Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nêu: “Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo”.
Theo lãnh đạo một số viện nghiên cứu, việc phát triển các trường đại học, viện nghiên cứu thành chủ thể nghiên cứu mạnh, gắn kết nghiên cứu với đào tạo là hướng đi đúng và hợp xu thế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều rào cản, nhất là về tài chính, nhân lực và mô hình tổ chức.
Cơ chế tài chính, chính sách thu hút nhân lực và mô hình tổ chức nghiên cứu còn gặp thách thức
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thành Long - Phó Viện trưởng Viện Khoa học sự sống, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định, Nghị quyết 57 đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ tiềm lực nghiên cứu khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả chuyển giao, ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, trong đó nhấn mạnh vai trò của các viện nghiên cứu và trường đại học phát triển thành những chủ thể nghiên cứu mạnh. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được mục tiêu này, các đơn vị cần có cái nhìn thực tế về những rào cản đang tồn tại trong hoạt động nghiên cứu.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thành Long, hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học có thể chia thành 2 mảng chính: nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Với các viện chuyên về khoa học tự nhiên, phần lớn hướng nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực cơ bản. Đây là nền tảng quan trọng để dẫn dắt và hỗ trợ cho nghiên cứu ứng dụng về sau. Tuy nhiên, để có thể thương mại hóa được sản phẩm nghiên cứu, từ kết quả cơ bản đến một ứng dụng thực tế đòi hỏi một quá trình dài hơi, nhiều khâu phối hợp và đặc biệt cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Theo thầy Long, quá trình đưa một sản phẩm nghiên cứu ra thị trường không hề đơn giản. Đơn cử, để phát triển một hợp chất có tiềm năng điều trị bệnh từ hoạt chất tự nhiên, cần trải qua rất nhiều bước: chiết tách, xác định cấu trúc, thử nghiệm tác dụng sinh học, kiểm tra độ an toàn, thử nghiệm trên mô hình động vật, và cuối cùng là thử nghiệm lâm sàng trên người.
Mỗi công đoạn lại đòi hỏi chuyên môn sâu từ các nhóm nghiên cứu khác nhau từ các nhà hóa học, sinh học phân tử, y sinh, dược lý đến chuyên gia thống kê, quản lý thử nghiệm. Nếu không có một hệ sinh thái nghiên cứu ứng dụng bài bản và có nguồn lực hỗ trợ đủ mạnh sẽ rất khó để biến một công trình khoa học thành sản phẩm thương mại hóa.
"Một trong những khó khăn lớn hiện nay là vấn đề tài chính. Trong điều kiện ngân sách khoa học còn hạn chế, việc tập trung nguồn lực cho nghiên cứu ứng dụng mang tính liên ngành, đa giai đoạn là thách thức lớn. Nhiều nghiên cứu hiện nay chỉ dừng lại ở công bố bài báo quốc tế, báo cáo hội nghị, hoặc tham gia các cuộc thi khoa học mà không thể đi tiếp đến giai đoạn chuyển giao công nghệ hoặc sản xuất thử nghiệm. Điều này khiến cho nhiều nhà khoa học, nhất là các bạn trẻ, cảm thấy hụt hẫng vì công sức, thời gian, chi phí đầu tư cho nghiên cứu chưa được đền đáp xứng đáng về mặt ứng dụng thực tế.
Tuy vậy, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực nghiên cứu. Cụ thể, trong thời gian qua, Viện đã có nhiều chương trình hỗ trợ nhà khoa học trẻ, đặc biệt là các tiến sĩ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở nước ngoài trở về. Chẳng hạn, các chương trình hỗ trợ không chỉ cung cấp tài chính mà còn tạo điều kiện cho các cá nhân được tiếp cận phòng thí nghiệm, trang thiết bị nghiên cứu, cơ hội hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, Viện cũng đặt ra các tiêu chuẩn rõ ràng về sản phẩm khoa học, như yêu cầu công bố quốc tế (WoS, Scopus), đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, hoặc có kết quả nghiên cứu ứng dụng cụ thể”, thầy Long nêu quan điểm.
