Ngay tại Việt Nam, có một trường đại học tuyển sinh không qua bảng điểm

17/11/2017 08:19
Thùy Linh
(GDVN) - Sắp tới, Đại học Fulbright Việt Nam chỉ tuyển 50 sinh viên, những sinh viên này sẽ được lựa chọn qua các bài luận, quá trình phỏng vấn chứ không qua bảng điểm.

Ngày 16/11, tại Hà Nội, lãnh đạo Đại học Fulbright Việt Nam đã có buổi chia sẻ mô hình giáo dục khai phóng đặc sắc kiểu Mỹ mà Trường theo đuổi, cũng như chương trình giảng dạy và kế hoạch tuyển sinh khóa cử nhân đầu tiên vào năm sau.

Trước đó vào ngày 2/11, Đại học Fulbright Việt Nam đã chính thức công bố kế hoạch tuyển sinh khóa sinh viên đại học đầu tiên cho “năm học Đồng kiến tạo”, dự kiến bắt đầu vào mùa thu năm 2018. 

Được truyền cảm hứng bởi truyền thống giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ và những sáng kiến đổi mới hàng đầu về giáo dục, Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) đang xây dựng một mô hình giáo dục hoàn toàn mới ở Việt Nam, với mục tiêu giúp cho sinh viên phát triển như một con người hoàn thiện. 

Tiến sĩ Ryan Derby-Talbot, Giám đốc học thuật Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết trong chương trình cử nhân của FUV có một năm học gọi là “Năm học đồng kiến tạo”.

Tiến sĩ Ryan Derby-Talbot - Giám đốc học thuật Trường Đại học Fulbright Việt Nam khẳng định, trường không muốn đào tạo sinh viên đi xin việc, mà tạo ra những người có kiến thức, tư duy, kỹ năng cần thiết để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào họ theo đuổi. (Ảnh: Nguyễn Thảo)
Tiến sĩ Ryan Derby-Talbot -  Giám đốc học thuật Trường Đại học Fulbright Việt Nam khẳng định, trường không muốn đào tạo sinh viên đi xin việc, mà tạo ra những người có kiến thức, tư duy, kỹ năng cần thiết để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào họ theo đuổi. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Hầu hết các trường đại học khi mới thành lập sẽ mời các giảng viên nhóm họp trong các phòng kín, thảo luận các ý tưởng và cuối cùng đưa ra một chương trình giảng dạy theo suy nghĩ chủ quan của họ. 

Nhưng FUV sẽ kiến tạo một chương trình dành cho sinh viên. Điều quan trọng là chương trình đó không chỉ thiết kế cho sinh viên mà chương trình đó được thiết kế cùng sinh viên. 

Có thể hiểu, “Năm học đồng kiến tạo” không chỉ đơn thuần là năm mà các giảng viên và đội ngũ quản lý cùng nhau thiết kế chương trình giảng dạy, mà sinh viên sẽ tham gia vào trải nghiệm giáo dục này ngay từ những ngày đầu tiên, để cùng giảng viên hoàn thiện chương trình, cùng nhau kiến tạo văn hóa FUV và cùng nhau quyết định những vấn đề trọng đại khác.

Ngay tại Việt Nam, có một trường đại học tuyển sinh không qua bảng điểm ảnh 2

Giáo dục khai phóng có những hình thức tuyển dụng đặc biệt

Theo kế hoạch đó, sẽ có 50 sinh viên ưu tú được chọn tham gia "năm học đồng kiến tạo".

Những sinh viên này đồng thời được nhận Học bổng sáng lập FUV (FUV Founding Scholarship), được đảm bảo một vị trí chính thức cho khóa đại học đầu tiên khai giảng mùa thu 2019, được tính tín chỉ cho một học kỳ trong tổng thời gian học cử nhân.

Tất cả những sinh viên Đồng kiến tạo sẽ nhận được học bổng toàn phần trong năm này, bao gồm học phí và tiền ăn ở.

Đối với mỗi năm học tiếp theo, học phí hàng năm dự kiến khoảng 20.000 USD (tương đương 460 triệu đồng). Chi phí sinh hoạt dự kiến khoảng 3.000 USD (tương đương 70 triệu đồng) mỗi năm.

