Tính tới thời điểm hiện nay, tại Việt Nam, mới chỉ có hai trường đại học là Trường đại học Fulbright Việt Nam và Trường đại học Việt Nhật (VJU) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tuyên bố đề cao tinh thần khai phóng và áp dụng triển khai mô hình giáo dục đại học khai phóng.
Theo lãnh đạo các trường này, việc áp dụng mô hình giáo dục khai phóng sẽ có thể là sự chuẩn bị tốt về nhân lực cho thị trường tương lai trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 sắp diễn ra vì những ưu điểm như:
Sinh viên đạt được kiến thức nền tảng vững chắc trong phạm vi rộng lớn hơn chứ không chỉ riêng chuyên ngành, các kiến thức từ giáo dục khai phóng có thể giúp sinh viên ra trường thích nghi được với mọi môi trường làm việc cũng như có khả năng học hỏi lĩnh vực nghiên cứu đa dạng với những kiến thức nền tảng để đi thẳng vào học sau đại học với bất kỳ chuyên ngành nào...
Tại hội thảo “Giáo dục khai phóng : Hướng đi mới cho giáo dục đại học tại Việt Nam”, bà Đàm Bích Thủy - Chủ tịch trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, hiện tại khái niệm giáo dục khai phóng đang được Việt Nam quan tâm nhưng cũng có nhiều câu hỏi đặt ra.
Thế nào là "giáo dục đại học khai phóng"? |
“Giáo dục khai phóng dạy cái gì, sau khi ra trường các em làm gì?... là những câu hỏi thường xuyên chúng tôi nhận được từ các vị phụ huynh” – bà Thủy đáp:
“Chúng ta thường dịch “Liberal Arts” hay “Liberal Education” chung là giáo dục khai phóng và khi nghe tới Liberal Arts, chúng ta thường nghĩ rằng sẽ đi theo các ngành nghệ thuật hoặc những ngành không đi vào khoa học tự nhiên.
Có phụ huynh hỏi tôi chị sẽ dạy môn kịch, hay nhiếp ảnh, hay viết tiểu thuyết…”
Bên cạnh đó, câu hỏi liệu hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận mô hình giáo dục khai phóng hay chưa vẫn đang bỏ ngỏ, thậm chí, ngay từ tên gọi của nó vẫn đang còn nhiều ý kiến tranh luận.
Theo Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) – Giáo sư Phạm Quang Minh bày tỏ quan điểm rằng:
“Thực tế là ở Việt Nam, khi nói tới giáo dục đại học Mỹ, đa phần mọi người chỉ biết những đại học lớn như Harvard, Yale, MIT… mà không biết đến những trường Liberal Arts colleges mới là nền tảng của giáo dục cần hướng tới".
Và ông Minh cho biết, ông không đồng ý việc dịch nghĩa Liberal Arts là đại cương, hay khai phóng. Theo ông, cần giữ nguyên tên gọi này, không dịch nghĩa và điều quan trọng là chỉ ra nó khác những đại học khác chỗ nào nếu không sẽ gây cho học sinh rất hoang mang.
“Trước hết phải nói đây là đào tạo cử nhân hệ bốn năm (tại Mỹ) và cần nói rõ là hệ này có bằng cử nhân, khi tốt nghiệp là Bachelor of Arts, Bachelor of Science”, vị Hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng chỉ rõ, các trường đại học Việt Nam hiện đang quá chú trọng đào tạo chuyên ngành hẹp và đây là sai lầm.
“Đào tạo ngành lịch sử thì 4 năm chỉ học lịch sử, đào tạo toán học thì cả 4 năm chỉ học toán. Bốn năm chỉ học một thứ thì sinh viên ra trường ngơ ngác là phải” – ông Minh đánh giá.
Do đó, vị Hiệu trưởng này quan niệm không nhất thiết phải xây dựng một đại học Liberal Art mà quan trọng nhất là thiết kế lại chương trình đào tạo.