Cùng bàn vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Danh - Phó Trưởng phòng Công nghệ Vô cơ, Hóa lý và Phân tích, Viện Công nghệ Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bày tỏ, mục tiêu phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành những chủ thể nghiên cứu mạnh, gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu, đào tạo là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Song để hiện thực hóa, hiện nay vẫn còn không ít rào cản cần được tháo gỡ, đặc biệt là về cơ chế tài chính, chính sách thu hút nhân lực và mô hình tổ chức nghiên cứu.
Theo thầy Danh, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay mà các viện nghiên cứu đang đối mặt là những vướng mắc trong cơ chế tài chính, đặc biệt là quy định liên quan đến đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ nghiên cứu. Thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai đề tài, các nhà khoa học thường phải liệt kê danh mục hóa chất, vật tư cần sử dụng từ trước.
Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học là quá trình luôn có tính linh hoạt và biến đổi, nhiều khi đến giai đoạn thực nghiệm mới xác định chính xác được vật tư cần thiết. Khi đó, nếu vật tư, thiết bị cần mua không nằm trong danh mục đã đăng ký từ đầu thì không thể sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để chi trả, dẫn đến việc nhà nghiên cứu phải tự bỏ tiền túi để mua sắm.
“Có những hóa chất rất nhỏ, giá trị không lớn nhưng lại là mấu chốt của cả một thí nghiệm, nếu không có thì không thể tiếp tục được. Tuy nhiên, vì không nằm trong danh mục đã liệt kê nên không được duyệt mua, nhà khoa học buộc phải tự bỏ tiền ra để đảm bảo tiến độ và chất lượng nghiên cứu.
Hơn nữa, vấn đề này không chỉ gây khó khăn trong quản lý tài chính mà còn làm giảm tính chủ động, linh hoạt của các nhóm nghiên cứu, ảnh hưởng đến hiệu quả chung của cả hệ thống khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, thời gian giải ngân chậm, thủ tục hành chính phức tạp cũng là những yếu tố khiến nhiều nhà khoa học cảm thấy nản lòng, không còn mặn mà với việc tham gia nghiên cứu các đề tài cấp Nhà nước.
Đối với Viện Công nghệ Hóa học, lực lượng làm nghiên cứu chủ yếu là các cán bộ trẻ đam mê khoa học. Chúng tôi chủ yếu huy động nhân lực theo từng đề tài. Khi có đề tài thì tập hợp nhóm lại để cùng triển khai. Mô hình này tuy có ưu điểm là linh hoạt, tiết kiệm nhân lực cố định, nhưng cũng khiến việc xây dựng đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu, có chiều sâu về chuyên môn trở nên rất khó khăn. Bởi thiếu ổn định về nguồn nhân lực cũng đồng nghĩa với việc khó hình thành được các nhóm nghiên cứu mạnh, có khả năng theo đuổi những đề tài dài hơi và mang tính đột phá”, thầy Danh nêu thực tế.
Cần phát triển mô hình phối hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp
Thầy Danh bày tỏ, trước yêu cầu từ Nghị quyết 57 về việc phát triển các viện nghiên cứu trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh, đơn vị đang có những điều chỉnh nhất định trong cách tổ chức nghiên cứu. Nếu trước đây, mỗi người thường thực hiện một đề tài nhỏ lẻ, thì nay định hướng là phải hình thành các nhóm nghiên cứu lớn, liên ngành, nhằm theo đuổi các mục tiêu nghiên cứu lớn hơn, có khả năng ứng dụng thực tiễn cao hơn. Sự chuyển dịch này được đánh giá là cần thiết, phù hợp với xu hướng quốc tế, tuy nhiên cũng đòi hỏi sự đầu tư tương xứng về cả kinh phí lẫn cơ chế phối hợp.

Về liên kết giữa nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ, hiện tại viện chủ yếu hợp tác với các trường đại học, nhất là trường trực thuộc cùng hệ thống. Sự phối hợp này giúp viện tận dụng được nguồn nhân lực sinh viên, trong khi trường lại được hưởng lợi từ hệ thống đề tài nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia và cơ sở vật chất nghiên cứu của viện. Theo đó, sinh viên không chỉ được tiếp cận với các đề tài thực tế mà còn có cơ hội tham gia trực tiếp vào quá trình triển khai nghiên cứu, qua đó nâng cao năng lực thực hành và tư duy khoa học.
