LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được bài viết của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, nghiên cứu sinh về giáo dục tại Hoa Kỳ chia sẻ về những vấn đề cơ bản của sinh viên ở đây.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau hơn 5 năm trải nghiệm với giáo dục đại học Mỹ từ chương trình Tiến sỹ quản trị Lãnh đạo Giáo dục tại A&M (Corpus Christi, Texas), với 2 năm rưỡi được học và quan sát trực tiếp tại trường và các tổ chức hiệp hội chuyên nghiệp của Mỹ, một thời gian tương tự của tự học và qua 4 tháng hơn ở Boston để khảo sát trực tiếp 3 trường đại học tại đó, trong đó lấy mô hình của Harvard làm tham chiếu (một trường lâu đời, hàng đầu thế giới), tôi có gửi đến các cơ quan và đại học có liên quan của bang Massachusett về dự kiến xây dựng mô hình sinh viên giúp sinh viên.
Mô hình này nhằm hướng đến những hoạt động khắc phục các điểm yếu trong hệ thống giáo dục đại học công của Mỹ, giải quyết vấn nạn về bỏ học nửa chừng (drop out) của sinh viên và nâng cao chất lượng học – tự học của sinh viên, qua hệ thống tự giúp lẫn nhau giữa các sinh viên học cùng trường, cùng lớp, cùng nhóm, đặc biệt là về 3 đề xuất nhằm giúp sinh viên không có chỗ ở và sinh viên đối mặt với khó khăn trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể như sau:
Những vấn đề cơ bản với sinh viên Mỹ
(Nguồn: How well do we really know our today’ students? – Oct. 2018. Higher Learning Advocate, Chúng ta đã biết gì về sinh viên hiện đại? Tiếng nói bảo vệ Học Tập Cao). |
(i) Tỷ lệ sinh viên khó khăn trong cuộc sống và học tập, dẫn đến bỏ học >65% tổng số sinh viên đại học, 2 năm và 4 năm [5 – NCES – Data US Higher Education].
(ii) Chất lượng học đại học rất đáng lưu tâm, bởi qua kiểm tra chất lượng sinh viên đại học sau khi họ học 2 năm hay khi tốt nghiệp, rất nhiều kiến thức và kỹ năng thiếu và yếu [12 – Giáo dục Đại học Mỹ, Derek Bok].
(iii) Trong khoảng hơn 20 năm qua, số lượng tốt nghiệp đại học và không có việc làm, hoặc làm việc không cần đến bằng cấp tương ứng đã tạo nên những thay đổi cơ bản trong cấu trúc đại học, ngành học và nhu cầu của thị trường đang chạy theo nhu cầu của những hãng lớn công nghệ đang tạo nên những thay đổi cơ bản về không chỉ ngành nghề học, mà còn ảnh hưởng lớn đến cấu trúc thu nhập xã hội và các tầng lớp trong xã hội.
Khủng hoảng trong đại học có nguyên nhân trực tiếp từ khủng hoảng nền tảng xã hội, bất bình đẳng trong cơ hội và thu nhập giữa các tầng lớp khác nhau, đặc biệt là ngành nghề đào tạo giữa những ngành khoa học xã hội và những ngành công nghệ đang “hot” [1].
Những đề xuất giải pháp
Để giải quyết vấn nạn sinh viên bỏ học, cần thiết lập chính sách Từ trên xuống và Từ dưới lên đồng thời.
Với tư cách của một sinh viên nghèo và đã từng “bỏ học”, tôi xác nhận, việc bỏ học có thể chấm dứt với những phương thức hỗ trợ trực tiếp từ các nguồn tại đại học và từ mạng lưới sinh viên giúp sinh viên.
Về chính sách quốc gia, hiện Quốc hội Mỹ đã đánh giá việc “thiếu ăn” (food insecurity) là một trong 3 nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến năng lực học tập và khả năng duy trì việc học tập [2].
Sinh viên Mỹ (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Một báo cáo mới nhất (01/05/2019) [3] thực hiện trên diện rộng nghiên cứu về tình trạng thiếu ăn, không có chỗ ở và những “mâu thuẫn” trong chính sách và quy trình hỗ trợ tài chính sinh viên học có lẽ sẽ giúp cho Quốc Hội Mỹ nhìn nhận và đánh giá lại các thực trạng cản trở phát triển năng lực lao động và cạnh tranh quốc gia ở tầm vĩ mô và lâu dài.
