Australia quan tâm đặc biệt tới công nghệ tàu ngầm Soryu của Nhật Bản

18/02/2013 08:04
Đông Bình
(GDVN) - Nhật Bản có khả năng thông qua viện trợ công nghệ tàu ngầm cho Australia để đối phó với Hải quân Trung Quốc.
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản sử dụng động lực AIP
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản sử dụng động lực AIP

Tờ “Keizai Shimbun” Nhật Bản vừa có bài viết cho rằng, xung quanh vấn đề Australia có kế hoạch tăng thêm tàu ngầm mới, Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện đang tiến hành bàn về việc có thể viện trợ công nghệ tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển cho phía Quân đội Australia hay không.

Bài báo cho rằng, động thái này của Nhật Bản có ý đồ tăng cường hợp tác với Australia, cùng ứng phó với Hải quân Trung Quốc, lực lượng hoạt động trên biển ngày càng mạnh, liều lĩnh.

Theo bài báo, Hải quân Australia hiện có 6 tàu ngầm, nhưng đều đã lão hóa. Quân đội Australia tuyên bố trong tương lai sẽ tăng 12 tàu ngầm mới. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, phía Nhật Bản có thể cung cấp cho Australia công nghệ về các phương diện như động lực lặn dưới nước.

Tàu ngầm có các đặc điểm như tính bí mật (tàng hình) mạnh, tính ẩn giấu công nghệ cao. Sau khi Chính phủ Nhật Bản nới lỏng “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” vào năm 2011, việc cùng nghiên cứu phát triển và sản xuất vũ khí quốc tế “lấy bảo đảm an ninh của Nhật Bản làm mục tiêu” đã có khả năng.

Vì vậy, lần này Nhật Bản hỗ trợ công nghệ cho Australia sẽ trở thành khâu quan trọng được Bộ Quốc phòng Nhật Bản nghiên cứu.

Bài báo tiết lộ, khi tổ chức hội đàm vào tháng 9/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Australia từng xác nhận, hai bên sẽ tăng cường hợp tác về trang bị, kỹ thuật quân sự. Trong khi đó, phía Australia lại rất quan tâm tới tàu ngầm lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Tàu ngầm Type 214 do Đức chế tạo, có động cơ AIP được cho là hiện đại nhất thế giới.
Tàu ngầm Type 214 do Đức chế tạo, có động cơ AIP được cho là hiện đại nhất thế giới.

Sau khi lặn một khoảng thời gian, tàu ngầm bình thường sẽ nổi lên mặt nước để tiếp thêm không khí và có động lực tốt hơn, nhưng tàu ngầm lớp Soryu đã áp dụng thiết bị động lực không dựa vào không khí (AIP), có thể tiến hành lặn với thời gian dài hơn, tiếng ồn cũng nhỏ hơn tàu ngầm hạt nhân.

Tờ Keizai Shimbun cho rằng, xét thấy hiện nay chỉ có các nước như Nhật Bản, Đức và Thụy Điển sở hữu công nghệ thiết bị AIP và Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã ký thỏa thuận với các doanh nghiệp có liên quan về những vấn đề như phát triển công nghệ, vì vậy vẫn còn hạn chế công khai thông tin.

Hiện nay, Nhật Bản có viện trợ công nghệ tàu ngầm cho Australia hay không vẫn còn chưa biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ tiến hành điều tra chi tiết về phạm vi công khai công nghệ và tình báo có liên quan, nhưng động thái này của Nhật Bản có ý đồ tăng cường hợp tác với Australia, cùng ứng phó với Hải quân Trung Quốc, nước có hoạt động trên biển ngày càng gia tăng.

Tàu ngầm lớp Archer trang bị hệ thống AIP do Thụy Điển chế tạo.
Tàu ngầm lớp Archer trang bị hệ thống AIP do Thụy Điển chế tạo.
Đông Bình