Chủ nghĩa khủng bố đang thẩm định lại giá trị của tự do - dân chủ

22/11/2015 05:56
Ngọc Việt
(GDVN) - Sống trong một xã hội dân chủ mà sự yên bình gần như chỉ còn là những khoảnh khắc trong bất ổn xã hội triền miên, không thể đoán trước ngày mai sẽ ra sao.

Những bất hợp lý tạo nên sức sống, sức mạnh của chủ nghĩa khủng bố nhờ tự do và dân chủ

Kể từ những năm cuối thế kỷ 20, khi hai từ KHỦNG BỐ được dùng để đặt tên cho những kẻ thực hiện những cuộc tàn sát, thảm sát không mang mục đích quân sự để khẳng định sức mạnh chính trị, cũng không mang tính chất cướp bóc vì đói nghèo, thì lực lượng này ngày càng lớn mạnh, song hành cùng với sự phát triển của xã hội. 

Khi khi nhân loại tiệm cận, rồi tiếp cận nền văn minh với sự tự do và việc thỏa mãn ngày càng cao thang nhu cầu của con người thì đồng thời cũng diễn ra quá trình hình thành chủ nghĩa khủng bố với hoạt động được thể hiện bằng hàng loạt những vụ tấn công, thảm sát quy mô lớn để khẳng định sức mạnh. 

Và khi dân chủ - gía trị cơ bản của nền văn minh được cổ vũ và truyền bá khắp toàn cầu, chống lại độc tài chính trị thì cùng lúc đó chủ nghĩa khủng bố chính thức thành hình và reo rắc kinh hoàng ở khắp nơi trên thế giới văn minh.

Vụ khủng bố 11/9 khiến cả thế giới bàng hoàng, chấn động xảy ra ngay giữa lòng nước Mỹ. Ảnh: prisonplanet.com
Vụ khủng bố 11/9 khiến cả thế giới bàng hoàng, chấn động xảy ra ngay giữa lòng nước Mỹ. Ảnh: prisonplanet.com

Người ta giật mình khi nhìn lại những vụ tấn công đầu tiên của những kẻ khủng bố được tiến hành ở những nơi mà sức mạnh của tự do được bảo đảm. Và khi chủ nghĩa khủng bố thành hình thì chủ thuyết của nó lại bắt từ những nguyên lý của nền dân chủ.

Khi tấn công khủng bố bắt đầu xảy ra ở Mỹ năm 2001, thì ngay sau đó là ở Nga năm 2002, ở Anh năm 2005, rồi ở Trung Quốc liên tục trong năm 2014 – 2015 xảy ra nhiều vụ khủng bố đẫm máu, còn ở Pháp thì chỉ trong năm 2015 này đã xảy ra hai vụ khủng bố đẫm máu.

Những cuộc tấn công kinh hoàng gần đây của những kẻ khủng bố, những hoạt động ngày càng lớn mạnh và có tổ chức cùng với sự gia tăng nhanh về số lượng những kẻ khủng bố, làm cho chúng ta phải đặt câu hỏi về tính ưu việt của sự tự do và giá trị của nền dân chủ theo chuẩn mực hiện thời.

Theo chỉ số phát triển con người (HDI) của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) năm 2013, dựa trên chỉ số về mức sống, đáng sống thì hầu hết các nước thuộc G7, G20 đều nằm ở tốp đầu và những quốc gia này cũng được xem là những nước đi đầu về tư do, dân chủ, đảm bảo quyền con người, song đây lại là những nơi chủ nghĩa khủng bố tấn công nhiều nhất.

Cũng theo UNDP thì mức sống của những nước chậm phát triển sau khi được khai sáng bởi sức mạnh của sự tự do thì lại thấp hơn so với trước đó, những nước trước đây được cai trị bằng chế độ độc tài nay được khai sáng bởi nền dân chủ thì chỉ số đáng sống ngày càng giảm sút. Và đây lại là những nơi phát sinh, phát triển mạnh nhất của chủ nghĩa khủng bố.

