Bộ Nội vụ đang xem xét đưa một số điều của Đề án văn hóa công vụ vào dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chức và dự án Luật viên chức.
Trong đó có quy định, cán bộ công chức, viên chức "không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng".
Dù mới chỉ ở giai đoạn xem xét nghiên cứu đưa vào luật nhưng vấn đề trên đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, băn khoăn của dư luận.
Bởi thế nào là nịnh bợ, ranh giới giữa khen và nịnh bợ, lấy lòng không trong sáng là rất mong manh. Cấp dưới không nịnh sếp mà nịnh vợ, con sếp thì sao?
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Vietnamnet |
Đặc biệt nếu luật hóa, cấp dưới nịnh bợ cấp trên liệu người được nịnh bợ có sẵn lòng tố cáo vi phạm? Rất nhiều tình huống đặt ra từ ý tưởng luật hóa việc cấm nịnh bợ cấp trên.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nếu luật hóa được quy định cấm nịnh bợ, lấy lòng không trong sáng cấp trên thì quá tốt.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cũng thẳng thắn cho rằng: “Đã là quy định trong luật thì phải nghiên cứu thật kỹ để chế tài đặt ra phải thực thi được.
Nếu không, đưa vào luật quy định nhưng lúc thực thi lại kêu “khó quá không thực thi được” thì lại thành nhờn luật.
Nguy hiểm hơn nữa là nếu quy định không rõ ràng dễ thành tạo điều kiện cho những người cố tình bao che cho người vi phạm trước dư luận và công chúng. Lúc đó dễ thành phản tác dụng”, Tiến sĩ Chức nói.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh, tôi hoan nghênh ý tưởng này nhưng nó mới và quá khó khi việc định rõ hành vi thế nào là nịnh bợ, lấy lòng không trong sáng không hề đơn giản nên quá trình làm phải rất cân nhắc.
Đã quy định vào luật thì phải thực thi được, luật mà hiểu thế nào cũng được, thực thi kiểu tùy ý thì lại gây khó khăn thêm”.
Tiến sĩ Chức phân tích thêm, Chính phủ đã có đề án văn hóa công vụ. Các Bộ ngành có thể dựa vào đó để cụ thể hóa, hướng dẫn chi tiết thành các quy tắc ứng xử ở đơn vị mình.
Việc “nịnh bợ” cấp trên thuộc phạm trù văn hóa ứng xử.
Trong thực tế, các hành vi cấm nịnh bợ cấp trên phải được soi rõ cụ thể qua lời nói, hành động, qua việc ủng hộ chủ trương, ý kiến, cách thức làm ăn của cấp trên ra sao.
Nếu không minh bạch được các hành vi đó thì rất khó có căn cứ để “định tội, lượng hình”.
“Theo tôi, việc ủng hộ đó phải trên cơ sở hiểu biết, đồng tình với chủ trương đúng đắn. Cấp dưới mà thấy sai không ý kiến, thấy sai vẫn ca ngợi đó là nịnh bợ. Nó phải rõ ràng.
Rồi xét đến trong sinh hoạt, quà cáp, tiền bạc…nịnh bợ cấp trên phải được cụ thể bằng hành vi, hành động, lời nói như thế nào thì xếp vào "nịnh bợ" cấp trên.
Nếu chúng ta luận rõ được thì mới đưa vào luật, nhưng điều này không hề dễ”, Tiến sĩ Chức nhận định.
Theo ông, văn hóa công vụ được Chính phủ, Bộ Nội vụ quan tâm là tốt.
Tính toán đưa quy định cấm nịnh cấp trên vào Luật Cán bộ công chức |
“Xét đến cùng, thực ra cán bộ hỏng chính là ở gốc văn hóa.
Văn hóa nịnh bợ cấp trên làm cho cấp trên không nhìn thấy được khuyết điểm của họ.
Nịnh bợ cấp trên làm cho cấp trên ra các quyết định sai trái mà không biết.
Tuy nhiên, bây giờ muốn quy định cho hết theo kiểu liệt kê các hành vi nịnh bợ, từ thái độ, ứng xử, lời nói, chuyện quà cáp, biếu xén thực tế là rất khó.
Quan trọng nhất là cần phải đào tạo giáo dục công chức, viên chức đủ năng lực, đủ tự tin tự trọng.
Lãnh đạo đủ tâm đủ tầm thì những kẻ nịnh bợ, không có năng lực cũng khó có đất sống”, Tiến sĩ Chức đưa ra nhận định.