Trong thư đề xuất gửi các cơ quan có thẩm quyền của Massachusett, Quốc Hội Mỹ và Harvard, tôi có đưa ra mô hình sinh viên giúp sinh viên, lấy Boston làm thí điểm, theo nguyên tắc:
1. Xây dựng mạng lưới sinh viên giúp sinh viên.
2. Dựa trên hệ thống giáo sư chuyên ngành và các nguồn lực từ đại học.
3. Những hỗ trợ cơ bản đảm bảo sinh viên có thể học và làm việc trực tiếp giải quyết các nhu cầu từ cộng đồng, của cộng đồng và vì cộng đồng, đặc biệt trong câu chuyện về đói ăn và thiếu chỗ ở.
Trên website tìm việc làm của Boston, hầu hết những vấn đề hiện tại của Boston, ví dụ, những người làm công tác xã hội, chăm sóc người già, giáo viên trông trẻ trước khi đến trường, giáo viên đa ngôn ngữ và STEM vẫn là nhu cầu lớn, chưa tính đến dự án Boston 2030, phát triển hệ thống hạ tầng, Xây dựng Boston – Global City…
Có nghĩa là có vô vàn việc vẫn đang rất cần người, có năng lực, có hiểu biết, có tâm huyết để giải quyết, dù đó là từ công việc của chính quyền hay phát triển hệ thống thương mại quốc tế nhằm nâng tầm phát triển thành phố lên cùng các trung tâm kinh tế quốc tế khác.
Tuy nhiên, câu chuyện những nghề nghiệp cơ bản, trong đó bao gồm cả những nghề rất mới, trong công nghệ đang tìm kiếm, không phải dễ có người.
Để đảm bảo chính sách về ngân sách quốc gia, ngân sách tài trợ cho sinh viên học và có thể tốt nghiệp, phát triển hết được năng lực của mình, một mặt, Quốc hội sẽ phải làm việc của mình.
Nhưng dưới góc độ của một thành phố nhỏ (Boston không được tính là mega city ở Mỹ), với những năng động của mình và lịch sử phát triển hàng trăm năm kết nối với vô số các điểm khác trong và ngoài nước Mỹ (cảng biển và hàng không), tôi mong Boston – Boston Foundation, Harvard Student organization bodies (các tổ chức sinh viên) và 35 trường đại học có thể thực hiện những bước sau:
(1) Kết nối sinh viên với những nguồn lực có thể giúp họ có chỗ ăn và ở ổn định, trong đó ít nhất là 6 tháng – 1 năm.
Qua thời gian 2 tháng đi làm tình nguyện ở các shelters (nhà trọ dành cho người nghèo vô gia cư, do các nhà thờ và trung tâm thiện nguyện của Boston thiết lập), hầu hết mô hình như Y2Y, HSHC, St. Francis House đều có thể giúp sinh viên chỗ ăn ngủ với mức phí $300/tháng, bao gồm cả internet và chỗ sinh hoạt chung.
Trong cùng thời gian, đi hỏi và tìm thuê nhà ở cùng với người dân, mẫu số có thể chấp nhận ở Boston khi thuê một phòng 1 người bao trọn có thể từ $400-500/tháng.
Vậy, với chương trình “Boston – Friendly Age Community” (FAC - cộng đồng thân thiện với người lớn tuổi), theo báo cáo về nhu cầu đa dạng hóa năng lực học tập cho người dân Boston, sinh viên có thể có cơ hội tìm kiếm chỗ ở miễn phí hoặc với giá hợp lý.
Nếu họ được kết nối với những cộng đồng tương tự với FAC, với cộng đồng sinh viên, cộng đồng những người có nhu cầu cần giúp đỡ học tập…đặc biệt với trường học từ mầm non – cấp 3, nhằm có thể vừa giúp đỡ thành phố tăng cường năng lực chia sẻ và hỗ trợ người lớn tuổi và các cộng đồng khác nhau, vừa tạo cơ hội cho sinh viên công việc, dưới hình thức trao đổi chỗ ở, hỗ trợ tiền chi trả ăn ở và tăng cường mối quan hệ thân thiết giữa các đại học, sinh viên học với những công việc mà Boston cần giải quyết.