Nguyên Tổng thư ký LHQ  Kofi Annan trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin BBC đã nói rằng, tình hình bạo lực ở Iraq đã trở nên “tồi tệ hơn nhiều” so với một cuộc nội chiến. Theo ông Annan, mức sống của người Iraq hiện nay tồi tệ hơn nhiều so với thời chính quyền của ông Saddam Hussein. Ông Annan lấy làm tiếc vì đã không thể ngăn chặn được cuộc chiến tranh để giảm bớt đau khổ cho người dân Iraq.

Còn theo The Guardian, trùm khủng bố - thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi là người Iraq, từng chống lại Mỹ, bị Mỹ bắt và bỏ tù. Thủ lĩnh IS đã thành lập tổ chức, phát triển lực lượng, xây dựng chủ thuyết ngay ở Iraq, từ ngay trong nhà tù của Mỹ. Và Iraq đã trở thành nơi IS thể hiện sức mạnh và phát huy thanh thế lớn nhất.

Chủ nghĩa khủng bố khẳng định sức mạnh bằng tấn công ở những nơi tự hào khai sinh ra sự tự do và nền dân chủ, chủ nghĩa khủng bố khẳng định sức sống bằng phát triển lực lượng ở những nơi may mắn được khai sáng bởi ánh sáng của tự do và dân chủ.

Chủ nghĩa khủng bố đang thẩm định lại tính ưu việt của sự tự do và giá trị của nền dân chủ

Một nguyên tắc mà tại các quốc gia của thế giới tự do người ta xác định là, đưa tự do và dân chủ vào phạm trù Nhân Quyền –  những quyền cơ bản của con người. 

Trong một xã hội dân chủ, quyền sống của con người được bảo đảm. Tuy nhiên, sở hữu súng – một phương tiện có thể dễ dàng tước đoạt quyền được sống của người khác, cũng được xem là quyền hợp pháp ở Mỹ và một số nước văn minh khác (nếu không nằm trong những trường hợp đặc biệt bị cấm hay hạn chế). Và đó là một trong hai điều kiện có thể giúp cho khủng bố dễ dàng hành động và đương nhiên chúng đã tận dụng rất tốt điều này.

Chưa bao giờ trong một xã hội tự do mà sự sống lại dễ dàng bị tước đoạt như hiện nay. The Mirror đã miêu tả về khủng bố ở Paris “Có ít nhất 6 cuộc tấn công riêng rẽ diễn ra bao gồm 6 vụ nổ súng và 3 vụ nổ khác. Nhóm đầu tiên tấn công sân bóng, nhóm thứ hai chạy một chiếc xe hiệu SEAT nhắm vào các quán ăn và quán nước ở trung tâm Paris và nhóm thứ ba đột nhập vào nhà hát Bataclan”.

Trong một xã hội dân chủ, quyền tự do ngôn luận được đảm bảo và tôn trọng. Tuy nhiên, đã bao lần xã hội bị rối loạn vì những lời đe dọa (và cả tin đồn) là có bom hay khủng bố. Và cũng không ít lần khủng bố hành động vì sự thái quá trong tự do ngôn luận, dẫn đến xâm phạm quyền riêng tư, xúc phạm danh dự của cá nhân hay tổ chức cực đoan.

Chúng ta chưa thể quên vụ khủng bố tấn công vào trụ sở của tuần báo Charlie Hebdo ở Pháp mà nguyên nhân của nó bắt nguồn từ tự do ngôn luận. 

Le Monde đã miêu tả : “Ngày 7 tháng 1 năm 2015, cùng ngày với vụ thảm kịch, số báo số 1117 với trang bìa được họa sĩ Luz vẽ châm biếm tại trang nhất về nhà văn Michel Houellebecq cùng cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông vốn đề cập tới một nước Pháp Hồi giáo lúc giao thời.. . Vài phút trước vụ tấn công, họa sĩ Honoré, một trong những nạn nhân sau đó, còn đăng một bức hình lên tài khoản twitter của tờ báo về Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo IS đang đứng cầu phước lành năm mới".

