Máy bay không gian không người lái X-37B Không quân Mỹ |
Tờ “Nhân Dân nhật báo” Trung Quốc đã có bài viết bày tỏ lo ngại, quỹ đạo hoạt động và góc chếch quỹ đạo của máy bay không gian không người lái X-37B của Mỹ gần giống với phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 1 của Trung Quốc; đồng thời phỏng đoán, Mỹ phóng X-37B là có ý đồ “nhằm vào Trung Quốc”.
Ngay sau đó, tờ “Tân Kinh báo” Trung Quốc cũng đã có bài viết bổ sung, được Tân Hoa xã đăng lại ngày 13/1/2012. Bài báo cho rằng, X-37B có thể triển khai lâu dài trong vũ trụ. Một khi quân Mỹ xác định khu vực châu Á-Thái Bình Dương là chiến trường, X-37B có thể ra tay/tấn công đối với vệ tinh, tàu vũ trụ, thậm chí trạm không gian của nước khác. X-37B được phóng lên tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận đối với “vũ khí chống vệ tinh” – một chủ đề nhạy cảm.
X-37B có thể “bắt cóc” vệ tinh của đối phương
Cựu Tổng thống Mỹ Kennedy từng nói, “ai kiểm soát được vũ trụ, người đó sẽ kiểm soát được Trái đất”. Hiện nay, về việc nghiên cứu phát triển vũ khí chống vệ tinh, Mỹ và Nga đang đi đầu trên thế giới.
Những năm gần đây, Mỹ có các động thái liên tiếp về nghiên cứu phát triển vũ khí chống vệ tinh. Ngoài việc phát triển vũ khí laser và hệ thống phòng thủ tên lửa, máy bay chiến đấu không gian X-37B do Không quân Mỹ và hãng Boeing hợp tác nghiên cứu chế tạo đã được dư luận quan tâm nhất.
Hình ảnh X-37B được tờ "Tân Kinh báo" Trung Quốc vẽ |
Với tính chất là vũ khí chống vệ tinh tiên tiến nhất hiện nay của Mỹ, máy bay chiến đấu không gian X-37B đã tích hợp các công nghệ đỉnh cao nhất của hãng Boeing. Loại máy bay không gian này có thể tích chỉ bằng 1/4 tàu con thoi hiện có của Mỹ, trọng lượng cất cánh hơn 5 tấn, khi máy bay giảm tốc độ rời khỏi vũ trụ, có thể sử dụng đường băng của căn cứ không quân Vandenberg để hạ cánh.
Trên quỹ đạo, X-37B có thể tiến hành các công việc như thu thập tin tức tình báo, phóng vệ tinh nhỏ, kiểm tra thiết bị vũ trụ.
X-37B không những có các ưu điểm như tốc độ bay nhanh, thời gian ở lại trên không dài, chi phí phóng thấp, mà còn có tiềm năng do thám và tấn công mạnh, được các nhà quan sát quân sự gọi là “hình thức ban đầu của máy bay chiến đấu không gian”.
X-37B có thể mang theo nhiều thiết bị trinh sát/do thám, từ trên cao tiến hành do thám đối với các mục tiêu trên biển, trên đất liền, trên không và các mục tiêu trong không gian vũ trụ, đồng thời truyền những thông tin thu thập được về cho các đơn vị tác chiến theo thời gian thực.
Điều quan trọng hơn là, nó còn có thể thực hiện các loại nhiệm vụ quân sự như đánh chặn, trinh sát/do thám và ném bom/oanh tạc, trở thành vũ khí không gian rất có uy lực.
Phòng thí nghiệm/trạm Thiên Cung 1 của Trung Quốc |
Do áp dụng mô hình tự chủ điều khiển và dẫn đường, X-37B có thể triển khai lâu dài ở vũ trụ. Một khi quân Mỹ định vị khu vực châu Á-Thái Bình Dương là chiến trường, X-37B có thể tiến hành ra tay/tấn công đối với vệ tinh, tàu vũ trụ thậm chí trạm vũ trụ của nước khác.
Nếu được trang bị người máy/robot đơn giản, X-37B có thể sẽ “đóng gói” vệ tinh của nước khác để đem về Mỹ. Do không phải cân nhắc bố cục khí động học, X-37B có thể chở hoặc treo nhiều loại vũ khí; khi được trang bị tên lửa, X-37B còn trở thành máy bay chiến đấu vũ trụ mẫu mực, có thể đe dọa tàu vũ trụ và thiết bị/phương thiện không gian của nước khác.
