỉnh Sóc Trăng, nhân vật chính trong đoạn phóng sự của VTV. [1]

Con đường "chỉ có lên lớp, không được lưu ban"

Theo phản ánh của báo Thanh Niên ngày 3/10, chị G. mẹ cháu V. cho hay:

"Năm cháu học lớp 4, chính tôi đã đến xin cho con ở lại lớp nhưng nhà trường nói cháu học được nên không cho ở lại.

Đến cuối năm lớp 5, tôi gặp giáo viên chủ nhiệm lớp 5/3 của cháu, nói với thầy là con tôi học yếu thầy cứ cho cháu ở lại học cho cứng. 

Song thầy nói cháu học được, gia đình chịu thì nhà trường cho lên lớp.

Mình không biết chữ, gửi con cho nhà trường thì thầy giáo nói sao mình nghe vậy. Đến khi “bể chuyện” thì nhà trường lại trách gia đình thiếu quan tâm đến con.

Chúng tôi không biết chữ mới gửi con vào trường, tại sao nhà trường lại phủi trách nhiệm của mình."

Giọt nước mắt em V. ám ảnh người viết, ảnh chụp màn hình phóng sự của Chuyển động 24h, vtv.vn.
Giọt nước mắt em V. ám ảnh người viết, ảnh chụp màn hình phóng sự của Chuyển động 24h, vtv.vn.

Người viết khâm phục chị G., một phụ huynh không biết chữ, dù nhà nghèo nhưng gia đình cũng vay mượn tiền mua quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho cháu đi học.

Đặc biệt hơn nữa là người mẹ không biết chữ ấy đã không dưới một lần chủ động xin cho con không lên lớp vì biết con học quá yếu. Nhưng nguyện vọng chính đáng ấy cũng không được đáp ứng.

Cũng theo báo Thanh Niên, bà nội của V. cho biết:

“Mẹ cháu V. đã đưa cháu lên tận Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Sóc Trăng phản ánh, nhưng lãnh đạo phòng này cũng không đả động gì. 

Con dâu tôi đã xin cho cháu ở lại lớp mấy lần mà không được.

Trong quá trình học, nhà trường cũng không trao đổi gì với gia đình mà cứ cho cháu lên lớp đều đều. Bây giờ nói ra thấy xấu hổ quá!”. [2]

Điều đáng nói là L.S.V không phải trường hợp duy nhất.

Ngay trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, theo phản ánh của báo Thanh Niên thì tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong cũng có một lớp 3 có đến 8 học sinh không biết đọc.

Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thừa nhận thực tế ở một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh có tình trạng một số học sinh không biết đọc, biết viết. 

Quả bóng trách nhiệm vẫn cứ lăn

Bà Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Đạo Thành nơi em L.S.V theo học suốt 5 năm mà không biết đọc, không biết viết đã nói với Chuyển động 24h:

"Tôi không có nghe được thông tin này. Nếu như có thông tin này thì tôi cũng sẽ xem xét và giải quyết.

Tại vì tôi cũng không có thông tin báo lên từ phía gia đình, cũng như giáo viên chủ nhiệm.

Cuối năm bé kiểm tra, bé đạt mức trung bình, tức là điểm 5 thì nhà trường xét cho bé lên lớp." [1]

Bà Dương Thị Ngọc Diễm, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Sóc Trăng thừa nhận, hiện tượng "việc học sinh không biết đọc, không biết viết là có thật", và đó là trách nhiệm của các trường cũng như Phòng Giáo dục - Đào tạo.

Tuy nhiên khi nói về nguyên nhân của tình trạng này, bà Diễm cho rằng: "do đặc thù địa phương có đông con em đồng bào dân tộc Khmer nên khả năng tiếp thu của các học sinh hạn chế.

Một phần nữa là do năng lực của giáo viên còn hạn chế." [2]

Nói cách khác là do năng lực của học sinh và năng lực của giáo viên.

Bà Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Đạo Thành, ảnh: vtv.vn.
Bà Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Đạo Thành, ảnh: vtv.vn.

Vị Hiệu trưởng trường Lý Đạo Thành thì được báo Thanh Niên dẫn lời cho rằng: Để xảy ra tình trạng học sinh lên lớp nhưng không biết đọc như vậy là lỗi do nhà trường tin tưởng giáo viên.

Thông tư 59, Thông tư 30 và bệnh thành tích trong cơ chế chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo liệu có vô can?

Nhiều năm qua, dư luận xã hội vẫn bức xúc trước tình trạng "bệnh thành tích" trong giáo dục.

Ngành Giáo dục cũng đã từng phát động cả một chiến dịch rầm rộ, nói không với bệnh thành tích trong giáo dục.

Nhưng theo cá nhân người viết, do chưa chỉ thẳng vào bệnh thành tích trong giáo dục nằm ở chính sách nào, văn bản nào, quy trình nào, nên việc "bốc thuốc" vẫn không hiệu quả, mọi nỗ lực vẫn như bắt cóc bỏ đĩa.

