Việt Nam đang đứng giữa gánh nặng kép về dinh dưỡng

01/04/2017 17:26
Thùy Linh
(GDVN) - Bác sĩ Lê Thị Hải khẳng định, nước ta đang đứng giữa gánh nặng kép về dinh dưỡng, một bên là suy dinh dưỡng và một bên là thừa cân béo phì.

Ajinomoto đồng hành cùng chuyên mục sức khỏe 

Ngày 1/4, tại Hà Nội, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ngân hàng VietinBank, Tập đoàn Tân Hiệp Phát và Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm – Hà Nội) tổ chức hội thảo “Dinh dưỡng học đường: Những điều cần biết cẩm nang Bữa ăn tiêu chuẩn trong học đường”. 

Hội thảo nhận được sự quan tâm đông đảo của các bậc phụ huynh và thầy cô trên địa bàn Thủ đô tới tham dự. 

Toàn cảnh hội thảo “Dinh dưỡng học đường: Những điều cần biết cẩm nang Bữa ăn tiêu chuẩn trong học đường”. ảnh: Hoàng Lực.
Toàn cảnh hội thảo “Dinh dưỡng học đường: Những điều cần biết cẩm nang Bữa ăn tiêu chuẩn trong học đường”. ảnh: Hoàng Lực.

Phát biểu mở đầu hội thảo, Nhà báo Đào Ngọc Tước – Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết: Đây là Hội thảo thứ 2 nằm trong Dự án “Vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng học đường” mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đang thực hiện. 

Trong hội thảo “Trường học nói không với thực phẩm bẩn” diễn ra vào ngày 25/3 trước đó, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết, khoảng thời gian giao mùa vào tháng 3 và tháng 10 hàng năm là thời gian hay xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm đặc biệt là số vụ ngộ độc thực phẩm tăng cao.

Mặc dù hiện nay, nhiều trường học đã công bố thực đơn bữa ăn hàng ngày của học sinh để phụ huynh và xã hội được biết, tuy nhiên, ở đâu đó trên cả nước mỗi ngày vẫn có những câu chuyện không hay liên quan đến vấn đề thức ăn của trẻ khi ở trường khiến các thầy cô và các bậc cha mẹ không khỏi lo lắng. 

Nhà báo Đào Ngọc Tước – Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. ảnh: Hoàng Lực.
Nhà báo Đào Ngọc Tước – Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. ảnh: Hoàng Lực.

Chính vì vậy, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức hội thảo này với mong muốn cung cấp tới thầy cô và các bậc phụ huynh cách xây dựng thực đơn tiêu chuẩn cho các bữa ăn ở trường và cách chọn thực phẩm”, ông Tước nhấn mạnh. 

Tại hội thảo, Bác sĩ Lê Thị Hải – Nguyên Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng quốc gia (Viện dinh dưỡng Quốc gia) đã công bố những con số “giật mình” về tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì trong độ tuổi mầm non và tiểu học hiện nay ở nước ta. 

Theo kinh nghiệm của một bác sĩ công tác tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia hơn 30 năm và là người thường xuyên xây dựng thực đơn cho trẻ, bà Hải khẳng định: “Nếu trước kia tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhiều thì hiện nay tỷ lệ trẻ béo phì nhiều hơn”.

Chống thực phẩm bẩn trong trường học.

Bà Hải cho rằng, nói về chế độ dinh dưỡng hiện nay thì xã hội cần phải nhắc tới cả vấn đề thiếu và thừa.

Theo báo cáo mới nhất (năm 2015) của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tình trạng suy dinh dưỡng có xu hướng ngày càng giảm nhưng mức độ giảm không nhiều đặc biệt tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên cả nước vẫn ở mức 24,6%.
 
Vậy còn tình trạng thừa cân béo phì thì sao?

Bác sĩ Hải cho biết, tỷ lệ trẻ thừa cân ở Hà Nội thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng là 5,3% trong khi đó tỷ lệ béo phì là 1,7%. 

Trong khi đó ở Thành phố Hồ Chí Minh, chiếm 30% số học sinh tiểu học bị thừa cân là béo phì. 

Điều này cho thấy, thực trạng dinh dưỡng không đồng đều giữa các địa phương, vùng miền và ở các thành phố lớn thì vấn đề về thừa cân béo phì là rất đáng lo ngại. 

Việt Nam đang đứng giữa gánh nặng kép về dinh dưỡng ảnh 3
Bác sĩ Lê Thị Hải – Nguyên giám đốc trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng quốc gia cung cấp những con số "giật mình". ảnh: Hoàng Lực.