Hiện trường vụ tấn công Tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo - Ảnh : The Telegraph
Hiện trường vụ tấn công Tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo - Ảnh : The Telegraph

Và cũng nhờ tự do ngôn luận, tự do thông tin nên Bin Laden ở mãi Tora Bora hẻo lánh tại Afghanistan mà vẫn có thể điều khiển cuộc “tấn công nước Mỹ” ngày 11/9/2001, hay gần đây là cuộc tấn công khủng bố tại Paris ngày 13/11/2015 được quyết định và lên kế hoạch tại Syria, chuẩn bị và tổ chức tại Bỉ.  

Trong một xã hội dân chủ, quyền tự do tụ tập, hội họp, bãi công, biểu tình hay minh tinh, giải trí được đảm bảo và tôn trọng. Tuy nhiên, đã bao lần những kẻ khủng bố xuất hiện trong đám đông, kích động bạo loạn và thực hiện những cuộc tấn công  khủng bố của mình.

Các báo đưa tin về cuộc khủng bố tại Boston: Vào Ngày Yêu nước, Thứ Hai, 15/4/2013, cuộc đua hàng năm Marathon Boston đã được tổ chức mà không thấy dấu hiệu có vụ tấn công nào sắp xảy ra, theo CNN.

Các nhân viên đã rà bom mìn khu vực hai lần trước khi xảy ra các vụ nổ, một trong những đợt rà quét diễn ra một giờ trước khi quả bom nổ. Mọi người có thể đến và đi một cách tự do, và tự do mang đồ vật trong và ngoài khu vực, The New York Times thuật lại.

Hơn 5.700 vận động viên vẫn chưa về đích tại thời điểm vụ nổ. Vụ tấn công khủng bố xảy ra hơn hai giờ sau khi các vận động viên đầu tiên chạy qua vạch đích, The Guardian cho biết.

Trong một xã hội dân chủ mọi người được quyền công khai thể hiện quan điểm của mình. Tuy nhiên, đã bao lần các tổ chức khủng bố nhận trách nhiệm về các vụ tấn công khủng bố mà chúng thực hiện (thậm chí không thực hiện) để lấy tiếng vang, gây thanh thế và từ đó kích động tinh thần một bộ phận giới trẻ đang có nhiều bất mãn hướng về chúng với những phấn khích, ngưỡng mộ. Mầm mống khủng bố nảy sinh ngay trong xã hội cái nền dân chủ, tự do ấy.

The Guardian từng dẫn báo cáo của Liên Hợp Quốc, này 31/10/2014 cho biết khoảng 15.000 phần tử thánh chiến từ hơn 80 quốc gia đã tập hợp tại Iraq và Syria để tham gia vào Nhà nước Hồi giáo IS. Và hiện nay, trong khi hàng triệu người lên án khủng bố thì chắc cũng có hàng ngàn kẻ đang tung hô IS như anh hùng khi tổ chức này nhận trách nhiệm về vụ tấn công tại Paris vửa qua và chắc chắn chúng vẫn luôn nung nấu ý định gia nhập vào IS.

Trong xã hội dân chủ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa việc tạo sự bình đẳng về mặt luật pháp nhưng lại không tạo sự công bằng về những mặt khác trong đời sống xã hội, từ đó khủng bố khai thác triệt để, thổi tư tưởng cực đoan vào những bất bình đẳng hiện hữu - chủ thuyết của chủ nghĩa khủng đã có thể bám rễ ngay trong xã hội được gọi là văn minh ấy.

The Guardian đã viết: “IS thâm nhập vào cuộc sống những người thanh niên, chúng hiểu rõ những mâu thuẫn trong xã hội ở các nước tự do, khắc sâu những mâu thuẫn đó, khiến cho giới trẻ đầy tự tôn dân chủ trở nên căm ghét xã hội”.