Nga giỏi sử dụng vệ tinh để chống vệ tinh
Liên Xô là một trong những nước phát triển vũ khí chống vệ tinh sớm nhất thế giới. Ngay từ năm 1961, Liên Xô đã thành lập Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian, chống vệ tinh được xác định là nhiệm vụ chủ yếu của phòng thủ không gian.
Ban đầu, Liên Xô hy vọng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa có tính năng cao để làm vũ khí chống vệ tinh, nhưng do tính hạn chế của đầu đạn hạt nhân (với tính chất là vũ khí chống vệ tinh) ngày càng rõ ràng, Liên Xô chuyển trọng điểm nghiên cứu phát triển vào vệ tinh.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã kế thừa hầu hết sức mạnh quân sự, đồng thời cũng kế thừa di sản vũ khí chống vệ tinh của Liên Xô.
Chương trình phòng thủ không gian của Liên Xô cũ |
Trên nền tảng vũ khí chống vệ tinh kiểu “cùng quỹ đạo” của Liên Xô, những năm gần đây, Nga đã nghiên cứu chế tạo được công nghệ sử dụng vệ tinh làm vũ khí chống vệ tinh, như vệ tinh trinh sát/do thám quang học được Nga phóng trong những năm gần đây. Theo giới thiệu của “Mạng sức mạnh hạt nhân chiến lược Nga”, loại vệ tinh trinh sát quang học này chủ yếu dùng để đánh chặn vệ tinh thông tin điện tử của kẻ thù.
Căn cứ vào chương trình hàng không vũ trụ 10 năm của Nga, vũ khí chống vệ tinh sẽ là đối tượng phát triển trọng điểm. Theo tờ “Quốc phòng Trung Quốc”, ngoài vũ khí chống vệ tinh kiểu cùng quỹ đạo và vũ khí chống vệ tinh năng lượng chùm tia, Nga cũng đã thiết kế các thủ đoạn tác chiến không gian khác như sau:
Trước hết, triển khai mìn không gian (vệ tinh sát thủ) ở gần quỹ đạo của vệ tinh Mỹ, khi tác chiến, thông qua tiếp nhận mệnh lệnh từ mặt đất, dùng phương pháp kích nổ thông thường để tiêu diệt vệ tinh.
Hai là, kích nổ trước trang bị hạt nhân ở trên bầu khí quyển, sinh ra phóng xạ hồng ngoại mạnh, làm cho các hệ thống như dò tìm, cảnh báo sớm và bộ cảm biến của tên lửa chống vệ tinh Mỹ mất tác dụng.
Máy bay không gian Nga |
Nhật Bản, Ấn Độ, Israel đua nhau phát triển vũ khí chống vệ tinh
Chi phí nghiên cứu chế tạo vũ khí chống vệ tinh tương đối thấp, nhưng lại có thể tấn công hệ thống hàng không vũ trụ cực kỳ đắt tiền của kẻ thù. Vì vậy, rất nhiều quốc gia có khả năng không gian tương đối yếu cũng đang ra sức nghiên cứu chế tạo vũ khí chống vệ tinh.
Theo các phương tiện truyền thông Mỹ, sau khi phóng chiếc vệ tinh nhân tạo đầu tiên Osumi 1 vào năm 1970 không lâu, Nhật Bản đã khởi động chương trình nghiên cứu vũ khí chống vệ tinh, chủ yếu là: sử dụng các thủ đoạn như dùng tia laser, sóng cực ngắn (vi ba) năng lượng cao hoặc vệ tinh (kiểu chống vệ tinh) để phá hủy vệ tinh của nước thù địch.
Về vũ khí “sóng cực ngắn năng lượng cao”, từ năm 2000, Nhật Bản đã lặng lẽ tiến hành những thử nghiệm này. Nguyên lý của nó là, phát ra sóng cực ngắn năng lượng cao vào tên lửa hoặc vệ tinh của kẻ thù, phá hủy linh kiện điện tử quan trọng của chúng, khiến cho tên lửa hoặc vệ tinh mất tác dụng. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã tiến hành nghiên cứu đối với việc sử dụng tên lửa thông thường chống vệ tinh, hy vọng xây dựng được một mạng lưới vũ khí chống vệ tinh hoàn thiện.
