Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ ngày 9/5, báo chí quan tâm về đề án công vụ và hành vi thế nào là “nịnh bợ” cấp trên vì mục đích không trong sáng? Việc luật hóa quy định này được thực hiện ra sao?
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Bộ Nội vụ được giao làm đề án và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, đồng thời nắm bắt tinh thần văn hóa công vụ một số nước.
Quang cảnh buổi họp báo ngày 9/5 (ảnh Trinh Phúc). |
Trong đề án đã đưa ra kế hoạch rất chặt chẽ, từ mục đích, yêu cầu, đến phân công nội dung cho các bộ, ngành. Qua việc tổ chức các cuộc hội thảo, xem việc áp dụng văn hóa công vụ ở phạm vi nào, nội dung ra sao.
Theo ông Thừa: “Lúc đầu ý tưởng chỉ nằm trong khối nhà nước, nhưng bên Đảng nói cần nhân rộng ra, vì đạo đức công vụ là yêu cầu quyết định.
Chúng ta đã có đề án văn hóa công sở, giờ có thêm văn hóa công vụ.
Như vậy sẽ đánh giá hết sức toàn diện cán bộ công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Sau khi thống nhất đã đề nghị áp dụng toàn diện trong hệ thống chính trị hiện nay”.
Cũng theo ông Thừa, cũng có một số ý kiến nói phải đưa vào luật. Ban soạn thảo cũng đang tính đưa vào, tuy nhiên vấn đề này vẫn đang được cấp có thẩm quyền xem xét.
Theo đó trong tháng 5 này, khi bàn về việc sửa Luật Cán bộ công chức và Luật viên chức, Quốc hội sẽ cho ý kiến việc này.