Giờ đây sống trong một xã hội dân chủ mà sự yên bình gần như chỉ còn là những khoảnh khắc trong bất ổn xã hội triền miên, không thể đoán trước ngày mai sẽ ra sao. Cảm giác sợ hãi khi được sống trong xã hội tự do dần trỏ thành nỗi lo thường trực trong tâm lý, tâm trạng của những người may mắn được là công dân đất nước có tự do, dân chủ. 

AFP đã đưa tin : “Pháp đã đề cao cảnh giác kể từ vụ xả súng vào trụ sở tuần báo Charlie Hebdo và các vụ khủng bố khác có liên quan tấn công Île-de-France vào tháng 1/2015. Hơn nữa, Pháp cũng đã bắt đầu thắt chặt an ninh cho Hội nghị biến đổi khí hậu năm 2015 của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Paris từ 30/11- 11/12/2015, và biên giới đã được bắt đầu kiểm tra nghiêm ngặt 1 tuần trước khi xảy ra các cuộc tấn công”

Tại sao vậy? 

Người ta tập trung đổ tội cho chủ nghĩa khủng bố, nhưng tấn công khủng bố là hành động tàn bạo như những hình phạt của thời Trung cổ thì làm sao chúng có đất sống trong xã hội văn minh? 

Theo người viết thì hãy cứ lên án chủ nghĩa khủng bố, hãy tấn công mạnh, tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, nhưng đồng thời cũng phải thấy rằng chính bọn chúng đã giúp thẩm định lại tính ưu việt của sự tự do mà không ít người tự hào cho đó là cánh cửa mở ra thiên đường của cuộc sống.

Rõ ràng, giá trị của nền dân chủ đang bị thách thức nghiêm trọng và chính chủ nghĩa khủng đang thẩm định lại giá trị của nền dân chủ mà nhiều người cho rằng đó là một trong những biểu tượng đáng tự hào của cái gọi là nền văn minh hiện tại.

Cần phải định nghĩa lại tự do và dân chủ để cắt nguồn sống của học thuyết mà chủ nghĩa khủng bố theo đuổi

Theo các nghiên cứu lịch sử, thì khi xã hội loài người con người chưa có các quy phạm điều chỉnh hành động, hoạt động thì cũng không có ý niệm tự do, khái niệm dân chủ, mà chỉ có sự tư do, dân chủ gắn liền với suy nghĩ “có thể làm bất cứ điều gì mình muốn”. Và bởi vậy nên xã hội rối loạn. 

Khi người ta đặt ra quy phạm để điểu chỉnh xã hội vận hành theo những nguyên tắc nhất định, nghĩa là người ta đã “khép cái cửa tự do vô tổ chức, dân chủ vô nguyên tắc” và nó dần được mở ra cùng với sự phát triển của xã hội loài người.

Tính hai mặt của mọi sự vật, hiện tượng luôn là bất biến nên việc “mở cửa cho tự do, dân chủ” để đảm bảo quyền con người, thúc đẩy xã hội phát triển cũng đồng thời làm xuất hiện những ảnh hưởng trái chiều của việc mở cửa ấy.

Tự do phải trong khuôn khổ - khuôn khổ của tự do chính là tiến bộ xã hội – nếu vượt quá khuôn khổ thì tự do sẽ dẫn đến vô tổ chức và con người sẽ bị lệ thuộc, nô lệ vào “cái gọi là tự do” ấy. Và hiện nay, chủ nghĩa khủng bố đang lợi dụng, tận dụng vào sự vô tổ chức của “cái gọi là tự do” để xây dựng chủ thuyết của mình. 

Dân chủ phải có nguyên tắc – nguyên tắc của dân chủ cũng chính là tiến bộ xã hội – nếu vượt quá nguyên tắc thì sẽ dẫn tới dân chủ quá trớn, và con người ta sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn với những nguyên tắc của chính mình. Và hiện nay, chủ nghĩa khủng bố cũng đang vận dụng cái sự luẩn quẩn ấy để rao giảng cái chủ thuyết của chúng.

