Dân khốn khổ vì FLC Hoàng Long, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá sao chưa "nâng đỡ"?

10/05/2018 06:16
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - Nếu căn cứ theo luật, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có quyền thu hồi, hủy bỏ dự án đầu tư dự án FLC Hoàng Long. Tại sao FLC Hoàng Long là một ngoại lệ?

Tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án FLC Hoàng Long, ngày 31/3/2015 (chứng nhận thay đổi lần 1 ngày 28/3/2016) nêu rõ về tiến độ thực hiện các giai đoạn của dự án FLC Hoàng Long... Giai đoạn 1, từ 1/2016 đến tháng 12/2016; giai đoạn 2 từ 1/2017 đến tháng 3/2018).

Đến nay, sau hơn 3 năm dự án chưa thực hiện, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân gặp ảnh hưởng vì chưa nhận được tiền đền bù.

Nếu căn cứ theo luật đầu tư, luật đất đai, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có quyền thu hồi, hủy bỏ dự án đầu tư. Vậy tại sao đến nay, cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa thực hiện quy định trên đối với dự án FLC Hoàng Long?

Ngày 4/5, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp (Thanh Hóa) để làm rõ thêm những thắc mắc nêu trên.

FLC chưa có kinh nghiệm đầu tư công nghiệp

Quan điểm của ông về cái gọi là "Khu công nghiệp kiểu mẫu" FLC Hoàng Long (Thanh Hóa) sau 3 năm vẫn là bãi đất trống phía sau chiếc cổng chào lạnh lẽo, khiến hàng trăm hộ dân chịu ảnh hưởng vì bị "treo" tư liệu sản xuất?

 Ông Nguyễn Văn Thi: Trước hết, chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng phục vụ các doanh nghiệp đến Thanh Hóa đầu tư trong đó có Công ty cổ phần Tập đoàn FLC...

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC là doanh nghiệp có nhiều dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Riêng dự án FLC Hoàng Long, chúng tôi cũng đánh giá cao nỗ lực của doanh nghiệp này khi họ có ý định đầu tư vào năm 2015. Vì vậy, tỉnh Thanh Hóa, các Sở, ngành, huyện, thị, thành phố đã tạo điều kiện hết sức về mặt thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.

Sau khi dự án khởi công, chúng tôi đã có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn FLC, đề cập tới việc đầu tư, triển khai thật nhanh dự án, đồng thời thông báo cho người dân về việc đền bù, giải phóng mặt mặt bằng.

Tôi biết sau đó phía công ty đã có chi trả một phần tiền đền bù cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Tất nhiên số tiền này không thể đảm bảo được việc chi trả cho tất cả người dân có diện tích đất bị ảnh hưởng bởi dự án.

Tôi biết việc quy hoạch "treo" khiến người dân không thể trồng trọt, sản xuất được. Đây cũng là thiệt thòi lớn của người dân. Chúng tôi đã có đề nghị doanh nghiệp bồi thường thiệt hại vì đất không thể sản xuất.

Cứ mỗi lần đi qua khu vực dự án, tôi cảm thấy rất xót xa trước việc doanh nghiệp để dự án (treo) nhiều năm như vậy. 

Dự án FLC Hoàng Long sau 3 năm vẫn là bãi đất trống phía sau chiếc cổng chào lạnh lẽo, vô hồn. Anh: Quốc Toản.
Dự án FLC Hoàng Long sau 3 năm vẫn là bãi đất trống phía sau chiếc cổng chào lạnh lẽo, vô hồn. Anh: Quốc Toản.

Theo cam kết thì Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đang chậm tiến độ trong việc triển khai dự án FLC Hoàng Long.

Chúng tôi đã có nhiều cuộc họp đề xuất với công ty về vấn đề triển khai dự án đúng tiến độ khi cam kết đầu tư.

Là đơn vị quản lý nhà nước, chúng tôi cũng biết rằng, doanh nghiệp cũng đang có nhiều dự án đầu tư khác cho nên việc đầu tư dự án này cũng có khó khăn riêng.

Nhưng chúng tôi cũng có quan điểm rằng, tập đoàn cần tập trung đầu tư hoàn thành dự án FLC Hoàng Long.

Chúng tôi đã thực hiện nhiều dự án liên quan tới di dân tái định cư, cho nên, quan điểm của chung là làm dự án nào đi nữa cũng nhằm phục vụ nhân dân.

