Nếu người dân có 500 tấn vàng, nhà nước huy động không dễ

20/05/2016 14:03
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Tại tờ trình NHNN mới đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, hiện người dân đang sở hữu tới 500 tấn vàng. Thông tin này đang gây tranh cãi lớn.

Liệu người dân có 500 tấn vàng?

Mới đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam có văn bản kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia để có thể huy động nguồn lực từ vàng đang nằm trong dân.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu kim loại quý này không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn.

Theo ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, con số 500 tấn vàng hiện đang nằm trong dân được tính toán dựa vào thống kê của Hội đồng vàng thế giới và thông qua các kênh giao dịch mua bán, đồng thời căn cứ theo các tờ khai xuất nhập khẩu.

Ngay khi thông tin kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam được nêu ra, dư luận bày tỏ sự hoài nghi về con số 500 tấn vàng mà người dân đăng "găm giữ".

Thậm chí, nhiều người còn cho rằng đó là con số thống kê ảo so với thực tế.

Theo các chuyên gia kinh tế con số 500 tấn vàng được Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đưa ra chưa chắc nằm trong dân mà chủ yếu thuộc về doanh nghiệp vàng/ ảnh minh họa - nguồn Lao động.
Theo các chuyên gia kinh tế con số 500 tấn vàng được Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đưa ra chưa chắc nằm trong dân mà chủ yếu thuộc về doanh nghiệp vàng/ ảnh minh họa - nguồn Lao động.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải xác minh thêm cho đầy đủ và chính xác hơn.

Theo chuyên gia này, số liệu của Hội đồng vàng thế giới thì năm 2015 vừa qua cho thấy, lượng nhu cầu vàng nhập về của Việt Nam là rất ít mà nhu cầu vàng của Việt Nam đã giảm rất mạnh trong 3 năm vừa qua nên con số 500 tấn vàng mà người dân đang giữ có thể là chưa chính xác.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Con số 500 tấn vàng vẫn là những tin tức cũ đã có từ lâu. Trước đây, có những luồng thông tin về con số lớn hơn rất nhiều, thậm chí là mấy nghìn tấn, lại cũng có thể sẽ ít hơn. Nhưng tất cả chỉ là ước lượng và không ai khẳng định những con số đấy là hoàn toàn chính xác”.

Ở góc nhìn khá, đưa quan điểm về tính xác thực của con số 500 tấn vàng, chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh nói: “Con số bao nhiêu tấn vàng trong dân thì có thể xác định được, ví dụ như qua kênh của Hội đồng vàng thế giới, họ sẽ biết được Việt Nam đã nhập bao nhiêu vào những năm nào”.

Về thói quen cất giữ vàng của người dân, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: “Người dân còn e ngại với những biến động về giá trị đồng tiền. Họ nghĩ giữ vàng là an toàn nhất. Bởi trong lịch sử Việt Nam, những vấn đề như lạm phát, đổi tiền cũng đã làm cho người dân bị thiệt rất nhiều”.

Nếu người dân có 500 tấn vàng, nhà nước huy động không dễ ảnh 2

"Có lợi ích nhóm trong câu chuyện ngưng mua vàng SJC một chữ"

(GDVN) - PGS.TS Phạm Quý Thọ khẳng định như trên trước việc Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ngừng mua vàng miếng một chữ thời gian qua.

Nếu người dân có 500 tấn vàng, nhà nước huy động không dễ ảnh 3

Ai hưởng lợi từ vụ SJC từ chối mua vàng miếng một chữ?

(GDVN) - Theo chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng việc SJC từ chối mua lại chính sản phẩm vàng của mình là đẩy khách hàng đi về phía đối thủ như DOJI, PNJ...

Trong khi đó, trả lời trên tờ Tin Tức, TS Bùi Quang Tín - ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, số liệu 500 tấn vàng trong dân hiện nay phi thực tế, bởi chỉ dựa vào công bố của Hiệp hội Kinh doanh vàng thế giới về số lượng vàng nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian qua. Con số này chỉ nghe nói chứ không có tính toán.

Theo TS. Tín giả sử có 500 tấn vàng được nhập vào Việt Nam thì chưa chắc 500 tấn vàng đó nằm trong két của người dân.

Ông Tín cho rằng có đến hơn 70% trong 500 tấn vàng đó nằm ở các công ty vàng, doanh nghiệp vàng, thậm chí là ở các ngân hàng thương mại. Còn khoảng gần 30% tấn vàng là mới nằm ở người dân.