The New York Times dẫn lời cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diện khi ông xác định nguyên tắc khi xây dựng mô hình cho nhà nước Singapore: "Mô hình nhà nước Singapore của ông bao gồm quyền lực tập trung, chính phủ trong sạch và chủ nghĩa tự do kinh tế.

Mặc dù nó có bị chỉ trích vì có đàn áp đối lập chính trị, áp đặt những giới hạn nghiêm ngặt về tự do ngôn luận và hội họp công cộng, và tạo ra một môi trường quá cẩn trọng và thông tin bị kiểm duyệt”. Và Singapore đã phát triển và trở thành một hình mẫu cho nhiều quốc gia trên thế giới. 

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, người đã định hình và phát triển quốc đảo này thành nơi đáng sống với nhiều người.
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, người đã định hình và phát triển quốc đảo này thành nơi đáng sống với nhiều người.

Khi “cánh cửa của tự do – dân chủ được mở” không hợp lý, không tương thích với sự phát triển của xã hội, thì từ đó sẽ gây ra một nghịch lý là càng tự do, càng dân chủ thì chủ nghĩa khủng bố càng có điều kiện phát triển và củng cố vững chắc chỗ đứng, khẳng định sức mạnh chủ thuyết của nó.

Bom đạn có thể giết chết những kẻ khủng bố nhưng không thể tiêu diệt được chủ nghĩa khủng bố nếu người ta không định nghĩa lại sự tự do và nền dân chủ cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. 

Tự do và dân chủ chỉ là phần trên của thang nhu cầu của con người, trong khi phần dưới của thang nhu cầu là chất lượng cuộc sống được chưa đảm bảo - cuộc sống mà chỉ là sự tồn tại, hiện hữu của sự sống thì giá trị của những nguyên tắc ấy không thể là tiêu chí xã hội văn minh. 

Đã có sự tự do và nền dân chủ ngăn ngừa hữu hiệu chủ nghĩa khủng bố trên thế giới?

Hiện nay, cả thế giới đang hướng mạnh vào tấn công chủ nghĩa khủng bố bằng sức mạnh của vũ lực, nghĩa là đang phải chống một thứ chủ nghĩa khủng bố đã hiện hữu, thành hình với cả sức mạnh của chủ thuyết và lực lượng của nó.

Tuy nhiên, không phải tất cả nhân loại đang hoàn toàn bất an với chủ nghĩa khủng bố, mà có nhiều nơi, nhiều quốc gia, nhiều hình thức nhà nước, nhiều thể chế chính trị đã xây dựng một xã hội hài hòa giữa tự do, dân chủ với tiến bộ xã hội, người dân được sống trong yên bình, hay khả năng bị tấn công khủng bố cũng nằm ở xác xuất thấp nhất và có thể bị ngăn chặn bằng sức mạnh toàn dân tộc.  

Nguyên tắc đầu tiên nhất được xây dựng và vận dụng ở những quốc gia này là đóng khung tự do, dân chủ trong phạm trù Dân Quyền – gắn liền với thể chế chính trị và hình thức nhà nước chứ không phải Nhân Quyền.

Tất cả những gì “được gọi là tự do, dân chủ” mà không tương thích với sự phát triển xã hội, làm suy yếu nhà nước, làm lung lay chế độ, làm ảnh hưởng đến lợi ích dân tộc, chủ quyền quốc gia, làm ảnh hưởng đền cuộc sống của người dân đều không thể tồn tại hợp pháp.

Theo BBC, sinh thời, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu – người tạo nên một Singapore phồn vinh, đã nói “…Tôi không nói rằng mọi thứ tôi làm là đúng nhưng mọi thứ tôi làm là vì một mục đích cao đẹp. Chắc tôi cũng đã làm những việc nhơ nhớp, giam giữ dân mà không xét xử…".