Cho nên khi doanh nghiệp muốn thu hồi đất của người dân phải bồi thường cho họ theo đúng quy định để người dân có tiền, tái đầu tư vào sản xuất, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp khác.

Vậy lỗi để dự án “treo” nhiều năm thuộc về ai? 

Ông Nguyễn Văn Thi: Lỗi này thuộc về chủ đầu tư và cơ quan nhà nước. Nguyên nhân để dự án treo là do phương pháp, cách làm/thực hiện dự án chưa khoa học, không rõ ràng. 

Lẽ ra, thời điểm có quyết định chấp thuận đầu tư dự án này thì bên có trách nhiệm cần có kế hoạch, lộ trình chi tiết triển khai dự án đến từng địa phương.

Tức là, ngoài việc phân kỳ thực hiện dự án trong giấy chứng nhận đầu tư, khi làm việc với chính quyền địa phương, ông (doanh nghiệp) cũng phải phân kỳ cụ thể, rõ ràng khi thực hiện dự án. Đầu tư đến đâu thì lấy đất đến đó, chứ chưa cần thiết phải lấy cả (đất)...

Trong khi đó, bản thân địa phương cũng không biết được ý định đầu tư cụ thể của doanh nghiệp, và doanh nghiệp cũng không sát sao với địa phương khi thực hiện dự án.

Nói thật, kinh nghiệm đầu tư của chủ đầu tư về lĩnh vực công nghiệp là chưa có.

Có ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ, kiểm điểm trách nhiệm quản lý của cơ quan có thẩm quyền mà trực tiếp là Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp – đơn vị chủ quản về quản lý đầu tư trong việc để dự án “treo” nhiều năm. Ông có ý kiến gì về việc này?

Ông Nguyễn Văn Thi: Về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi khẳng định, việc doanh nghiệp triển khai dự án chậm so với tiến độ đề ra có một phần trách nhiệm của chúng tôi.

Thế nhưng chúng tôi cũng đã có nhiều văn bản có liên quan, nhiều buổi họp với công ty, đề nghị họ phải khẩn trương thực hiện dự án theo đúng cam kết.

Mặc dù vậy, công ty chưa tập trung thực hiện dự án nghiêm túc. Bên cạnh đó, kinh nghiệm của doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư công nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc dự án chậm tiến độ.

Vậy từ trước tới nay cá nhân ông và Ban quản lý đã có văn bản nào kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm về việc này chưa? 

Ông Nguyễn Văn Thi: Cái này phải do (chỉ đạo) của Ủy ban nhân dân tỉnh, đơn vị trực tiếp quản lý chúng tôi. Để nói rằng chúng tôi phải kiểm điểm thì rất khó, bởi bản thân người đứng đầu như tôi cũng khó xác định được việc kiểm điểm.

Bởi lẽ, trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi cũng đã đôn đốc họ (doanh nghiệp) rồi. Còn trách nhiệm tham mưu thì chúng tôi đã tham mưu.

Mặt khác, ngay trong văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu Công nghiệp Hoàng Long, Thành phố Thanh Hóa cũng không có tên Ban quản lý chúng tôi thì làm sao kiểm điểm chúng tôi được.

Cần thu hồi dự án treo FLC Hoàng Long

Chắc ông cũng biết khi dự án được khởi công, người dân mà thậm chí cả lãnh đạo tỉnh kỳ vọng về một sự thay đổi về đời sống của người dân ở những vùng quê nghèo, vốn chỉ sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Dự kiến dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho 60-80 nghìn lao động... Nhưng thực tế hậu quả từ dự án "treo" này đã thấy rõ, và việc khắc phục những hệ lụy kéo theo là không hề đơn giản?

Ông Nguyễn Văn Thi: Tôi biết dự án treo ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề an sinh xã hội. Chuyện này tôi cũng rất băn khoăn và trong các cuộc họp với doanh nghiệp này, cơ quan có thẩm quyền đã đề nghị FLC giải quyết các vấn đề phát sinh xung quanh dự án này.

Chúng tôi đã đề nghị công ty làm rõ trách nhiệm với tư cách là chủ đầu tư và mức bồi thường xung quanh những thiệt hại của người dân khi doanh nghiệp để dự án "treo".

