"Ngày ấy, già trẻ gái trai đều chung một lòng đánh giặc"

15/12/2016 08:41
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh” là mục đích, tính chất và đường lối chung của Đảng ta trong chỉ đạo toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ngày 22/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến vạch rõ mục đích, tính chất và đường lối chung chỉ đạo toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp là: "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh". 

Cùng với Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946, chỉ thị lịch sử này của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã vạch hướng chỉ đường, động viên, cổ vũ mạnh mẽ quân và dân ta ở Thủ đô và cả nước vùng lên đánh quân xâm lược Pháp, phát huy chiến thắng oanh liệt trong những ngày mở đầu kháng chiến, bền gan, vững chí, kiên quyết chiến đấu đến toàn thắng.

Một cảnh tập luyện trong kháng chiến. Ảnh tư liệu
Một cảnh tập luyện trong kháng chiến. Ảnh tư liệu

Từ tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng sớm vạch ra những vấn đề cơ bản về đường lối để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược.

Kháng chiến toàn dân
: Là nội dung cơ bản của chiến tranh nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, là quan điểm quân sự xuyên suốt của mọi chủ trương và là tư tưởng của mọi kế hoạch tác chiến và xây dựng lực lượng. 

Với tính chất cuộc chiến tranh của ta là cuộc chiến tranh nhân dân, nghĩa là không phân biệt già trẻ, trai gái, dân tộc, tôn giáo... đã là người Việt Nam thì đều đứng lên đánh đuổi kẻ thù bằng mọi vũ khí, mọi lực lượng để bảo vệ quê hương, làng xóm và bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Kháng chiến toàn diện: Là kháng chiến cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa và ngoại giao mà trung tâm là sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, lấy đấu tranh vũ trang làm hình thức đấu tranh chủ yếu và có tác động đến các mặt đấu tranh khác.

Về chính trị
, đoàn kết toàn dân, huy động nhân lực, vật lực và tài lực của toàn bộ đất nước từ Nam chí Bắc cho cuộc kháng chiến.

Bên cạnh đó, phải đoàn kết với hai dân tộc Lào và Cam-pu-chia trên bán đảo Đông Dương cũng như các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới nhằm tạo ra ưu thế tuyệt đối và cô lập hóa kẻ thù.

"Ngày ấy, già trẻ gái trai đều chung một lòng đánh giặc" ảnh 2

Hà Nội mùa đông năm 1946

Về quân sự, triệt để dùng chiến thuật du kích, đánh địch trên mọi địa hình, tạo ra thế liên hoàn và rộng khắp.

Thực hành phá hoại địch một cách triệt để, tổ chức di chuyển cơ quan, kho tàng, tài sản, máy móc đến nơi an toàn; di tản nhân dân ra khỏi các vùng có chiến sự; vừa đánh địch, vừa xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. 

Tư tưởng chiến lược xuyên suốt của cuộc kháng chiến là tư tưởng tiến công, thực hành tiến công chiến dịch một cách chủ động, tích cực và kiên quyết, tiến công từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao.

Về kinh tế, toàn dân tăng gia sản xuất tự cấp, tự túc, tự sản xuất vũ khí để đánh giặc, tiếp tế cho bộ đội, xây dựng kinh tế của ta theo hướng "vừa kháng chiến vừa kiến quốc", ra sức phá hoại kinh tế của địch, biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta, không cho chúng thực hiện chiến thuật "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh".

Về văn hóa, đánh đổ nền văn hóa ngu dân, nô dịch và xâm lược, xóa nạn mù chữ, xây dựng nền văn hóa mới, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; động viên và tổ chức giới văn nghệ sĩ trực tiếp tham gia và ủng hộ kháng chiến.

Kháng chiến lâu dài
: Với tư tưởng chiến lược nhất quán là tư tưởng tiến công, là chiến lược của chiến tranh nhân dân Việt Nam nhằm đánh thắng kẻ thù lớn mạnh có ưu thế về kinh tế và quân sự, vừa đánh vừa bồi dưỡng sức dân, vừa đánh vừa chuyển hóa lực lượng so sánh giữa ta và địch. 

Đồng thời, lợi dụng những chuyển biến của tình hình thế giới có lợi cho cuộc kháng chiến, từng bước đánh bại các kế hoạch của địch để tiến tới giành thắng lợi cuối cùng.

Tự lực cánh sinh
: Kế thừa truyền thống của tổ tiên trong việc dùng nguyên lý "lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân để thay cường bạo" (Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo). 

Trong điều kiện mới, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết vận dụng những nguyên lý đó với sức mạnh của thời đại một cách tài tình và sáng tạo vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Đó chính là tư tưởng "lấy sức ta mà giải phóng cho ta". 

Để nhân dân hiểu rõ hơn về đường lối kháng chiến của ta, trong bài "Hỏi và trả lời" ngày 23/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

"1. Có người hỏi: Kháng chiến sẽ bao giờ thắng lợi?

