Gần đây, trên phương tiện thông tin đại chúng rộ lên việc Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng đề xuất cải tạo xây dựng một phần khách sạn Thắng Lợi lên 36 tầng và đổi tên thành Hilton Hà Nội Westlake.
Nhiều người ngỡ ngàng trước việc ai, cơ quan nào đã “ban” khách sạn Thắng Lợi cho tư nhân?
Khách sạn Thắng Lợi. Ảnh: Báo Xây dựng |
Khách sạn Thắng Lợi là món quà của Chủ tịch Phidelcastro, Đảng Cộng sản và nhân dân Cu Ba dành tặng cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vào những năm 70 của thập kỷ trước.
Khi đó cả đất nước ta đang tiến hành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Công trình tượng trưng cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam – Cu Ba.
Chỉ thế thôi thì khách sạn Thắng Lợi đã là một công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa cần được lưu giữ và bảo vệ.
Đây còn là một công trình do ông Quintana - kiến trúc sư nổi tiếng của Cu Ba và Châu Mỹ La Tinh thiết kế nhưng mang đậm nét văn hóa Việt Nam, làm giàu cảnh quan Tây Hồ - Hòn ngọc cuối cùng của Hà Nội ngàn năm văn hiến đang nguy cơ bị tàn phá.
Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương đúng đắn, song trong quá trình thực hiện do thiếu kiểm tra giám sát, buông lỏng quản lý đã dẫn đến Nhà nước thua thiệt quá nhiều.
Biết bao tài sản là nhà cửa, công sở, nhà máy, ruộng vườn, những mảnh đất vàng trong đô thị… đã được chuyển về tay một số nhóm người một cách hợp pháp mà chúng ta xác minh làm rõ thu hồi trả lại cho nhân dân.
Chúng ta không đến nỗi quá nghèo mà phải bán “như cho” một công trình có giá trị văn hóa và lịch sử - biểu tượng của tình hữu nghị hai dân tộc Việt Nam - Cuba như khách sạn Thắng Lợi.
Cứ đà này một lúc nào đó thì quần thể Nhà hát lớn Hà Nội, khách sạn Hillton và một số công trình có giá trị lịch sử còn xót lại tại Hà Nội cũng sẽ được đem bán cho một ai đó.
Và một ngày nào đó cũng có loại văn bản tương tự xin đập phá toàn bộ để xây một công trình cao vài trăm mét, kinh doanh có lãi và họ cũng lí giải “đây là điểm nhấn đô thị”, một sự lạm dụng ngôn ngữ kiến trúc không thể tha thứ.
Trong khi một số Bộ, Ngành còn đang tu bổ, xây dựng những công trình mới để làm nhà khách; hệ thống Nhà khách Chính phủ tại Hà Nội cũng xuống cấp nghiêm trọng thì thiết nghĩ việc giữ lại khách sạn Thắng Lợi là rất cần thiết.
Vị trí khách sạn này đáp ứng được nhiều yêu cầu về nghỉ ngơi, tham quan du lịch, giới thiệu văn hóa Hà Nội nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung cho khách từ tất cả các quốc gia trên thế giới đến làm việc với Việt Nam.
Đồng thời chúng ta còn cơ hội bảo tồn, nâng cấp và gìn giữ được công trình mang tính lịch sử này.
Câu chuyện tưởng nhỏ nhưng thiết nghĩ những Bộ, ngành có trách nhiệm trong vấn đề này không thể làm ngơ.
Cần phải sớm có ý kiến báo cáo Chính phủ xem lại tổ chức, cá nhân nào đã bán công trình này, đồng thời họ phải bàn bạc với đối tác nhằm giữ lại khách sạn Thắng Lợi, để khách sạn thực hiện đúng chức năng vốn có từ ban đầu khi xây dựng đó là nhà khách Chính phủ.
Đây là một phương án sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trước mắt và lâu dài đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân.
Lại nói về việc điều chỉnh quy hoạch, nâng một phần khách sạn lên 36 tầng mục tiêu công trình là trung tâm thương mại, khách sạn, nhà ở… thiết nghĩ lãnh đạo Hà Nội không cần thiết phải ra những loại văn bản này, tiếp tục tạo ra cơ chế xin cho trong việc điều chỉnh quy hoạch mà nhiều năm qua chính quyền thành phố vẫn thường làm và hậu quả là Hà Nội bị “băm nát” như hiện nay.
Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội là cơ quan “tối cao” trong việc kiểm soát, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt và phải có trách nhiệm trả lời cho chủ đầu tư theo quy hoạch đã duyệt.
Tất nhiên trong những trường hợp cần thiết phải điều chỉnh hoặc xin ý kiến để điều chỉnh thì việc đó phải có lợi cho cộng đồng, không phá vỡ cảnh quan khu vực và được đa số cộng đồng ủng hộ, không gây nên những bức xúc như những trường hợp này và nhiều trường hợp điều chỉnh quy hoạch tương tự.
Công ty do cha quản lý chỉ định thầu trái quy định cho công ty con trai |
Trở lại việc xin cải tạo xây dựng khách sạn Thắng Lợi, đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1258/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 và tiếp đó Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị quanh Hồ Tây (A6) tại Quyết định 4172/QĐ-Uỷ ban nhân dân ngày 8/8/2014.
Một nguyên tắc xuyên suốt trong quy hoạch là khu vực này phải bảo vệ không gian mặt nước Hồ Tây, công trình xây dựng có chiều cao thấp dần về phía Hồ Tây… như vậy với chiều cao xin điều chỉnh 36m và thậm chí thấp hơn đều trái với quy hoạch đã được duyệt.
Mặt khác, với công trình xây dựng mới này sẽ làm biến dạng mặt bằng tổng thể khách sạn Thắng Lợi đã được nghiên cứu thiết kế một cách thấu đáo, dù rằng công trình đó chỉ cao thêm vài tầng so với khách sạn hiện nay.
Nếu công trình này được điều chỉnh thì không lâu sau theo tiền lệ các khối nhà khác của khách sạn cũng sẽ từ từ biến mất giành chỗ cho những cao ốc như đề xuất tương tự của chủ đầu tư.
Hà Nội hiện nay về cơ bản những mảnh “đất vàng” đã hết, có lẽ Hồ Tây và vùng đất xung quanh Hồ Tây là vùng “đất thiêng” còn lại tới nay.
Ngoài việc khách sạn Thắng Lợi cần phải được trả lại tên, sử dụng đúng mục đích ban đầu còn cần được tôn tạo, tu bổ như những di tích văn hóa xếp hạng và các công trình khác cũng phải tuân thủ theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Việc đồng tình nâng cấp cải tạo khách sạn Thắng lợi là đồng nghĩa với việc xóa đi một công trình có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc như đã nêu trên, mặt khác nó sẽ tạo ra một tiền lệ để xuất hiện nhiều công trình cao tầng khác tạo thành hàng rào xung quanh mặt nước Hồ Tây.
Với cách xử lý và quản lý môi trường thiếu đồng bộ như hiện nay ai dám chắc Hồ Tây không trở thành “ao” chứa nước thải?
Chúng tôi cho rằng, một số Bộ, ngành có trách nhiệm về vấn đề này cần sớm nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có ứng xử một cách phù hợp đối với việc xây dựng khách sạn Thắng Lợi do chủ đầu tư tư nhân đề xuất.