Câu chuyện lương giáo viên trở thành chủ đề nóng bên hành lang kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14. Nhiều đại biểu có ý kiến cần nâng lương cho đội ngũ nhà giáo để tạo động lực cho công cuộc đổi mới giáo dục.
Tuy nhiên, cũng có đại biểu nhìn nhận vấn đề tiền lương của giáo viên cũng phải phù hợp với mức thụ hưởng chung của đại đa số nhân dân.
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (ảnh Trinh Phúc). |
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội cho rằng: “Hiện nay lương giáo viên, trong đó có lương giáo viên mầm non, mẫu giáo đã có bảng lương công chức quy định.
Nếu như được tuyển vào hệ thống công chức của nhà nước, của ngành giáo dục, hệ số lương của các cô giáo mầm non không phải là thấp”.
Nhiều đại biểu đề nghị cải cách tiền lương cho giáo viên để đổi mới giáo dục |
Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi: “Nếu thấp chỉ là những cô giáo mầm non giảng dạy trước năm 1995. Đó là các trường hợp dạy theo hợp đồng, tự nguyện, được hưởng phụ cấp bằng gạo, ngô, trợ cấp chứ không phải theo lương.
Còn nếu theo bảng lương là lương giáo viên mầm non mẫu giáo hiện đã cải cách rất là tốt. Giáo viên mầm non, mẫu giáo vùng sâu, vùng cao, lương các cô 5 – 7 triệu đồng/tháng đâu phải là thấp.
Thấp là do quá khứ trước đây. Do đó, vấn đề hiện nay phải cần xử lý tiền lương theo các thế hệ sao cho hợp lý.
Quốc hội đã có Nghị Quyết ở cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, những người như giáo viên mầm non về hưu, lương thấp hơn lương cơ sở thì được hưởng bằng lương cơ sở.
Đó là chính sách chia sẻ tiền lương thế hệ sau này với thế hệ quá khứ để đỡ khó khăn cho người về hưu”.
Đại biểu của đoàn Thanh Hóa cho biết thêm: “Giáo viên mầm non mẫu giáo hoạt động trong hệ thống giáo dục quốc dân, thì phải được hưởng bảng lương của nhà nước. Nếu áp được như vậy thì giáo viên mẫu giáo được thuận lợi.
Ví như cô giáo Trương Thị Lan (Trường mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), khi chưa về hưu chị hưởng 5,2 triệu nhưng khi về hưu còn được hưởng lương 1,3 triều. Vì cô Lan có quá dài thời gian đóng bảo hiểm ở mức lương cơ sở 120 nghìn đồng/tháng.
Cũng về lương hưu, nông dân Nghệ An đóng bảo hiểm tự nguyện có 10 nghìn đồng/tháng khi về nghỉ hưu được 250 nghìn, nhà nước phải bù vào 250 nghìn nữa mới được 500 nghìn. Nguyên tắc tiền lương như vậy, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.
Chúng ta nhìn rộng ra hàng triệu triệu nông dân không được hưởng lương bảo hiểm xã hội, đến 80 tuổi mới được hưởng phụ cấp 280 nghìn đồng/tháng, chúng ta có thấy xót xa không? Thấp quá!”.
Bộ trưởng Nhạ đang thuyết phục các bộ ngành cải thiện mức lương cho thầy cô |
Từ câu chuyện lương giáo viên mầm non, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: “Vấn đề nhà nước sau này phải nghĩ ra được cái sàn an sinh xã hội.
Cái sàn tiền lương đó phải đủ sống, để ai cũng đạt mức lương đủ sống thì đó mới công bằng.
Sắp tới, chúng ta phải cải cách chính sách tiền lương và hội nghị Trung ương 7 của Đảng sẽ bàn vấn đề này.
Muốn cải cách được trước hết phải cải cách bộ máy, chuẩn bị nguồn lực, có lộ trình, có bước đi. Để đạt đến đỉnh cao như vậy cần phải có thời gian”.