"Ngày ấy, già trẻ gái trai đều chung một lòng đánh giặc" ảnh 3

Tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" và lời kêu gọi kháng chiến của Hồ Chủ tịch

Tôi trả lời: Giồng (trồng) khoai 3 tháng mới có củ, giồng lúa 4 tháng mới được ăn.

Giồng tự do độc lập, ít nhất cũng phải 1 năm, hoặc 5, 7 tháng.

Thử xem Trung Quốc kháng chiến 8 năm mới thắng lợi. Nam Dương kháng chiến 2 năm chưa thành công.

Pháp cướp nước ta hơn 80 năm. Nếu ta cần phải kháng chiến 4 năm mà được hoàn toàn tự do độc lập thì cũng sướng lắm rồi.

Chiến tranh mới bắt đầu mà bên Pháp đã ó lên: "Phải mau mau giải quyết".

Muốn trị lửa phải dùng nước. Địch muốn tốc chiến, tốc thắng. Ta lấy trường kỳ kháng chiến trị nó, thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng.

2. Có người hỏi: Toàn dân kháng chiến là thế nào?

Tôi trả lời: Toàn dân kháng chiến nghĩa là toàn cả dân, ai cũng đánh giặc. Bất kỳ đàn ông đàn bà, người già con trẻ, ai cũng tham gia kháng chiến.

Tổ quốc là Tổ quốc chung. Tổ quốc độc lập thì ai cũng được tự do. Nếu mất nước thì ai cũng phải làm nô lệ. Các chú bác muốn làm nô lệ không? Không! Anh chị em muốn làm nô lệ không? Không! Các em bé muốn làm nô lệ không? Nhất định không. Vậy thì ai cũng phải kháng chiến.

Có người lo lắng: Mình không có tài, sức lại yếu, không có súng, không biết bắn, thì tham gia kháng chiến thế nào? Tưởng như vậy là sai. 

Tôi nói một cái thí dụ rõ rệt cho bà con nghe: các chị em cô đầu có súng đâu, biết bắn đâu.

Thế mà khi bộ đội lo đánh giặc thì chị em người lo nấu cơm nấu nước, người giúp chuyên chở đạn dược, người thì băng bó săn sóc cho anh em bị thương.

Thế là chị em cũng cùng tham gia kháng chiến, cũng làm tròn nghĩa vụ quốc dân.

Dân ta phải giữ nước ta
Dân là con nước, nước là mẹ chung.

"Ngày ấy, già trẻ gái trai đều chung một lòng đánh giặc" ảnh 4

Độc lập, tự do - khát vọng ngàn đời của người dân đất Việt

3. Có người hỏi: Chiến sĩ đánh trước mặt trận, đồng bào ở hậu phương nên làm việc gì?

Trả lời: Chiến sĩ hy sinh xương máu để giữ đất nước. Bụng có no, thân có ấm mới đánh được giặc.

Làm ra gạo thóc cho chiến sĩ ăn, làm ra vải vóc cho chiến sĩ mặc. Đều nhờ nơi đồng bào ở hậu phương.

Muốn giúp cho chiến sĩ ăn mặc đầy đủ thì phải ra sức tăng gia sản xuất, nuôi nhiều gà, vịt, lợn, bò, giồng nhiều lúa, khoai, ngô, đậu. Hậu phương thắng lợi thì chắc tiền phương thắng lợi.

Thế là đồng bào hậu phương cũng ra sức tham gia kháng chiến.

Tiền phương chiến sĩ hy sinh,
Đem xương máu mình, giữ nước non ta,
Hậu phương sản xuất tăng gia
Cũng là kháng chiến, cũng là vẻ vang
".

(Bút tích lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam - Dẫn theo "Mở đầu toàn quốc kháng chiến", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2006, trang 539-541).

Với việc sớm đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập và tự chủ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa lãnh đạo, giáo dục, động viên toàn dân ta biến quyết tâm đó thành hiện thực sinh động, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam. 

Đường lối đó là cơ sở vững chắc, tạo nên sức mạnh to lớn để đánh thắng giặc Pháp xâm lược.

Mặt khác, dưới ánh sáng của đường lối kháng chiến, nhân dân Việt Nam kết thành một khối thống nhất và ra sức phát huy sức mạnh toàn dân tộc để tiến công thực dân Pháp ngay khi chúng nổ súng tái xâm lược nước ta.

Sau 70 năm mở đầu Toàn quốc kháng chiến, những chủ trương, đường lối lãnh đạo kháng chiến, những đối sách trong quan hệ ngoại giao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân cả nước đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị thiết thực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

* Tài liệu tham khảo
:
- "Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954", Tập I, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 1994.
- "Mở đầu Toàn quốc kháng chiến", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2006.
- "Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam", Tập 7, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh - 2008.

Đại tá Đặng Việt Thủy