Aquafina Mỹ dùng nước lã đóng chai, tại Việt Nam thì sao?

29/10/2015 07:39
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Được giới thiệu khai thác nguồn nước ngầm, nhưng thông tin nước đóng chai Aquafina, Dasani tại Mỹ lấy từ nước lã công cộng khiến người tiêu dùng bất ngờ.

Được giới thiệu khai thác nguồn nước ngầm, nhưng thông tin nước đóng chai Aquafina, Dasani tại Mỹ lấy từ nước lã công cộng khiến người tiêu dùng bất ngờ. 

Thị trường rộng lớn

Thị trường nước đóng chai không có ga trong nước được mở rộng khá lớn, nhà nhà dùng nước đóng chai, người người dùng nước đóng chai, nên thị phần nước đóng chai đem lại nguồn thu và lợi nhuận khổng lồ đối với các doanh nghiệp nước giải khát.

Theo đánh giá của Công ty Datamonitor (Anh), năm 2014 thị trường nước uống đóng chai tại Việt Nam sẽ đạt tổng doanh thu khoảng 279 triệu USD, tăng trưởng bình quân 6%/năm trong giai đoạn 2009 - 2014. Đồng thời, tổng sản lượng của toàn thị trường đạt 307 triệu lít. 

Người tiêu dùng Việt Nam lo lắng trước thông tin nước đóng chai Aquafina và Dasani lấy từ nguồn nước công cộng Ảnh minh họa. Nguồn Kalbhi
Người tiêu dùng Việt Nam lo lắng trước thông tin nước đóng chai Aquafina và Dasani lấy từ nguồn nước công cộng Ảnh minh họa. Nguồn Kalbhi

Tương tự theo nghiên cứu của Euromonitor, quy mô thị trường đồ uống Việt Nam có giá trị khoảng 54.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tỉ lệ tăng trưởng kép (CAGR) hàng năm của ngành hàng trà đóng chai trong giai đoạn 2007 – 2012 đạt trên 48%. Đây là con số đáng mơ ước của doanh nghiệp ở bất cứ thị trường nào và mở ra cơ hội cho doanh nghiệp.

Thị trường nước đóng chai Việt Nam đang bị chi phối bởi 4 thương hiệu lớn gồm La Vie (Nestlé), Aquafina (PepsiCo), Vĩnh Hảo (Vital) và Dasani (của Coca Cola Việt Nam). 4 thương hiệu này chiếm khoảng 80% thị phần nước đóng chai trong nước.

Còn nhớ ở thời điểm năm 2009, Neilsen Việt Nam đã công bố một báo cáo khảo sát thị trường nước đóng chai gây nhiều chú ý với thương hiệu La Vie chiếm 31% thị phần - dẫn đầu thị trường; Aquafina của PepsiCo xếp sau với gần 30%. Nhìn chung, cả 4 nhãn lớn là La Vie, Aquafina, Vĩnh Hảo và Joy (nay là Dasani của Coca-Cola Việt Nam) chiếm khoảng 80% thị phần.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của một công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam, nếu xét về mặt doanh thu năm 2011, Pepsi đang đứng đầu thị phần với nhãn Aquafina, La Vie xếp thứ hai, tiếp theo là nước khoáng Khánh Hòa.

Từ đó đến nay, thị trường Việt Nam đã có trên dưới 1.000 đơn vị sản xuất nước uống đóng chai. Thế nhưng, theo ông Trần Xuân Hiệp - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Hàng không Miền Nam (Satco), đơn vị sở hữu nhãn nước đóng chai Wami, những thương hiệu thực sự có tên tuổi lại chỉ chiếm chưa tới 0,5% số này.

Cuộc đua giữa Suntory PepsiCo Việt Nam và Coca Cola Việt Nam trên thị trường nước đóng chai càng khốc liệt khi 2 doanh nghiệp này liên tục mở rộng quy mô nhà máy. Cả Suntory PepsiCo  và Coca Cola đang có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh.

Kết quả kinh doanh của Suntory  PepsiCo và Coca Cola Việt Nam không nêu rõ lợi nhuận của ngành công nghiệp nước đóng chai trong kết quả kinh doanh chung của hai ông lớn này. Tuy nhiên theo tổng kết của Suntory PepsiCo năm 2014, doanh nghiệp này duy trì đà tăng trưởng 20%/năm, Suntory PepsiCo đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2018.

Chắc chắn trong mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD năm 2018 của Suntory PepsiCo, đóng góp của sản phẩm nước đóng chai là không nhỏ.

Nước đóng chai có sạch?

Chiếm thị phần lớn trên thị trường nước đóng chai nhưng thông tin sản phẩm nước đóng chai Aquafina và Dasani tại Mỹ có nguồn gốc từ nước lã công cộng khiến người tiêu dùng Việt bất ngờ và lo lắng.

Pepsi thừa nhận nguồn nước sản xuất nước đóng chai Aquafina tại Mỹ từ nước lã công cộng nhưng được lọc và xử lý bằng công nghệ  độc quyền của Pepsi gọi là Hydro-7. Tuy nhiên, nguồn nước công cộng ở Mỹ vốn đã được xử lý làm sạch để người dân có thể uống trực tiếp từ vòi.

Trở lại thị trường Việt Nam, theo lời giới thiệu của Suntory PepsiCo, thì sản phẩm Aquafina được khai thác từ nguồn nước ngầm, được xử lý qua hệ thống thẩm thấu ngược và Ozon, được thanh trùng bằng tia cực tím.

Tuy nhiên theo Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA), nước đóng chai có thể chứa một lượng nhỏ vừa phải các chất gây ô nhiễm dẫn đến những rủi ro về sức khỏe. 

EPA phân tích, có hai loại nước đóng chai: Loại được sử dụng lại từ nguồn nước máy và loại có nguồn gốc từ nước tự nhiên. 

Loại thứ nhất mua từ nguồn cung cấp nước của một thành phố, được làm sạch và đóng chai bởi các nhà sản xuất, vì thế có thể chứa một số chất gây ô nhiễm do chỉ là nước trên bề mặt. Nói cách khác, nguồn nước này có thể đến từ cống dẫn nước lộ thiên, bể chứa, nước từ tuyết tan ra hoặc bất kỳ loại nước nào có nguồn gốc từ bề mặt của đất.

Loại thứ hai có nguồn gốc tự nhiên như một con suối nằm dưới lòng đất. Đây là nước đóng chai cần lựa chọn vì đến từ những khu vực rất xa hoặc vùng đất được bảo vệ tốt. Thông thường, nước có chứa các chất khoáng vi lượng tự nhiên lành mạnh như canxi và kali. 

Nước từ suối tự nhiên không nhất thiết phải tinh khiết 100% nhưng ít có khả năng bị ô nhiễm bởi những bất cứ chất gì do con người tạo ra. Tuy vậy, nước suối chảy luôn di chuyển nên nếu thượng nguồn bị ô nhiễm thì tạp chất dư thừa có thể ảnh hưởng đến hạ nguồn.

Thay vì dùng các loại nước đóng bình không đảm bảo chất lượng, theo các chuyên gia người dân nên dùng nước máy đạt tiêu chuẩn rồi đun sôi. Cách làm này vừa giảm bớt chi phí vừa đảm bảo sức khỏe.

Mai Anh (Tổng hợp)