Trải nghiệm các trung tâm thi, cấp chứng chỉ “3 không”
"Không cần ôn, không cần thi, không lo về kết quả". Đó là những cam kết của các trung tâm 3 không đứng ra tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh, tin học.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng phản ánh tình trạng học giả, chứng chỉ thật tuy nhiên vấn đề này có vẻ vẫn chưa hạ nhiệt.
Tiếp tục phản ánh về tình trạng trên, phóng viên liên hệ với một trung tâm tổ chức thi tin học và tiếng Anh.
Trung tâm này cho biết việc cấp chứng chỉ do trường Đại học Đông Đô phụ trách.
Cách làm cũng tương tự với các trung tâm 3 không khác: Chỉ cần nộp tiền là có thể thi chứng chỉ tiếng Anh và tin học cam kết đỗ.
Các đối tượng thường đăng ký các gói chống trượt này là viên chức, công chức hoặc giáo viên, những người làm đi xin việc.
N.T.P là một trong những đầu mối cung cấp chứng chỉ hoạt động mạnh trên mạng xã hội.
Thông qua một số người quen phóng viên cũng đã tiếp cận được đối tượng này.
P. cho biết các loại chứng chỉ do Đại học Đông Đô cấp có giá từ 1,3 triệu đồng – 1,5 triệu đồng.
N.T.P tiết lộ: "Bạn đang là giáo viên phải không? Bên mình cam kết gói chống trượt tỷ lệ đỗ là 100%, không cần phải ôn thi.
Bạn nộp cho bên mình 1,3 triệu đồng với gói thi tiếng Anh và 1,5 triệu đồng với gói thi tin học. Thi vào thứ 7, chủ nhật, sang tuần là có chứng chỉ.
Chứng chỉ do bên Đại học Đông Đô cấp bạn nhé. Yên tâm chứng chỉ thật, phôi thật".
Trao đổi với một số thí sinh, những người này cũng cho biết chứng chỉ tin học và tiếng Anh của Đại học Đông Đô là một trong những loại chứng chỉ phổ biến nhất hiện nay.
Anh N.T.N là thí sinh mới dự thi chứng chỉ tin học, tiếng Anh do trường Đại học Đông Đô cấp tiết lộ:
"Mình thi đợt vừa rồi và qua luôn. Thi rất dễ, vào đấy có người nhắc bài cho thậm chí cũng có người làm bài hộ luôn cho.
Thi chứng chỉ do Đại học Đông Đô cấp dùng được trên toàn quốc. Nộp gói chứng chỉ tiếng Anh mất 1,3 triệu đồng, chứng chỉ tin học mất 1,5 triệu đồng”.
Gọi điện đến một người tự xưng là thầy Huy. Thầy Huy cho biết: Các gói thi chứng chỉ tiếng Anh, tin học tại đây đảm bảo tỷ lệ đỗ lên đến 100%.
Cụ thể trung tâm do thầy Huy mở hiện đang tổ chức thi và cấp chứng chỉ của các trường như Đại học Đông Đô, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Về gói thi chứng chỉ Đại học Sư phạm Hà Nội người này cho biết: “Gói thi chứng chỉ tiếng Anh theo chuẩn B1, B2 có giá từ 7-8 triệu đồng".
Thí sinh băn khoăn: Một loại chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có gói chống trượt hay không?
Thầy Huy cam kết: "Bạn yên tâm kết quả đã được hỗ trợ nhé. Chỉ cần nộp lệ phí thi và mang theo 2 ảnh 3x4, chứng minh nhân dân photo là được.
Tất nhiên là có gói chống trượt, hôm nào bạn đi thi sẽ biết. Còn hiện tại mình không thể nói thêm điều gì cả".
Gói chống trượt cung cấp chứng chỉ tiếng anh, tin học của trường Đại học Đông Đô trong nhiều năm qua (Ảnh: Vũ Ninh) |
Như vậy các gói chống trượt thi tin học, tiếng Anh phục vụ cho các đối tượng thi viên chức, công chức, xin việc vẫn diễn ra công khai như thách thức xã hội.
Việc gian dối trong thi cử vốn dĩ cần phải được lên án. Nghiêm trọng hơn việc gian dối này lại đến từ những người chuẩn bị thi viên chức, công chức.
Điều đó cũng có nghĩa là sẽ có những người trở thành giáo viên, bác sĩ, công án, cán bộ...Hậu quả khôn lường, ai cũng biết nhưng không thể giải quyết.
Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến một khía cạnh: Năm nào vấn đề này cũng được đem ra nói nhưng tại sao không có ai giải quyết?
Đơn cử như trường Đại học Đông Đô. Đơn vị này được nhắc đến nhiều lần với việc cấp chứng chỉ tiếng Anh, tin học bát nháo, lộn xộn.
Tất nhiên trường sẽ không trực tiếp cấp các loại chứng chỉ trên mà thông qua các trung tâm trung gian. Nhưng không vì thế mà Đại học Đông Đô vô can trong chuyện này.
