Thông tin 108 thí sinh của Hòa Bình, Sơn La được sửa và nâng điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa xác định được 37 thí sinh đang theo học ở đâu khiến dư luận nghi hoặc.
Những em đã được xác định thì có những thí sinh bị trả về, có những thí sinh tự bỏ học và có cả thí sinh đang “tạm thời” theo học tại các trường đại học vì đủ điểm chuẩn.
Việc xác định 37 thí sinh còn lại bây giờ có khó lắm không khi mà các cơ quan chức năng đã có danh sách cụ thể từng thí sinh?
Việc xác định 37 thí sinh còn lại không phải là quá khó khăn đối với ngành giáo dục (Ảnh: Vietnamnet) |
Theo chúng tôi, việc xác minh 37 thí sinh đã xác định là được sửa và nâng điểm ở Hòa Bình và Sơn La không khó, nếu không nói là cực kỳ đơn giản trong thời điểm hiện nay. Vì sao nói nó đơn giản?
Chỉ cần các cơ quan chức năng công bố danh sách công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi danh sách 37 thí sinh này đến các trường đại học, học viện trên cả nước qua email.
Danh sách đó thể hiện rõ tên thí sinh gian lận, tên phụ huynh, địa chỉ cư trú thì đương nhiên chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ các trường sẽ “lọc” được danh sách thí sinh gian lận đang học ở trường của mình và báo cáo về Bộ.
Hoặc, các Sở Giáo dục gửi tên các thí sinh này về các trường Trung học phổ thông- nơi các thí sinh này đã theo học thì các trường cũng nhanh chóng xác định được thí sinh đó đang học hay đang làm gì, ở đâu.
Nếu giả dụ các trường chưa tìm ra được các thí sinh thì bạn bè học chung trong lớp cũng nhanh chóng tố giác, thông tin đến các trường đại học những thí sinh được sửa điểm.
Chúng tôi tin rằng không có một người dân, một sinh viên chân chính nào lại đồng lõa với hành vi gian lận vừa qua ở Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang.
Vì thế, ở thời đại công nghệ số, việc tìm ra danh sách 37 thí sinh không phải mất quá nhiều thời gian nếu ngành giáo dục thực tâm muốn công khai.
Chúng ta cứ nhìn các đối tượng vi phạm pháp luật trong thời gian qua sẽ thấy sức mạnh của quần chúng nhân dân đến nhường nào.
Chỉ cần một hình ảnh mờ mờ qua camera của nhà dân ven đường về khuôn mặt, về biển số xe mà cơ quan an ninh cùng với sự tố giác của người dân nên chỉ một thời gian rất ngắn thì các nghi phạm sẽ phải lộ diện trước ánh sáng.
Đằng này, chúng ta đã có tên thí sinh, tên phụ huynh cụ thể, các cơ quan chức năng lại đang đại diện cho nhà nước để thực thi pháp luật thì tìm 37 thí sinh này dễ như lấy tiền trong túi áo ra ngoài.
Nhưng, vì sao lại chưa xác định được 37 thí sinh trong hơn 1 tháng qua kể từ khi cơ quan công an đã gửi danh sách cho Bộ và các Sở Giáo dục?
Cái chính là Bộ và các Sở Giáo dục chưa thực sự muốn công bố danh sách hay đúng hơn là chưa có chủ ý công bố danh sách thí sinh gian lận nên sự việc này càng ngày càng được đẩy đi xa hơn và gây nên bức xúc cho xã hội.
Vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có chia sẻ với báo chí rằng: “Bộ đang tích cực phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng xác định đối tượng vị phạm để xử lý nghiêm minh, công bằng, chính xác, không bao che và công khai, minh bạch”.
Thí sinh bị trả về địa phương vẫn được tham gia kỳ thi quốc gia |
Tuy nhiên, trước khi Bộ trưởng nói điều này thì chính cấp dưới của Bộ trưởng như Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục - Đào tạo); lãnh đạo các Sở Giáo dục có thí sinh được sửa điểm vẫn “sợ tổn thương” những thí sinh vi phạm.
Bởi, cấp dưới của Bộ trưởng sợ việc làm này là của phụ huynh, sợ các thí sinh không biết việc làm của cha mẹ mình thì ảnh hưởng tới tương lai các em bởi các thí sinh này “mới” có 18-19 tuổi đầu.
Việc các cơ quan điều tra vừa bắt thêm 3 giáo viên chấm tự luận ở Hòa Bình ngày 23/4/2019 càng cho thấy sự việc càng được mở rộng và càng gần hơn đến sự thật.
Vì thế, dư luận trông chờ các cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng làm rõ bản chất sự việc.
Bởi những ngày qua, chúng ta thấy một số phụ huynh có con nằm trong danh sách thí sinh được sửa điểm đang là lãnh đạo địa phương liên tục phủ nhận việc can thiệp, nhờ vả, tác động của mình.
Họ đang là những người “bị oan” bởi tự nhiên con bị sửa điểm. Nên, phụ huynh không biết, thí sinh cũng chẳng hay?
108 thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La đã được xác định là gian lận trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 cũng đồng thời có 108 thí sinh khác bị mất cơ hội.
Việc “truy vết” 37 thí sinh còn lại cần sự quyết tâm của Bộ và các Sở Giáo dục- Đào tạo.
Bởi, các cơ quan điều tra đã có danh sách cụ thể rồi, những việc còn lại có lẽ chỉ cần động thái của lãnh đạo ngành giáo dục mà thôi.
Tài liệu tham khảo:
http://www.quochoitv.vn/Videos/thoi-su/2019/4/tieu-diem-ngay-19-4gian-lan-thi-cu/231938