Lấy ví dụ về một ý tưởng khá hay của Boston, “Hãy yêu từng góc phố của bạn” (LoveYourBlock), nó vừa mang tính nhân văn về tình yêu thương khu phố, tăng cường giao lưu giữa mọi người sống cùng nhau, nhưng quan trọng nhất, nếu mang chương trình này vào các cấp học, học sinh sinh viên sẽ biết được, chúng hiểu về lịch sử khu mình ở, giữ gìn vệ sinh đẹp đẽ từ trong nhà ra đến ngoài đường, biết bảo vệ những gì là giá trị lịch sử và có ý thức tìm hiểu, làm sao để làm tốt hơn nữa những gì mà cha ông để lại…
Vấn đề cơ bản, đây không chỉ là một chương trình tình nguyện vài tiếng mỗi tuần làm sạch khu phố, nó tạo dựng những mối quan tâm, yêu thương những gì xung quanh mình…
Một chương trình nhỏ, không tốn tiền nhiều, nhưng nếu thực sự làm cẩn thận, theo thời gian, nó sẽ giúp gây dựng nên những thế hệ biết không vứt rác ra đường, biết rõ những ai đang ở cùng khu, biết giúp đỡ những ai cần giúp đỡ, nó gây dựng lại mối quan hệ ràng buộc thân thương lẫn nhau trong cộng đồng.
Đó là lúc thực sự con trẻ về được lại cộng đồng và trong trường hợp này, những khó khăn về xe cộ chở con đi học sáng sớm, học tập cộng đồng, nhờ vả giúp đỡ lẫn nhau trong rất nhiều việc, hoàn toàn có thể cởi mở để trao đổi, mà không ngại về zip code, khu phố dân “nghèo” hay tình trạng tội phạm đáng lưu tâm…
Với những cộng đồng biết chia sẻ, sinh viên không có chỗ ở, người nghèo khó khăn mới mong có thể hỏi để ở “miễn phí” hay “giá rẻ” được!
(2) Mạng lưới sinh viên giúp sinh viên: tìm chỗ ăn ở và học tập.
Thời gian tôi đi làm tình nguyện ở Boston, hầu hết ở các chỗ của Boston, đều có sinh viên và người dân Boston tham gia dành thời gian đến góp sức, góp tiền để phục vụ người khó khăn hay vô gia cư.
Nhưng hiếm thấy sinh viên khó khăn đến những chỗ nhà trọ hay giúp đỡ từ thiện đó, để hỏi sự giúp đỡ.
Thực trạng này được một nghiên cứu về sinh viên khó khăn ở Massachuset nói đến, hầu hết sinh viên không bộc lộ “sự nghèo khó” hay hỏi sự giúp đỡ với ngay giáo sư và bạn bè mình [4], kể cả qua điều tra thực trạng sinh viên trong trường.
Điều này làm quản lý và các giáo sư, những người muốn giúp đỡ cũng gặp khó khăn.
Tuy nhiên, theo tôi hiểu, bởi điều tra là qua online và với thực tế về tình trạng sinh viên hiện tại (theo như bảng trên), 58% sinh viên đi làm trong khi đi học, thậm chí phải làm 2 -3 công việc để chi trả cuộc sống của họ, những gì thực sự giúp họ trong bao năm qua, nếu không phải là chính họ và các khoản vay nợ cho đi học?
Do vậy, tôi có đề xuất việc khảo sát thực trạng sinh viên có nhu cầu như thế nào, hãy để các tổ chức sinh viên thực hiện.
Họ có năng lực để làm, họ cần phải làm những công việc đó, cho họ và cho chính bạn bè họ và để lấy dữ liệu sát thực nhất, về thực trạng cuộc sống và nhu cầu, đảm bảo họ có thể sống và học tập tốt nhất có thể.
Quan điểm cá nhân tôi, việc ăn có thể giải quyết trong tầm tay, bởi chỉ cần nước Mỹ tiết kiệm đôi chỗ là sẽ đủ ăn cho cả thế giới, không chỉ sinh viên Mỹ.
Nhưng vấn đề cơ bản đối với thành công của sinh viên, không chỉ nằm ở chỗ ăn và ở, mà ở chất lượng dạy, học và làm nghiên cứu đáp ứng nhu cầu cuộc sống 80 năm cuộc đời một con người.
Bàn đến chất lượng, vì hệ thống K1-K12 cũng có rất nhiều vấn đề để giải quyết, hệ thống mạng lưới sinh viên giúp sinh viên sẽ như mô hình “bạn bè cùng tiến” (Together, move forward!), chia các môn học, các ngành học và các bạn trong từng nhóm đó có thể ôn bài, học tập cùng nhau, hoặc có thể tổ chức các buổi tra cứu và thực hành bài tập, đảm bảo những lỗ hổng kiến thức ở tầng học dưới có thể được bổ sung trong quá trình học tại đại học và mời các giáo sư có thời gian đến tham dự cùng.
Tất cả đều được sinh viên tổ chức, thực hiện và họ sẽ biết cách nào là hợp lý nhất để phù hợp với từng người bạn, từng trình độ và không tạo nên chi phí lớn trên ngân sách của cá nhân, trường hay của bang.
