"Quả bóng" căng thẳng bán đảo Triều Tiên đang xì hơi xuống Biển Đông?

05/02/2018 10:39
Hồng Thủy
(GDVN) - Cuộc chơi giữa 2 "ông lớn" Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp diễn ở châu Á - Thái Bình Dương. Quả bóng xẹp đầu Bắc, có thể sẽ lại căng ở đầu Nam.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap News ngày 5/2 đưa tin, đêm qua Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã thông báo cho Đại Hàn dân quốc:

Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Jong-nam sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Triều Tiên tham dự Olympic mùa Đông Peongchang 2018, từ ngày 9 đến 11/2.

Một quan chức Nhà Xanh tiết lộ với báo giới, Tổng thống Moon Jae-in sẽ có một cuộc họp kín với ông Kim Jong-nam trước lễ khai mạc Olympic.

Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Jong-nam, ảnh: The Korea Herald.
Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Jong-nam, ảnh: The Korea Herald.

Tuy nhiên hai miền còn đang thảo luận xem liệu có nên tổ chức cuộc gặp riêng 1-1 giữa Tổng thống Moon Jae-in với Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Jong-nam hay không.

Quan chức này cho hay, việc Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên cử "nguyên thủ quốc gia theo Hiến pháp" sang Hàn Quốc dự thế vận hội cho thấy thiện chí của Bình Nhưỡng, khôi phục đối thoại giữa hai miền bán đảo.

Đặc biệt chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên cũng có thể dẫn đến khả năng ông Kim Jong-nam sẽ gặp gỡ Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, tuy nhiên hiện nay các quan chức Hàn Quốc từ chối bình luận về vấn đề này. [1]

Theo The New York Times ngày 4/2, ngoài khả năng gặp gỡ Phó Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên cũng có thể hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề lễ khai mạc Olympic. [2]

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm nay cũng xác nhận thông tin Chủ tịch Quốc hội Kim Jong-nam sẽ tham dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông Pyeongchang vào thứ Sáu này.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang rất nỗ lực thúc đẩy đối thoại giữa 2 miền Triều Tiên, nhưng không thể không "ngó mặt Mỹ". Ảnh minh họa: Business Insider.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang rất nỗ lực thúc đẩy đối thoại giữa 2 miền Triều Tiên, nhưng không thể không "ngó mặt Mỹ". Ảnh minh họa: Business Insider.

Trước đó hôm thứ Sáu 2/2 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, trong đó ông khẳng định:

Đà cải thiện quan hệ 2 miền Triều Tiên sẽ tiếp tục, và chuyến thăm Hàn Quốc của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence dịp này sẽ là một "khúc dạo đầu quan trọng" cho điều đó.

Ông chủ Nhà Trắng nói với Tổng thống Hàn Quốc, bất chấp một tình huống rất khó khăn, sự tham dự của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên tại kỳ Olympic này là một điều tốt. [3]

Căng thẳng bán đảo Triều Tiên đang xì hơi

Chúng tôi cho rằng, những diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên cho thấy những căng thẳng trong năm 2017 đang dần khép lại sau những nỗ lực của Trung Quốc và Nga, sức ép của Hoa Kỳ và chuyển hướng của Bình Nhưỡng.

Ngày 25/12 năm ngoái, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã từng "đánh tiếng" với Hoa Kỳ rằng, Moscow sẵn sàng làm trung gian đàm phán Mỹ - Triều.

Trước đó ngày 17/11 Trưởng ban Đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tống Đào đi Triều Tiên, mặc dù Chủ tịch Kim Jong-un không có cuộc tiếp kiến nào dành cho vị đặc sứ từ Trung Quốc.

Trước thềm cuộc điện đàm phá băng giữa 2 miền Triều Tiên ngày 9/1, hôm 5/1 trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên Khổng Huyễn Hựu đã có chuyến thăm Seoul để lên dây cót tinh thần cho Hàn Quốc trước áp lực từ Mỹ.

"Quả bóng" căng thẳng bán đảo Triều Tiên đang xì hơi xuống Biển Đông? ảnh 3

Những toan tính của Mỹ đằng sau cuộc khủng hoảng Triều Tiên

Như vậy cuối cùng Bình Nhưỡng cũng đã quyết định "mở đột phá khẩu" giải quyết bế tắc trên bán đảo trước sức ép liên tục của Hoa Kỳ, bằng cách đối thoại với miền Nam.

Trung Quốc đã rất tích cực hỗ trợ quá trình đối thoại này, bởi dù muốn dù không, duy trì cục diện bán đảo Triều Tiên như hiện tại là lợi ích an ninh chiến lược của cả Bắc Kinh lẫn Moscow.

Tuy nhiên nếu để nhà lãnh đạo Kim Jong-un đi quá đà trong việc phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân ép Mỹ vào thế phải phản ứng, lợi ích của cả Trung Quốc và Nga sẽ đều bị đe dọa.

Cục diện bán đảo Triều Tiên ngày nay là sản phẩm, hệ quả của Chiến tranh Lạnh, xung đột lợi ích chiến lược và ý thức hệ giữa 3 siêu cường Mỹ - Trung - Nga.

Cũng giống như một số quốc gia, dân tộc trên thế giới từng là nạn nhân của các nước lớn, hy vọng 2 miền Triều Tiên củng cố được lòng tin, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy hợp tác và tự quyết vận mệnh dân tộc mình, nếu không sẽ khó tránh khỏi tiếp tục làm con cờ cho nước lớn đẩy qua đẩy lại.

Có điều, cuộc chơi giữa 2 "ông lớn" Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp diễn ở châu Á - Thái Bình Dương. Quả bóng xẹp đầu Bắc, có thể sẽ lại căng ở đầu Nam. Biển Đông năm 2018 vì thế có thể sẽ nóng hơn 2017. 

Tài liệu tham khảo:

[1]http://english.yonhapnews.co.kr/northkorea/2018/02/05/25/0401000000AEN20180205002551315F.html

[2]https://www.nytimes.com/2018/02/04/world/asia/korea-olympics.html

[3]https://www.reuters.com/article/us-olympics-2018-northkorea/north-koreas-ceremonial-leader-to-visit-south-korea-amid-hopes-for-high-level-talks-idUSKBN1FO0LB?il=0

Hồng Thủy