Tuy nhiên, chương trình Học bổng sáng lập FUV sẽ cung cấp cho các sinh viên Đồng kiến tạo một học bổng trị giá khoảng 5.000 USD (tương đương 115 triệu đồng) cho mỗi năm sau năm Đồng kiến tạo.

Do vậy, tổng chi phí sinh viên phải chi trả sẽ không vượt quá 18.000 USD (tương đương 415 triệu đồng) mỗi năm.

FUV cho biết đây không phải là chi phí thực tế vì mọi sinh viên đều được quyền nộp đơn xin hỗ trợ tài chính theo điều kiện kinh tế.

Mức hỗ trợ tài chính sẽ được quyết định dựa trên điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Ngoài ra, học phí và chi phí sinh hoạt có thể thay đổi tùy theo tỷ lệ lạm phát.

Ngay tại Việt Nam, có một trường đại học tuyển sinh không qua bảng điểm ảnh 3

Thế nào là "giáo dục đại học khai phóng"?

Sinh viên khó khăn bên cạnh học bổng toàn phần cho năm Đồng kiến tạo và học bổng sáng lập còn có cơ hội nộp đơn xin thêm hỗ trợ tài chính dựa trên hoàn cảnh kinh tế.

Đối với những sinh viên thật sự khó khăn, nhà trường dự kiến sẽ hỗ trợ phần lớn chi phí (khoảng 75%).

Và đối với sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khá hơn, nhà trường có thể hỗ trợ phần nào chi phí (khoảng 25%).

Đại diện nhà trường cho biết, Đại học Fulbright Việt Nam tìm kiếm ứng viên toàn diện, có khả năng sáng tạo, làm việc nhóm, kết nối, tư duy, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp...

Hồ sơ ứng tuyển được công bố vào ngày 1/12/2017. Ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển trước 1/2/2018.

Theo bà Đàm Bích Thủy - Chủ tịch Trường Đại học Fulbright Việt Nam, lãnh đạo trường mong muốn được định nghĩa lại khái niệm về giáo dục.

Giáo dục truyền thống thầy, cô giáo thường truyền đạt kiến thức một chiều cho học sinh, sinh viên. 

"Chúng tôi đặt sinh viên ở trung tâm của mọi hoạt động. Chương trình đào tạo đại học của trường sẽ không mang tính áp đặt từ giảng viên, mà là những trao đổi, thảo luận giữa giảng viên và sinh viên.

Trong đó, sinh viên được trao quyền và đóng vai trò làm chủ quá trình học tập của mình", bà Thủy nhấn mạnh.

Và trong khóa tuyển sinh đầu tiên, trường chỉ tuyển 50 sinh viên, những sinh viên này sẽ được lựa chọn qua các bài luận, quá trình phỏng vấn, chứ không qua bảng điểm. Trường cũng xây dựng chương trình học theo "block plan". 

Ở mỗi thời điểm, sinh viên chỉ tập trung học một môn. Thời gian học khoảng 3 tiếng mỗi ngày trong vòng 4 tuần.

Phương pháp học này giúp đào sâu, tìm cách giải quyết tận gốc vấn đề, thay vì tìm hiểu "bề nổi của tảng băng chìm" và thuộc lòng đáp án.

Cũng tại buổi chia sẻ, Tiến sỹ Ryan Derby-Talbot đã có một buổi giảng thử phương pháp giáo dục của FUV để lắng nghe các đánh giá, góp ý và câu hỏi từ các chuyên gia để FUV hoàn thiện chương trình, đáp ứng kỳ vọng của xã hội.

Theo đó, Tiến sĩ Ryan Derby-Talbot khẳng định, trường không muốn đào tạo sinh viên đi xin việc, mà tạo ra những người có kiến thức, tư duy, kỹ năng cần thiết để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào họ theo đuổi.

Đại học Fulbright Việt Nam là đại học tư thục phi lợi nhuận đầu tiên ở nước ta, hoạt động hướng tới mô hình khai phóng với hình thức tuyển sinh mới và đào tạo bằng tiếng Anh.

Ngày 25/5/2016, lễ ký quyết định thành lập Đại học Fulbright Việt Nam diễn ra dưới sự chứng kiến của quan chức Việt - Mỹ. Đây sẽ là đại học tư thục phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam.

Thùy Linh