Với mô hình bạn bè giúp nhau học, nó là một kênh để tạo dựng những người thực sự thích học và dạy cho người khác, nền tảng giúp bổ sung cho giáo viên thiếu hụt ở K1-K12, nếu chúng ta tìm ra được phương thức hợp lý hóa, sao cho hỗ trợ trường phổ thông học bổ sung kiến thức có thể do các sinh viên đại học xuống ôn bài, chia sẻ cùng.
Hợp tác mở đại học với tư nhân, dịch vụ nhìn từ thực tiễn Mỹ |
Hơn thế, khi ngân sách bang hay đại học hỗ trợ tài chính cho sinh viên học, những hoạt động sinh viên giúp đỡ sinh viên, giúp đỡ học sinh K1-K12 và cộng đồng sẽ là những ưu tiên để đánh giá việc sử dụng ngân sách là có hiệu quả hay không.
Bởi chúng ta phải có một nguyên lý cơ bản khi giúp đỡ sinh viên: “Hãy giúp Tôi, để Tôi giúp người khác” (Help Me to Help Others), có nghĩa là, khi chúng ta giúp đỡ sinh viên học và thành tựu, bằng việc giúp họ có đủ ngân sách tối thiểu và mạng lưới tốt để hỗ trợ nhau, họ sẽ là người giúp Boston thành tựu, giải quyết các vấn đề về nhân lực của các ngành nghề đang thiếu, giải quyết các vấn nạn trong cộng đồng xã hội và tiến tới, tạo sức cạnh tranh toàn diện và lâu dài cho sự phát triển của Boston.
Đó là lý do tôi gọi chương trình Boston Care. Students Success (Boston quan tâm. Sinh viên Thành tựu).
(3) Giáo sư và đại học: hãy là nơi đáng tin cậy để sinh viên có thể được nói và sống thật.
Giá trị của đại học, vai trò của đại học, trong thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” này thật quá nhiều thách thức, nhất là đòi hỏi đại học là nơi “sáng tạo” và dẫn dắt thay đổi xã hội, theo như kêu gọi của UN-SDG 2030!
Là một người có niềm tin vào năng lực, vào con người có tri thức và giáo dục, tôi luôn tin vào việc thay đổi xã hội luôn là nhu cầu tiến bộ, đảm bảo chúng ta luôn tiến lên trong năng lực phát triển cá nhân và cộng đồng, đất nước.
Tuy nhiên, hãy thẳng thắn nói rõ, “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể đẩy được cả trái đất” vẫn là điều đúng, bởi không ai, dù đó là sinh viên, giáo sư, đại học nào có thể “dẫn dắt” thay đổi, khi họ bị quá nhiều ràng buộc, quá nhiều gánh nặng mưu toan, ăn gì, kiếm đâu trả tiền “bill” hàng tuần, hàng tháng và nhất là tiếng nói, vai trò của họ, sinh viên và giáo sư thực sự chưa được có trọng lượng lớn trong các hoạt động tại đại học.
Lấy ví dụ về cấu trúc tiền học và phí trong đại học công của Mỹ, dù chúng ta rất cố gắng trong các quy định công khai và minh bạch, nhưng thực tế, nó vẫn là một thách thức cho sinh viên, cho cha mẹ và thậm chí, cho các giáo sư.
Bởi giáo sư chỉ phụ trách về nội dung và chương trình giảng dạy, mà không hề biết giá tiền học, sinh viên mình phải gánh là bao nhiêu, lấy từ đâu, sinh viên sống và xoay xở thế nào với những hệ thống nặng nề và chồng chéo về hỗ trợ tài chính, mà theo khảo sát, mỗi năm, 22% - 32% sinh viên Mỹ “quên” không nộp đơn FAFSA [5] và thế coi như là không có cơ hội xin “hỗ trợ”, dù đó gồm cả tiền đi vay!
Sự khó khăn trong chia sẻ không chỉ trong học tập tại trường, tại khoa, mà ở ngoài cộng đồng, trong cuộc sống đời thường, nhất là đời thường đầy khó khăn về “tài chính” khó làm cho mối quan hệ sinh viên “thuộc về” (belonging sense) trường lớp, giáo sư dạy mình và đó là một trong những nguyên nhân sinh viên bỏ học, mà theo tôi hiểu, đang được lưu tâm lớn để giải quyết [6].
Cấu trúc của đại học Mỹ hiện tại, mặc dù có hệ thống sinh viên sinh hoạt rất đông, đa dạng, đại diện sinh viên trong các tổ chức sinh hoạt của trường và thậm chí, trong các cuộc họp của Hội đồng trường là một điểm tích cực.
