Thanh tra, sao không kiểm tra sổ sách của Hiệu trưởng, Hiệu phó?

18/01/2016 07:17
Trần Vũ
(GDVN) - Ngoài việc kiểm tra kế hoạch và công tác nội bộ trường học của nhà trường thì thanh tra cũng nên kiểm tra hồ sơ sổ sách bộ môn của Hiệu trưởng và Hiệu phó.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của thầy giáo Trần Vũ, nội dung bài viết là nỗi niềm của một người giáo viên chứng kiến đồng nghiệp của mình bị “đối xử không công bằng” nên thầy giáo đã lên tiếng với mong muốn ngành giáo dục xem xét để đưa ra văn bản quy định riêng cho giáo viên phụ trách Thư viện, Thiết bị trường học để họ phấn đấu. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
 

Tại hội thảo trực tuyến Đổi mới công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện ngày 17/12/2015, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã khẳng định:

 “Thanh tra chỉ được quan sát, góp ý vào việc chỉ đạo chuyên môn của hiệu trưởng; tuyệt đối không được can thiệp sâu vào chỉ đạo chuyên môn của hiệu trưởng và hoạt động giảng dạy của giáo viên; sẽ chấm dứt tình trạng giáo viên phải cuống cuồng lo đối phó với thanh tra bằng việc chép bổ sung giáo án, ghi chép sổ sách theo mẫu, làm đẹp hồ sơ chuyên môn để tránh “tai bay vạ gió” trong các đợt thanh tra về trường”.

Thanh tra, sao không kiểm tra sổ sách của Hiệu trưởng, Hiệu phó? ảnh 1
Hoạt động thanh tra nên tiến hành kiểm tra sổ sách của Hiệu trưởng, Hiệu phó (Ảnh: baochinhphu.vn)

Theo đó việc thanh tra hoạt động sư phạm nhà giáo theo Thông tư số: 39/2013/TT –BGDĐT của Bộ GD&ĐT được giao cho các cơ sở trường học thực hiện, trong đó nội dung kiểm tra về kết quả công tác được giao của nhà giáo bao gồm:

 “Thực hiện quy chế chuyên môn: kiểm tra hồ sơ của nhà giáo và các hồ sơ khác có liên quan;  kiểm tra giờ lên lớp: dự giờ tối đa 3 tiết, nếu dự 2 tiết không xếp cùng loại thì dự tiết thứ 3..”.

Chính việc các cơ quan Thanh tra cấp trên cơ sở trường học không còn thanh tra hoạt động sư phạm nhà giáo, đã tạo ra động lực để Hiệu trưởng làm tốt công tác kiểm tra nội bộ trường học. 

Bởi lẽ: “Kiểm tra nội bộ trường học là chức năng quản lý cơ bản…, là một công cụ sắc bén góp phần tăng cường hiệu lực quản lý trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong nhà trường”. 

Và qua kết quả kiểm tra hoạt động sư phạm nhà giáo, Hiệu trưởng có cơ sở để đánh giá, xếp loại cán bộ, giáo viên trong đơn vị.

Nhưng lại đồng thời xuất hiện những bất cập mà quan trọng hàng đầu là hoạt động kiểm tra nội bộ trường học ở một số trường học thực hiện chưa đúng với nguyên tắc hoạt động của Thanh tra là: “Tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời ” theo Luật Thanh tra.

Đành rằng so với trước, mỗi lần khi có Đoàn thanh tra Sở GD&ĐT hoặc Phòng GD&ĐT thì giáo viên phải hồi hộp, phải lo đối phó bằng việc thức trắng nhiều đêm để hoàn chỉnh giáo án, hồ sơ sổ sách, kế hoạch giảng dạy trong các đợt thanh tra về trường.

Bất cập đó được ghi nhận như sau: 

Ở trường X., một thầy giáo tốt nghiệp Đại học Sư phạm bộ môn Lịch sử về trường này, do nhà trường chưa có nhân viên phụ trách Thư viện mà giáo viên bộ môn này khá nhiều. 

Để được hưởng phụ cấp ưu đãi của ngành, thầy giáo được nhà trường phân công vừa phụ trách Thư viện, vừa giảng dạy bộ môn Lịch sử.

Điều đáng nói ở đây là hàng năm thầy giáo này, được nhà trường phân công dạy 1 tiết/ tuần của một lớp và năm nào cũng được Hiệu trưởng và Tổ trưởng chuyên môn kiểm tra hoạt động sư phạm nhà giáo như những thầy, cô khác trong trường, đồng thời với kiểm tra hoạt động của Thư viện.

Thanh tra, sao không kiểm tra sổ sách của Hiệu trưởng, Hiệu phó? ảnh 2

"Ngáo ộp" thanh tra ở trường học!

(GDVN) - Mọi năm, giáo viên phải căng sức để đối phó với các đợt thanh tra về trường. Cho nên khi có đổi mới thanh tra, giáo viên như trút được gánh nặng.

 
Khó khăn trong giảng dạy đối với thầy giáo này so với thầy, cô khác là Hiệu trưởng phân công lớp dạy đa số học sinh có học lực yếu.

Mặt khác việc soạn bài một tiết chỉ dạy ở một lớp, thì rõ ràng bất lợi hơn, khi nhà trường kiểm tra tiết dạy đó, so với soạn một tiết được dạy ở nhiều lớp.

Vì vậy, trong 2 tiết dạy được nhà trường dự giờ kiểm tra, chưa có tiết nào của thầy giáo này được Tổ chuyên môn xếp loại khá trở lên. 