Cùng với đó là nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”, dựa vào pháp luật để tạo sức mạnh và dùng sức mạnh bảo vệ luật pháp. Không ai có thể đứng trên luật pháp và mọi vi phạm pháp luật đều bị nghiêm trị.

Mọi vấn đề của “quốc kế dân sinh” hay “quốc gia đại sự” đều được giải quyết và hành xử theo quy định của luật pháp quốc gia, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế. Singgpore là một nước phát triển, người dân có mức sống cao nhưng, theo Tổ chức ân xá Quốc tế thì “Singapore có thể có tỷ lệ hành quyết cao nhất trên thế giới so với dân số của quốc gia”.

Nguyên tắc tiếp theo là phải tập trung mọi nguồn lực ưu tiên phát triển đất nước. Khi xã hội yên bình, người dân sẽ cảm nhận được sự tự do hình thành một cách tất yếu trong quá trình vận hành của hệ thống chính trị. Khi xã hội phát triển thì người dân sẽ cạm nhận được giá trị của nền dân chủ hình thành một cách tự nhiên trong quá trình vận hành của bộ máy nhà nước.

Trong khi chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành khắp mọi nơi, Cộng hòa Singapore thu hút ngày càng nhiều triệu phú, tỉ phú thế giới đến sinh sống, dù rất đắt đỏ. Ảnh: The Telegraph.t
Trong khi chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành khắp mọi nơi, Cộng hòa Singapore thu hút ngày càng nhiều triệu phú, tỉ phú thế giới đến sinh sống, dù rất đắt đỏ. Ảnh: The Telegraph.t

Tự do, dân chủ không thể ban phát và nó phải mang nét riêng, phù hợp với nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. 

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng viết :“Các bạn đang nói về Rwanda hay Bangladesh, Campuchia hay Philippines. Họ có dân chủ… Nhưng liệu ở đó có cuộc sống văn minh hay không? Trước tiên và hơn tất cả, người dân cần phát triển kinh tế” trong cuốn "Lee Kuan Yew: The Man and His Ideas".

Một xã hội mà sự tự do và nền dân chủ hình thành trong quá trình phát triển đất nước, không được định sẵn bởi những “công thức, hình mẫu tự do, dân chủ" khác là yếu tố tạo nên sự đoàn kết xã hội, khơi nguồn sức mạnh nội tại của dân tộc, kết hợp với sức mạnh theo xu hướng của thời đại tạo nên một sức mạnh tổng hợp – một vũ khí ngăn ngừa hữu hiệu và phòng chống hiệu quả sự xâm nhập và lây lan của virus mang tên chủ nghĩa khủng bố. 

Chủ nghĩa khủng bố đang thẩm định lại giá trị của tự do - dân chủ ảnh 5

Chủ nghĩa khủng bố - quái thai của lịch sử nhân loại

(GDVN) - Chống chủ nghĩa khủng bố bằng các hoạt động quân sự là cần thiết, nhưng mới chỉ giải quyết được phần ngọn và rất khó khăn vì khủng bố biến thể liên tục như...

Chúng ta đã có thể nhìn thấy sức mạnh của sự tự do và giá trị của nền dân chủ ấy ở Cộng hòa Singapore, và không quá lời khi cho rằng Việt Nam cũng nằm trong những quốc gia có “hệ miễn dịch” đứng hàng đầu với virus chủ nghĩa khủng bố. Cho đến giờ phút này, ở Singapore và cả ở Việt Nam, người dân chỉ nghe nói về khủng bố, xem những hành động khủng bố qua truyền thông đại chúng. 

Người dân và chính quyền ở Singapore, ở Việt Nam và ở những đất nước thanh bình khác, sẽ phải là những nhân tố quyết định tính ưu việt của sự tự do, khẳng định giá trị của nền dân chủ thì chủ nghĩa khủng bố không còn hy vọng thẩm định lại với những tư tưởng cực đoan và hành động kinh hoàng của chúng. 

Ngọc Việt