Do đó, bác sĩ Lê Thị Hải nhấn mạnh: “Nước ta đang đứng giữa gánh nặng kép về dinh dưỡng, một bên là suy dinh dưỡng và một bên là thừa cân béo phì”. 

Vì vậy, bà Hải khuyên thầy cô và các bậc phụ huynh cách tốt nhất là ăn đa dạng thực phẩm trong ngày, tối thiểu 1 ngày ăn từ 15 loại thực phẩm trở lên. Đó chính là giải pháp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ.

Cách xây dựng thực đơn vừa đảm bảo vừa đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ

Cũng tại hội thảo, ông Daeffler Ludovic – Trưởng phòng vận hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cung cấp thực phẩm The Caterers cho biết, tiêu chí hàng đầu của công ty khi lên thực đơn cho trẻ đó là vấn đề đảm bảo sức khỏe và đầy đủ chất dinh dưỡng. 

Về mặt chất lượng: Công ty luôn đưa ra thực đơn cân bằng đủ 5 nhóm dinh dưỡng như chất bột; đạm; béo; xơ, vitamin và khoáng chất.
 
Về phương pháp chế biến: Hạn chế các món ăn chiên rán, chế biến sẵn, đồ ăn nhanh. 

Ông Daeffler Ludovic lý giải: “Trẻ em rất thích những món ăn nhanh. Dù vậy thực đơn hàng ngày của công ty xây dựng luôn hạn chế những món ăn ấy vì chúng tôi thấy nó không tốt cho sức khỏe của trẻ". 

Về năng lượng: Thực đơn của công ty phải đảm bảo năng lượng cho trẻ phát triển thông qua 3-4 bữa ăn/ngày. 

Đại diện đơn vị đồng hành cùng hội thảo này, ông Nguyễn Phan Huy Khôi – Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Tân Hiệp Phát cung cấp thông tin:

Theo khảo sát của tập đoàn, trong thời gian từ 01/06/2016 - 22/03/2017, lượng thảo luận về ngành thực phẩm chiếm 15% trong tổng thảo luận về 7 nhóm ngành (giải trí, công nghệ, thực phẩm, thời trang may mặc, y tế, tài chính ngân hàng, bất động sản) trên mạng xã hội. 

Trong đó, các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm trở thành chủ đề được thảo luận nhiều trên các bản tin truyền hình/ trang tin/ mạng xã hội trong dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán. 

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi – Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Tân Hiệp Phát phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Lực.
Ông Nguyễn Phan Huy Khôi – Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Tân Hiệp Phát phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Lực.

Theo ông Khôi, hiện nay ngoài việc quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng, thành phần sản phẩm thì mọi người còn rất chú ý tới nguồn gốc (mua ở đâu, vị trí, giá cả, hạn sử dụng…) của thực phẩm đó.
 
Được biết, hiện Tập đoàn Tân Hiệp Phát đang sử dụng công nghệ Aseptic - công nghệ đầu tiên tạo ra sản phẩm hoàn toàn vô trùng với tiêu chuẩn 3 không: Không chất bảo quản, không màu công nghiệp, không chì nhằm tạo ra thực phẩm, chất uống vô trùng có giá trị dinh dưỡng tốt nhất cho sức khỏe.

Khẳng định vai trò quan trọng của an toàn thực phẩm đến uy tín, thương hiệu của Nhà trường, cô Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho rằng: “Chỉ cần cho trẻ ăn sai 1 lần thì các trường ngoài công lập như chúng tôi sẽ sập luôn”. 

Tại đây, cô Hiền đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế về chế độ dinh dưỡng học đường. 

Cô Hiền cho biết, cứ vào đầu năm học, nhà trường tiến hành kiểm tra sức khỏe học sinh toàn trường để từ đó đưa ra phân tích về tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng, tỷ lệ học sinh thừa cân béo phì để điều chỉnh thực đơn phù hợp. 

Các diễn giả đã mang đến nhiều thông tin bổ ích về bữa ăn dinh dưỡng, an toàn cho trẻ. ảnh: Hoàng Lực.
Các diễn giả đã mang đến nhiều thông tin bổ ích về bữa ăn dinh dưỡng, an toàn cho trẻ. ảnh: Hoàng Lực.

Ngoài ra, nhà trường cũng dựa trên chế độ dinh dưỡng của trẻ để xây dựng thực đơn.

Ví dụ, đối với trẻ suy dinh dưỡng thì cần tăng khẩu phần ăn thêm tinh bột, dầu ăn và uống sữa có đường. 

Còn đối với trẻ thừa cân – béo phì thì phải tăng khẩu phần ăn thêm rau, uống sữa không đường…

Thùy Linh