Chẳng hạn một sinh viên ngành lịch sử thì thay vì học 120 tín chỉ chỉ có lịch sử chỉ cần học 70 tín chỉ, còn lại học những môn học khác từ kinh tế, nghệ thuật, thậm chí là thống kê…
Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận thực hiện điều này không dễ, Bởi theo ông Minh, ngay cả ở Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn khi đề xuất sinh viên lịch sử chỉ cần học 70 tín chỉ để dành thời gian cho những môn học khác thì đã nổ ra một cuộc tranh cãi dữ dội.
Giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ được áp dụng tại Đông Á như thế nào? |
Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng Đại học Thành Tây đề xuất thành lập một nhóm trường ủng hộ tinh thần giáo dục khai phóng để tạo nên những “minh chứng” cho giá trị của đường lối giáo dục này.
“Dự báo cho thấy, trong tương lai gần, hơn 50% nghề nghiệp hiện tại sẽ biến mất hoặc thay đổi rất mạnh.
Vì vậy, phụ huynh cũng phải tính toán rằng, con em chúng ta ra trường không phải để làm việc ngay sau khi tốt nghiệp mà còn làm việc lâu dài về sau” – ông Minh nói.
Trước câu hỏi, vậy hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận mô hình giáo dục khai phóng trở lại hay chưa? Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã nhận định: “Đây là cuộc đấu tranh không đơn giản”.
Bởi có rất nhiều những khó khăn khi triển khai mô hình đại học khai phóng, như về đội ngũ giảng viên, bởi để đào tạo được những sinh viên khai phóng thì cần phải có những người thầy khai phóng, chương trình khai phóng.
Bà Đàm Bích Thủy cho biết, đối với đội ngũ giảng viên, nhà trường đã phải có những hình thức tuyển dụng đặc biệt.
Trả lời câu hỏi chuẩn bị giảng viên thế nào, bà Thủy cho biết, các ứng viên sẽ phải tham gia một bài thi là bài giảng thực, trước sinh viên thật và sinh viên sẽ là những người đánh giá và lựa chọn.
“Nếu chúng ta không coi sinh viên là trung tâm mà chỉ biết tới người thầy thì tôi tin rằng chúng ta sẽ không có được tinh thần của giáo dục khai phóng” - bà Thủy lưu ý.
Về vấn đề tuyển dụng đội ngũ giáo viên khai phóng, trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện IvyPrep Education (thuộc tổ chức giáo dục Hoa Kỳ) - bà Dương Trà Mi, Giám đốc đào tạo IvyPrep Education tại Hà Nội cho hay, không phải giáo viên nào cũng có tư tưởng “Giáo dục khai phóng”.
Quang cảnh lớp học tại IvyPrep Education đào tạo về triết lý, cách thức hiện thực hóa “lớp học đảo ngược”, định hướng “giáo dục khai phóng” (Ảnh: Bích Phượng) |
Bởi vậy, để có thể giảng dạy ở đây, các giáo viên phải trải qua quá trình đào tạo và rèn luyện như: phương pháp dạy Tiếng Anh theo từng lứa tuổi, đào tạo về triết lý, cách thức hiện thực hóa “lớp học đảo ngược”, định hướng “giáo dục khai phóng”.
Theo đó, tại IvyPrep Education đưa ra các tiêu chí tuyển chọn giáo viên bao gồm: Có chứng chỉ TESOL, IELTS/ TOEFL/ SAT cao, có khả năng luyện thi các chứng chỉ chuẩn hóa quốc tế; Giáo viên không chỉ là người dạy, mà là người kết nối, truyền cảm hứng và luôn hỗ trợ tốt nhất cho học viên…
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song bà Đàm Bích Thủy dẫn lại lời của Hiệu trưởng Đại học Harvard (Hoa Kỳ) rằng:
Đại học Harvard cùng với truyền thống giáo dục khai phóng muốn chuẩn bị cho sinh viên không phải công việc đầu tiên, mà là công việc thứ hai, thứ ba, thứ tư....thứ sáu trong cuộc đời của người đó.
Tuy nhiên, bà Đàm Bích Thủy nhấn mạnh, đây không phải là việc muốn khẳng định một mô hình đào tạo nào có ưu thế nhất mà điều quan trọng hơn là mở ra thêm lựa chọn cho phụ huynh và học sinh.