Đề thi là do trường soạn, trong thành phần coi thi cũng có giám thị do trường cử xuống.
Khâu chấm bài do trường chấm. Như vậy không thể nói các trường Đại học đứng ngoài chuyện cấp chứng chỉ.
Nhưng tại sao qua bao nhiêu năm vẫn còn để tồn tại tình trạng trên. Các trường không biết hay là không muốn xử lý?
Nổi da gà với các thủ đoạn gian lận
Một người tên N.H.T đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiết lộ nhiều mánh lới của các trung tâm cấp chứng chỉ kiểu trên.
Theo T. có rất nhiều hình thức tổ chức thi và cấp chứng chỉ bát nháo:
Đà Nẵng bỏ Ngoại ngữ khỏi thi tuyển sinh vì 40% chứng chỉ quốc tế có vấn đề |
"Có trung tâm thuê địa điểm tổ chức như thật.
Nhưng toàn bộ giám thị, đề thi đều là giả chỉ có chứng chỉ là thật.
Những trung tâm như vậy là trung tâm ma.
Họ mua phôi của nhà trường sau đó thuê địa điểm và mạo danh tổ chức các kỳ thi.
Các thí sinh không biết và đã bị lừa".
Một số thủ đoạn gian lận trong thi cử cũng được T. tiết lộ:
"Nhiều thí sinh được nhắc nhở để bài trắng. Sau đó khi về trường sẽ có người tẩy và sửa kết quả. Như vậy họ nghiễm nhiên đỗ.
Thủ đoạn hơn có những nơi sử dụng loại bút có thể tẩy được đáp án.
Họ dùng bút đó để viết lên bài thi sau đó dùng một loại hóa chất để tẩy các đáp án sai và điền đáp án đúng vào.
Một số trung tâm khác cho thí sinh chép bài ngay trong phòng thi. Những việc này ai cũng biết nhưng nó loạn như cái chợ, rất khó để xử lý".
Với kinh nghiệm của mình T. cho biết: Không thể có chuyện các trường và các trung tâm tin học, ngoại ngữ vô can trong chuyện này được.
T phân tích: "Bài thi sẽ được chuyển về các trường Đại học. Tại đây sẽ có bộ phận chấm thi. Cho nên kết quả như thế nào thì các trường phải nắm được.
Nhưng làm gì có chuyện thí sinh bỏ bài, làm không tốt lại vẫn được cấp chứng chỉ.
Như vậy có thể hiểu là trường chỉ cấp phôi theo số lượng đã được đăng ký. Còn chất lượng bài thi như thế nào họ không cần quan tâm".
Vấn nạn học giả, chứng chỉ thật đang là ung nhọt của ngành giáo dục (Ảnh minh họa của Tấn Tài) |
Như vậy các trường Đại học phải có trách nhiệm giải trình về vấn đề này. Điều chúng tôi quan tâm là việc quản lý thi và cấp chứng chỉ do đơn vị nào quản lý.
Tại sao năm nào báo chí cũng phản ánh vấn đề trên có cả video, hình ảnh mà vẫn không được giải quyết.
Trường Đại học Đông Đô, năm 2017, cũng đã từng bị báo chí phản ánh những vấn đề khuất tất trong việc thi và cấp chứng chỉ.
Nhưng 2 năm qua tình trạng này vẫn tái diễn. Không hiểu các cơ quan quản lý và lãnh đạo nhà trường ở đâu mà lại để các trung tâm tổ chức thi bát nháo, lộng hành đến thế?
Trong một diễn biến khác, ngày 16/5/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Đà Nẵng đã có thông báo liên quan đến việc thay đổi quy định tuyển sinh lớp 10 Trung học Phổ thông năm 2019 – 2020.
Sau khi có quyết định 2377 có nội dung: Học sinh Trung học cơ sở có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được miễn thi môn ngoại ngữ hệ số 1 và được quy đổi thành điểm 9 hoặc 10 thì đã nảy sinh bất cập.
Trong số học sinh sẽ dự tuyển lớp 10, có khoảng 2.400 chứng chỉ quốc tế. Nhưng qua thống kê có nhiều học sinh có học lực yếu, trung bình nhưng vẫn có… chứng chỉ quốc tế.
Như vậy có thể thấy việc cấp chứng chỉ tiếng Anh, tin học bát nháo như hiện nay như một cái ung nhọt của ngành giáo dục.
Từ một chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao chất lượng của nền giáo dục đã bị khai thác, biến tướng trở thành một tệ nạn gian dối khủng khiếp.
Nếu đúng như những gì thể hiện trên bằng cấp và các loại chứng chỉ thì Việt Nam xứng đáng trở thành một cường quốc về tiếng Anh.
Thật tiếc chúng ta chỉ là cường quốc về số lượng chứng chỉ, bằng cấp mà thôi!