Đối với những vị trí, diện tích đất chưa thực hiện triển khai dự án thì doanh nghiệp phải thông báo cho người dân để họ quay lại sản xuất. Khi nào có kế hoạch triển khai dự án thì tiếp tục thu hồi.

Bản thân chúng tôi cũng chỉ là đơn vị quản lý nhà nước về vấn đề đầu tư, chứ không trực tiếp như chính quyền địa phương (về vấn đề giải phóng mặt bằng, chi trả đền bù). Chúng tôi cũng mong các địa phương cũng có ý kiến với tỉnh và doanh nghiệp về việc này.

Ông có nhận được các văn bản đề nghị của địa phương trong việc phối hợp, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ, chi trả tiền đền bù cho người dân?

Ông Nguyễn Văn Thi: Không, không nhận được. Chắc họ gửi cho tỉnh. Thậm chí, cả một việc đơn giản nhất là việc tỉnh Thanh Hóa ban hành một văn bản về điều chỉnh quy hoạch dự án cũng không hề có tên Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thi (trái) trong buổi làm việc với phóng viên. Ảnh: XQ.
Ông Nguyễn Văn Thi (trái) trong buổi làm việc với phóng viên. Ảnh: XQ.

Tỉnh không giao nhiệm vụ cho tôi, thì làm sao tôi biết về việc điều chỉnh quy hoạch.

Về luật, cơ quan chính quyền địa phương hoặc Ban quản lý khu kinh tế là đơn vị công bố quy hoạch, nhưng việc này lại giao cho doanh nghiệp công bố là sai, trái luật. 

Tôi rất buồn, vì tôi chẳng biết gì chuyện công bố điều chỉnh quy hoạch. Tôi thắc mắc với văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc này thì nhận được trả lời “thôi, trót rồi thì thôi”.

Đến hôm nay tôi nói thật, nghĩa vụ là nghĩa vụ, nhưng trách nhiệm của chúng tôi trong việc này là không có vì chúng tôi có được tỉnh giao nhiệm vụ đâu.

Theo quy định tại điều 48, luật đầu tư 2014 quy định về các trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động trong trường hợp hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư; Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư... Trong khi đó, theo quy định của Luật đất đai 2013, sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ đầu tư dự án. Tại sao đến nay, cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa thực hiện điều này đối với dự án FLC Hoàng Long?

Ông Nguyễn Văn Thi: Quan điểm của tôi là trong quá trình làm việc sẽ hỗ trợ, phục vụ tốt nhất nhà đầu tư, kể cả đi bất kỳ đâu, làm bất kỳ điều gì để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư, hoạt động. 

Nói về quyết định thu hồi, hủy bỏ dự án thì đó là thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Nếu anh không đầu tư được thì nhà nước phải thu hồi lại, không thể để nhà đầu tư chiếm dụng đất mãi được. 

Đến tháng 3/2018, FLC đã hết thời gian thực hiện giai đoạn đầu tư thứ 2 đối với dự án này.

Dân khốn khổ vì FLC Hoàng Long, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá sao chưa "nâng đỡ"? ảnh 3

Hàng trăm hộ dân khổ sở vì độ lì của dự án FLC Hoàng Long

Chúng tôi đã khuyến cáo việc này với doanh nghiệp và chúng tôi rất mong họ đầu tư, hoàn thiện dự án.

Nói thực với các anh, chúng tôi rất muốn có khu công nghiệp xanh, sạch, đẹp để tạo điều kiện việc làm cho người dân, tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Cho nên, vào năm ngoái, chúng tôi từng nói với FLC rằng: Thứ nhất, các anh thấy mình không đủ kinh nghiệm thực tiễn trong việc đầu tư khu công nghiệp, thì các anh trả lại một phần đất; Thứ hai là các anh trả cả dự án. Nhưng phía công tư vẫn cam kết đầu tư và chi trả tiền bồi thường hoa lợi cho người dân. 

Tuần trước, chúng tôi đã có buổi làm việc với FLC đồng thời nêu rõ quan điểm rõ ràng: Chủ đầu tư phải có văn bản chính thức có tiếp tục đầu tư hay không?

Doanh nghiệp tiếp tục đầu tư hay không tiếp tục đầu tư thì cũng phải làm việc với chính quyền địa phương để giải quyết các vấn đề phát sinh, liên quan tới người dân xung quanh dự án này. Nếu đầu tư thì phải làm ngay.

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)