Trong khuôn khổ bài viết này, người viết xin nêu lên 2 văn bản mà cá nhân người viết cho là có thể gây ra bệnh thành tích trong giáo dục, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc học sinh không biết đọc, không biết viết vẫn cứ phải lên lớp, muốn ở lại lớp học lại kiến thức hổng cũng không được.

Thứ nhất là Thông tư 59/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. [5]

Điều 4. Mục đích công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia

1. Mức chất lượng tối thiểu là căn cứ để xây dựng kế hoạch đầu tư các nguồn lực cho giáo dục tiểu học, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện đảm bảo cho trẻ em ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng được thụ hưởng về giáo dục ở mức cần thiết, cơ bản, góp phần thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ.

2. Tiêu chuẩn trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia là căn cứ để xây dựng kế hoạch đầu tư các nguồn lực cho giáo dục tiểu học, góp phần thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, tạo điều kiện đảm bảo cho trường tiểu học không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. 

Việc kiểm tra và đánh giá đúng thực chất chất lượng giáo dục là hết sức cần thiết và quan trọng.

Tuy nhiên, chất lượng dạy và học để đạt "chuẩn quốc gia" lại được quy định rất chung chung, và nằm ở cuối bảng.

Quan trọng hơn là, khi lấy việc công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, chuẩn quốc gia để làm căn cứ "xây dựng kế hoạch đầu tư các nguồn lực cho giáo dục tiểu học" thì đây chính là nguyên nhân chính sách dẫn đến hiện tượng cho học sinh lên lớp bằng mọi giá.

Nói cách khác, phải chăng đạt "chuẩn quốc gia" thì một trường tiểu học mới được đưa vào danh sách ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách?

Điều gì khiến học sinh lớp 6 rơi nước mắt vì không biết đọc, biết viết? ảnh 3

Học sinh lớp 6 phải về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết đâu phải chuyện hiếm!

(GDVN) - Vì thành tích những học sinh này buộc phải lên lớp; giáo viên mừng, học sinh cũng mừng nhưng chính giáo viên đã tước đi một cơ hội biết chữ của các em!

Như phản ánh của báo Thanh Niên, Trường tiểu học Lý Đạo Thành đang được xây mới với kinh phí trên 11 tỉ đồng để đạt chuẩn quốc gia giai đoạn (mức độ) 2.

Bà Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường cũng thừa nhận việc giao chỉ tiêu, áp lực của trường đạt chuẩn quốc gia nên thường cuối năm, học sinh lưu ban mỗi lớp không được quá 1 em.

Trong khi Thông tư 59/2012/TT-BGDĐT về kết quả xếp loại giáo dục của học sinh đối với trường tiểu học đạt "chuẩn quốc gia mức độ 2" không thấy có "chỉ tiêu học sinh lưu ban".

Áp lực từ Thông tư 59 không chỉ dồn lên đầu các nhà trường, hiệu trưởng, mà cả các thày cô giáo trực tiếp đứng lớp.

Một giáo viên Trường Tiểu học Lý Đạo Thành được báo Thanh Niên dẫn lời cho biết:

"Giáo viên chịu quá nhiều áp lực. Áp lực từ chuyện xét danh hiệu thi đua cá nhân, áp lực của nhà trường khi đưa ra chỉ tiêu, áp lực từ phòng GD-ĐT khi xét thi đua trường... 

Vì thế, nhiều giáo viên cho “điểm khống” luôn để khỏi mất công và được khen nữa. Cuối cùng, từ dưới cho đến trên đều dối nhau hết vì bệnh thành tích."

Thứ hai là Thông tư 30 Quy định đánh giá học sinh tiểu học. Sau 2 năm triển khai thực hiện, thông tư này đã gây nhiều tranh cãi.

Theo báo Dân Trí, ngày 20/5 vừa qua, Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam công bố kết quả khảo sát thực trạng thực hiện Thông tư 30/2014/BGDĐT, trong đó gần 64% giáo viên được hỏi cho biết, học sinh lười học hơn sau khi áp dụng Thông tư 30. [3]

Theo báo Thanh Niên, một giáo viên tiểu học ở thành phố Sóc Trăng cho biết khi Thông tư 30 quy định bỏ chấm điểm học sinh tiểu học thì giáo viên lại nhận xét, đánh giá bài kiểm tra, bài thi của học sinh chung chung.

Còn theo bà Hạnh, Trường tiểu học Lý Đạo Thành đã đạt chuẩn quốc gia 4 năm trước.

Hằng năm, để xét lên lớp, trường tổ chức thi, kiểm tra chéo, nhận xét đánh giá đầy đủ theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Chuyển động 24h, VTV, sự dễ dãi trong đánh giá chất lượng giáo dục bậc tiểu học còn nằm ở cách tính điểm. Theo quy định, điểm của môn Tiếng Việt sẽ là điểm trung bình cộng của Điểm đọc và Điểm viết.