Nhưng thú thật, với kinh nghiệm cá nhân, những đại diện của sinh viên hình như chưa nói lên được tiếng nói của sinh viên, chưa thực sự đại diện cho quyền lợi thực sự của sinh viên, nhất là trong quy trình quản trị và ra quyết định cơ bản liên quan đến chính các chương trình, chính sách dành cho sinh viên, ví thử như tiền học!
Do đó, nếu thực sự muốn đại học dẫn dắt xã hội thay đổi, chúng ta phải khẳng định bằng luật pháp, bằng cơ chế, để sinh viên và giáo sư được trực tiếp tham gia vào quá trình quản trị và quyết định của đại học.
Điều này đòi hỏi phải đánh giá và thiết kế lại mô hình cấu trúc đại học và biết đâu, với sự tham gia tích cực và có hiểu biết, có trách nhiệm, với chính cuộc đời sinh viên của mình, họ có thể thay đổi rất nhiều và không gây ra sự lãng phí vô cùng từ những hoạt động không hiệu quả, không giúp ích nhiều cho hoạt động trọng tâm trong đào tạo của đại học.
Và dù có thể nào, quan hệ sinh viên – giáo sư và đại học là nền tảng cơ bản của mọi sự thay đổi, mọi hoạt động trong trường và ngoài cộng đồng.
Niềm tin rằng mình luôn có những con người có hiểu biết bên cạnh, mình luôn được yêu thương, mình luôn được các giáo sư và trường mong đợi phấn đấu và sống, học hết mình, động lực cá nhân đó mới thúc đẩy sáng tạo và dám sống hết mình, vì ước mơ của cá nhân và vì cộng đồng được.
Khi niềm tin được thiết lập, mọi việc khó sẽ có đường để giải quyết và ngược lại, toàn bộ những khủng hoảng xã hội hiện tại ở Mỹ, về cơ bản, giống như trong đại học, đó là chúng ta làm việc vì nghĩa vụ, chứ không phải vì niềm tin giữa con người với con người, về một tương lai chung tốt đẹp cùng nhau!
Sinh viên chịu quá nhiều gánh nặng, giáo sư xoay xở đủ cách với cắt giảm ngân sách và đảm bảo chương trình, đại học mong sao tổ chức để không lỗ mà không tính tới khả năng phục vụ và hỗ trợ sinh viên ra sao…tất cả nó đều làm mọi người mệt mỏi, chỉ lo sao cho mình ổn là ổn…Đâu còn thời gian mà nghĩ tới cộng đồng, sáng tạo vì cộng đồng hay xã hội…
Từ trái tim mình, tôi luôn cầu nguyện cho tất cả những sinh viên Mỹ, những người nghèo khó và đang gặp khổ sở, mất niềm tin, ở Mỹ và tất cả mọi nơi trên thế giới này, chúng ta sẽ luôn tìm được tình yêu thương và những sự giúp đỡ cần thiết, để có thể vượt lên đau khổ hiện tại, và đạt được những thành tựu cho cuộc đời của mình.
Chúng ta muốn thành tựu cho bản thân, hãy biết yêu thương và giúp đỡ những kẻ khó trước! Và chỉ cần bắt đầu từ những gì thiết thực nhất.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.bls.gov/spotlight/2017/educational-attainment-of-the-labor-force/home.htm; https://www.urban.org/research/publication/mismatch-how-many-workers-bachelors-degree-are-overqualified-their-jobs; https://izajole.springeropen.com/articles/10.1186/s40172-016-0052-x; https://www.americanprogress.org/issues/economy/news/2019/03/07/467042/state-u-s-labor-market-pre-march-2019-jobs-day-release/;
[2] https://www.gao.gov/products/GAO-19-95
[3] https://hope4college.com/wp-content/uploads/2019/04/HOPE_realcollege_National_report_digital.pdf
[4] https://www.mass.edu/strategic/studenthunger.asp
[5] https://www.insidehighered.com/admissions/article/2019/01/14/new-research-shows-why-students-dont-fill-out-fafsa; https://obamawhitehouse.archives.gov/sites/default/files/docs/increasing_college_opportunity_for_low-income_students_report.pdf; https://www.chronicle.com/article/Lack-of-Financial-Literacy/139223
[6] https://inclusionandbelongingtaskforce.harvard.edu/; College Students' Sense of Belonging: A Key to Educational Success for All Students; https://www.edweek.org/ew/articles/2017/06/21/students-sense-of-belonging-what-the-research.html