“Nhưng không phải nằm ở két sắt, do thời gian qua, họ cũng đã bán ra để kinh doanh, nhất là trong thời gian đỉnh điểm giá vàng lên cao, thời điểm thị trường chứng khoán phát triển, bất động sản sôi động”, TS Tín phân tích. 

Huy động vàng trong dân không dễ

Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn lực vàng ở trong dân thật nhưng làm sao để huy động một cách hiệu quả và an toàn thì không dễ. 

TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Nếu huy động vàng trong dân theo kiểu cũ thì không có hiệu quả, Cần sự thay đổi mang tính tổ chức hơn và thu hẹp đối tượng hơn, giới hạn ở một số người, một số đơn vị, một số đối tượng.
Muốn huy động thành công phải có phương án tổng thể và Ngân hàng Nhà nước đứng ra thiết kế để có tính chất pháp lý và chính thức hóa”, TS. Nguyễn Minh Phong nói.

Ông Phong cho biết, trong quá khứ, việc huy động vàng trong dân đã từng thành công. Thậm chí đã có thời kỳ, Chính phủ phát hành trái phiếu bằng vàng, các ngân hàng cũng từng cho vay và huy động vàng.

Tuy nhiên, cách làm lần này không nên lặp lại theo kiểu cũ. Thay vào đó, nên cho một số ngân hàng chứ không phải tất cả các ngân hàng đều có thể tham gia. Bên cạnh đó, cũng chỉ có một số dự án được huy động bằng vàng hoặc bằng trái phiếu, hoặc cho vay và trả bằng vàng, cụ thể từng đợt một, không nên kéo dài.

Nhìn nhận việc sở hữu vàng là quyền tự do của người dân, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng cách tốt nhất để huy đông vàng trong dân là cải thiện môi trường đầu tư và tạo cơ hội đầu tư để người dân tự nguyện đầu tư vì lợi ích của mình.

Trong khhi đó, chia sẻ quan điểm của một người làm trong ngành Tài chính - Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu kiến nghị: Muốn kéo vàng người dân đang dự trữ Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra huy động vàng từ dân nhưng chúng ta vẫn phải giữ nguyên chủ trương mà đã thành công với chủ trương này là tiêu trừ hiện tượng vàng hóa trong dân chúng. 

Nếu người dân có 500 tấn vàng, nhà nước huy động không dễ ảnh 4

Hy hữu: Bảo Tín Minh Châu bị tố bán vàng giả

Mang nhẫn vàng đến bán, khách hàng "ngã ngửa" khi Bảo Tín Minh Châu cho rằng đây là vàng giả, không phải sản phẩm của mình sản xuất.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện huy động vàng thông qua phát hành chứng chỉ vàng. Với cách huy động đó có các kỳ hạn, có thể trả lãi suất trên vàng được huy động, từ đó Ngân hàng Nhà nước có thể dùng số vàng này chuyển đổi thành ngoại tệ cho quốc gia hoặc cho Bộ Tài chính vay để Bộ Tài chính dùng số vàng đó làm tài sản bảo đảm để đi vay mượn nước ngoài, từ đó có ngoại tệ hỗ trợ nền kinh tế.

Liên quan đến kiến nghị thành lập sàn giao dịch vàng, TS Bùi Quang Tín cho rằng, đề xuất này không khả thi bởi chính sách tiền tệ của Nhà nước trong thời gian vừa qua phù hợp nên đã triệt tiêu tâm lý đầu cơ vàng trong dân. Vì thế, theo ông Tín lượng vàng người dân dự trữ trong két không nhiều. Chính vì vậy, việc thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia để thu hút vàng trong dân là không khả thi.

Kinh tế Sài Gòn cũng dẫn lời một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định rằng, không tính chuyện huy động vàng trong dân dưới bất kỳ hình thức nào. Theo vị này cho biết, việc huy động vàng chứa ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là sự biến động về giá. Việc huy động, dù là do nhà nước hay tổ chức tín dụng thực hiện thì trên thế giới đều chưa có tiền lệ.

Nếu huy động vàng rồi hoán đổi ra ngoại tệ thì có rủi ro kép về tỷ giá. Khi huy động rồi gửi ra thị trường quốc tế kỳ hạn rất dài, 9 tháng đến 1 năm, lãi suất rất thấp, trong khi người dân lại gửi ngắn hạn, như vậy sẽ mất cân đối kỳ hạn, đến ngày đến dân rút vàng mà không có vàng thì Ngân hàng Nhà nước phải nhập để trả. Điều này sẽ gây tác động dây chuyền đến tình trạng ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

Mai Anh (Tổng hợp)