Mặc dù thầy cố gắng áp dụng đổi mới phương pháp dạy học; thực hiện hồ sơ sổ sách đủ và đúng theo quy định như giáo án; sổ kế hoạch giảng dạy bộ môn và báo giảng, sổ dự giờ và họp chuyên môn.

Song song với việc thầy còn phải thực hiện đủ các loại sổ sách của Thư viện và thường xuyên phải cập nhật Sổ đăng ký tổng quát; sổ đăng ký cá biệt: sách tham khảo, nghiệp vụ; sổ đăng ký sách giáo khoa; sổ đăng ký báo, tạp chí; sổ mượn sách của giáo viên, của học sinh; tủ mục phân loại sách; kế hoạch công tác thư viện; báo cáo hàng tháng, học kỳ và cả năm về công tác Thư viện, rồi kiểm kê Thư viện định kỳ.

So với giáo viên kiêm nhiệm một công việc khác trong trường học như  giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp, thì giáo viên phụ trách Thư viện hoặc Thiết bị trường học phải làm việc theo chế độ của nhân viên văn phòng (làm việc 40 giờ/ tuần ) để thực hiện nhiệm vụ được phân công; rồi còn phải soạn bài, chấm bài kiểm tra, làm hồ sơ sổ sách bộ môn, lên lớp giảng dạy để làm nhiệm vụ của một giáo viên bộ môn .  

Khi xét thi đua cuối năm, nhà trường xét thầy giáo này theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông, trong đó 2 tiết dạy được nhà trường kiểm tra chỉ đạt yêu cầu, thì không đạt số điểm cao trong  tiêu chuẩn 3 về năng lực dạy học, dẫn đến không đạt chuẩn loại  xuất sắc. 

Đồng thời xét theo Quy định thi đua của nhà trường đó là: “Trong năm học có 4 lần vi phạm hoặc sai sót, phân biệt lỗi vi phạm đó nặng hay nhẹ, lần đầu hay tái phạm, mức độ thông thường hay nghiêm trọng, cứ mỗi lần trừ 5 điểm, là không đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”". 

Thế nên nhiều năm, thầy giáo này chưa một lần đạt được chuẩn giáo viên loại xuất sắc và danh hiệu thi đua “Lao động tiên tiến ”.

Thanh tra, sao không kiểm tra sổ sách của Hiệu trưởng, Hiệu phó? ảnh 3

Mâu thuẫn nào là động lực phát triển xã hội?

(GDVN) - Phải chăng vấn đề con người, vấn đề nhân sự cấp bách đến mức cần phải đặt ra một cách quyết liệt vượt trên vấn nạn tham nhũng hiện nay?

Thiết nghĩ, ngành GD&ĐT cần ban hành Hướng dẫn cho các cơ sở trường học về việc đánh giá công chức và xếp loại thi đua cuối năm đối với giáo viên phụ trách Thư viện, Thiết bị trường học với một tiêu chí riêng, để họ phấn đấu.

Mặc khác trách nhiệm của cơ sở giáo dục ở điều 17 của Thông tư số: 39/2013/TT ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Bộ GD&ĐT có quy định:

Các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên  xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra nội bộ; thực hiện chế độ báo cáo về công tác kiểm tra nội bộ theo quy định”.

Ấy thế, mà ở một trường Y., đã nhiều năm, ngoài kế hoạch năm học của nhà trường, Hiệu trưởng không xây dựng riêng kế hoạch kiểm tra nội bộ trường học. 

Thế nên, từ lâu ở trường này không có ai kiểm tra hồ sơ sổ sách và dự giờ dạy của Hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng.

Năm học trước, có một thầy giáo của trường phát hiện ra và có kiến nghị Sở GD&ĐT nhắc nhở việc thực hiện quy chế chuyên môn của lãnh đạo nhà trường với lý do là trong các vị này có vị bỏ một số bài trong phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT, có vị cho điểm không đủ cột theo quy định, có vị không thực hiện sổ báo giảng và các vị này hầu như không dự sinh hoạt Tổ chuyên môn. 

Thanh tra, sao không kiểm tra sổ sách của Hiệu trưởng, Hiệu phó? ảnh 4

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đổi mới công tác thanh tra

(GDVN) - Sáng 17/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì Hội thảo trực tuyến Đổi mới công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.

Mặc dù trong Thông tư số: 12/2011/TT- BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành  Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, có quy định họ là thành viên của một Tổ chuyên môn. 

Lãnh đạo trường học làm thế là không gương mẫu, thì làm sao thực hiện tốt được chức năng kiểm tra nội bộ trường học và làm sao họ kiểm điểm những sai sót của của thầy cô giáo trong việc thực hiện quy chế chuyên môn. 

Thế nhưng cuối năm học, tất cả họ đều đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” , có vị còn đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”.

Không biết Hiệu trưởng trường này có “ngại miệng” hay không, khi phê phán những sai phạm của giáo viên về chuyên môn trong các phiên họp Hội đồng sư phạm hoặc khi nhận xét đánh giá công chức và xếp loại thi đua cuối năm? 

Thiết nghĩ, Thanh tra Sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT khi thanh tra hành chính các cơ sở trường học, ngoài việc thanh tra kế hoạch và việc tổ chức thực hiện công tác kiểm tra nội bộ trường học của nhà trường thì cũng nên thanh tra hồ sơ sổ sách bộ môn của Hiệu trưởng và các vị hiệu phó của nhà trường. 

Để họ “hồi hộp” khi nghe có Đoàn Thanh tra của Sở GD&ĐT hoặc Phòng GD&ĐT về trường như giáo viên; mà quan trọng hơn hết là thông qua tính gương mẫu để họ làm tốt công tác kiểm tra nội bộ trường học.

Trần Vũ