Trong đó, Điểm đọc là trung bình cộng của Điểm đọc thầm và Điểm đọc thành tiếng; Điểm viết là trung bình cộng của Điểm viết chính tả và Điểm tập làm văn. Mỗi lần tính trung bình, số lẻ đều được làm tròn.

Như vậy thực tế là một học sinh chỉ đạt 3,5 điểm, nhưng vẫn có thể được tính thành 5 do 3 lần làm tròn.

Cách tính điểm môn Tiếng Việt cấp tiểu học, theo vtv.vn.
Cách tính điểm môn Tiếng Việt cấp tiểu học, theo vtv.vn.

Mục đích của Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn giúp học sinh tự tin, không mặc cảm vì bị so sánh đánh giá với học sinh khác là rất nhân văn.

Tuy nhiên điều này thuộc về kỹ năng sư phạm của giáo viên, chứ không phải quy chuẩn đánh giá, và càng không phải do điểm số.

Điểm số không có tội. Áp lực đối với học sinh chính là kỳ vọng và bệnh thành tích, sĩ diện của người lớn, bao gồm cả phụ huynh, nhà trường và các địa phương.

Thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thể hiện rất rõ nét tinh thần cầu thị, khách quan, lắng nghe dư luận và có những điều chỉnh kịp thời, cần thiết để tiếp tục thúc đẩy đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục nước nhà.

Giải pháp đầu tiên trong 5 giải pháp cơ bản của năm học 2016-2017 được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra là:

Cải cách thể chế về giáo dục - đào tạo. Trong đó, tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của ngành và liên quan đến ngành;

Lựa chọn theo thứ tự ưu tiên để tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với thực tiễn hoạt động của ngành. [4]

Điều gì khiến học sinh lớp 6 rơi nước mắt vì không biết đọc, biết viết? ảnh 5

Bộ trưởng “mở lối” VNEN

(GDVN) - Ai viện trợ thì viện trợ, chúng ta vẫn phải giữ chủ quyền và thế chủ động trong ngành mình, lĩnh vực mình quản lý để đảm bảo thu được lợi ích cao nhất.

Cá nhân người viết cho rằng, đây là một giải pháp hoàn toàn đúng đắn và có thể giải quyết gốc rễ các vấn đề nổi cộm trong giáo dục, không chỉ của năm học 2016 - 2017, mà là của cả chương trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.

Trên tinh thần ấy, người viết mạo muội nêu lên 2 vấn đề và 2 văn bản quy phạm pháp luật của ngành Giáo dục, ngõ hầu góp thêm tiếng nói để lãnh đạo Bộ tham khảo, nghiên cứu, tìm phương thuốc giải quyết tận gốc bệnh thành tích trong giáo dục cũng như bệnh ngồi nhầm lớp.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 22 trên tinh thần bổ sung, sửa đổi Thông tư 30, cho thấy một thái độ cầu thị, lắng nghe dư luận xã hội của tân Bộ trưởng.

Tuy nhiên có lẽ do cách tiếp cận "tất cả tại điểm số", nên theo người viết, Thông tư 22 sẽ khó có thể cải thiện tình hình chất lượng dạy và học ở cấp tiểu học, nếu thiếu vắng các đánh giá định lượng cụ thể.

Người viết thiết nghĩ, trừ phi "điều trị tận gốc" bệnh thành tích trong giáo dục từ cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thì những giọt nước mắt tủi hổ như của L.S.V mới không còn rơi xuống.

Tương lai của V. và các bạn cùng cảnh ngộ với em mới có thể được đảm bảo, chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà mới thực sự thành tựu một cách vững chắc, có nền tảng.

Chừng nào có thiếu sự nghiên cứu thấu đáo, có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước học sinh, phụ huynh và tương lai, tiền đồ của dân tộc và dũng cảm điều chỉnh kịp thời những bất cập từ cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thì chừng đó mới không còn những hiện tượng đáng buồn trong giáo dục như thời gian qua.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vtv.vn/video/chuyen-dong-24h-toi-01-10-2016-176079.htm

[2]http://thanhnien.vn/giao-duc/hoc-lop-6-phai-quay-ve-lop-1-vi-khong-biet-doc-biet-viet-gia-dinh-nha-truong-noi-gi-750691.html

[3]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/giat-minh-khi-64-giao-vien-nhan-dinh-hoc-sinh-luoi-hoc-vi-ap-dung-thong-tu-30-20160521080227884.htm

[4]http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-bo.aspx?ItemID=4062

[5]http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-59-2012-TT-BGDDT-cong-nhan-truong-tieu-hoc-dat-chuan-quoc-gia-163114.aspx

Giáo viên chịu quá nhiều áp lực. Áp lực từ chuyện xét danh hiệu thi đua cá nhân, áp lực của nhà trường khi đưa ra chỉ tiêu, áp lực từ phòng GD-ĐT khi xét thi đua trường... Vì thế, nhiều giáo viên cho “điểm khống” luôn để khỏi mất công và được khen nữa. Cuối cùng, từ dưới cho đến trên đều dối nhau hết vì bệnh thành tích
Hồng Thủy