Tuy nhiên, theo thầy Danh nhìn nhận, hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng và chuyển giao công nghệ hiện còn rất hạn chế. Nguyên nhân chính là do đơn vị vẫn tập trung chủ yếu vào nghiên cứu cơ bản, trong khi doanh nghiệp lại quan tâm đến những sản phẩm có tính ứng dụng tức thời và khả năng thương mại hóa cao. Mối quan hệ giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp vẫn còn thiếu các cơ chế kết nối hiệu quả, các chính sách khuyến khích chưa đủ hấp dẫn để thúc đẩy hợp tác thực chất.
"Từ thực tiễn trên, tôi cho rằng, để Nghị quyết 57 thực sự đi vào cuộc sống và tạo ra những thay đổi căn cơ trong phát triển khoa học công nghệ quốc gia, Nhà nước cần sớm rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan đến quản lý tài chính trong nghiên cứu khoa học, đảm bảo sự linh hoạt nhưng vẫn chặt chẽ trong sử dụng ngân sách.
Đồng thời, cần có cơ chế rõ ràng để tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ đội ngũ nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, giúp họ yên tâm cống hiến và phát triển sự nghiệp trong nước. Cùng với đó là việc thiết lập hệ sinh thái kết nối ba nhà: nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp, tạo điều kiện để các sản phẩm nghiên cứu được đưa vào thực tiễn một cách hiệu quả, đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết đã đưa ra được định hướng rất rõ ràng và hợp lý, vấn đề còn lại là cần những chính sách cụ thể để triển khai. Nếu không tháo gỡ được những rào cản về cơ chế, nhân lực và tài chính, thì sẽ rất khó để các viện nghiên cứu có thể thực sự trở thành những chủ thể nghiên cứu mạnh như mục tiêu đã đề ra", thầy Danh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, thầy Long cho biết, để thực hiện tốt định hướng trường đại học, viện nghiên cứu trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh như Nghị quyết 57 đề ra, các đơn vị thực hiện cần chú trọng nhiều hơn đến chất lượng, chiều sâu, tính liên kết và tính khả thi của đề tài. Ngoài ra, cần phát triển các mô hình phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và địa phương nhằm tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu đến thương mại hóa. Bởi việc một đơn vị nghiên cứu đơn lẻ tự phát triển sản phẩm, tự tìm đầu ra là điều gần như bất khả thi trong thực tế hiện nay.
Đặc biệt, Nhà nước cần có cơ chế tài chính linh hoạt và hấp dẫn hơn như có quỹ hỗ trợ riêng cho các giai đoạn chuyển tiếp từ kết quả nghiên cứu đến sản phẩm thử nghiệm, từ phòng thí nghiệm đến quy mô sản xuất. Các sản phẩm nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng nên được ươm tạo trong các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nơi hội tụ các nhà khoa học, nhà đầu tư và chuyên gia thị trường. Và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu - phát triển (R&D) bằng các ưu đãi thuế, hỗ trợ pháp lý và tạo niềm tin trong việc hợp tác với các nhà khoa học.
Về phía đội ngũ nghiên cứu, người làm khoa học cũng cần thay đổi tư duy từ việc chỉ tập trung vào công bố học thuật sang việc xây dựng các hướng nghiên cứu gắn với nhu cầu thực tiễn. Điều này không có nghĩa là bỏ quên nghiên cứu khoa học cơ bản, mà là xây dựng mối liên kết chặt giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, đảm bảo nền tảng tri thức vững chắc để phát triển công nghệ mới.
"Tôi tin, với định hướng rõ ràng từ Nghị quyết 57, cùng với sự quan tâm, đầu tư đúng mức của Nhà nước và sự vào cuộc đồng bộ của các bên liên quan, nền khoa học công nghệ Việt Nam sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ, từng bước hình thành hệ sinh thái nghiên cứu, ứng dụng, thương mại hóa bền vững, trong đó các viện nghiên cứu và trường đại học thực sự giữ vai trò nòng cốt”, thầy Long bày tỏ.