Quân đội Mỹ tìm cách chế tạo được vũ khí sóng cực ngắn (vi ba). |
Việc nghiên cứu và thực lực chống vệ tinh của Israel cũng thuộc hàng đầu thế giới. Năm 2005, Yuval Steinitz, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Các vấn đề ngoại giao của Quốc hội Israel đã công khai cho biết, Israel cần sở hữu vũ khí không gian có khả năng chống vệ tinh. Đây là lần đầu tiên Quân đội Israel công khai bày tỏ tìm kiếm vũ khí chống vệ tinh.
Đầu năm 2010, tại “Đại hội Khoa học Ấn Độ”, ông Saraswat, Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đưa phát triển vũ khí chống vệ tinh vào chương trình làm việc. Saraswat cho biết, Ấn Độ đang “nỗ lực bảo đảm an ninh vũ trụ, bảo vệ vệ tinh của chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng đang nỗ lực nghiên cứu biện pháp làm thế nào để ngăn chặn kẻ thù sử dụng tài sản vũ trụ của họ”.
Thông số kỹ thuật của máy bay chiến đấu không gian X-37B
Bài báo của “Tân Kinh báo” cũng đưa ra những thông số kỹ thuật của máy bay không gian không người lái X-37B của Mỹ như sau:
- Điều khiển: không người lái.
- Chiều dài: 8,9 m.
- Sải cánh: 4,6 m.
- Trọng lượng rỗng: 3,5 tấn.
- Trọng tải: 4.990 kg.
- Tốc độ trên quỹ đạo: 28.200 km/giờ.
- Thời gian bay trên quỹ đạo: dài nhất 270 ngày.
Các tính năng của máy bay không gian không người lái X-37B Mỹ |
- Thiết bị điện tử: X-37B có thể trang bị nhiều loại thiết bị gây nhiễu và trinh sát công suất lớn, có thể làm “mù lòa” radar đối phương.
- Khoang thử nghiệm: Khoang thử nghiệm có kích cỡ tương đương thùng xe tải, dài 2,13 m, đường kính 1,22 m, có thể chứa 227 kg thiết bị.
- Khoang nhiên liệu: X-37B có đủ nhiên liệu và pin, có thể ở trên quỹ đạo 270 ngày.
- Động cơ chính: Trang bị 1 động cơ tên lửa cỡ lớn, có thể tiến hành đổi tốc độ và cơ động khỏi quỹ đạo với tốc độ 1.126 km/giờ.
- Khả năng chống vệ tinh của X-37B:
(1) Tiến hành bay bám theo vệ tinh mục tiêu (tàu vũ trụ), thông qua cánh tay của người máy để “vồ” lấy vệ tinh, từ đó bắt vào.
(2) Thông qua phát sóng điện gây nhiễu để vệ tinh mục tiêu bị “mù”, không thể hoàn thành nhiệm vụ trinh sát/do thám.
(3) Phóng vũ khí laser hoặc tên lửa, trực tiếp phá hủy vệ tinh mục tiêu.
Sự bí ẩn của X-37B luôn thu hút sự phỏng đoán của dư luận! |
>> Hình ảnh mới nhất về siêu hạm USS Independence có thể có mặt ở Biển Đông
>> Sức mạnh siêu hạm đổ bộ Zurb của Hải quân Nga
>> Siêu hạm tuần duyên, bảo vệ chủ quyền USS Freedom của Hải quân Mỹ
>> Cận cảnh trực thăng tấn công AH-64 Apache của Lục quân Mỹ
>> Mãn nhãn với những hình ảnh siêu nét chụp tiêm kích F-35 của Mỹ
>> Thời báo Hoàn Cầu: Việt Nam đang đẩy nhanh xây dựng lực lượng hải quân
>> Thời báo Hoàn Cầu:Không tin Việt Nam có thể nâng cấp được xe tăng T-55
>> Su-30MK2 của Việt Nam lại xuất hiện trên báo Trung Quốc
>> Báo Trung Quốc đăng ảnh phi đội trực thăng EC-225 mới của Việt Nam
>> Báo Trung Quốc: Việt Nam có khả năng công, thủ mạnh nhất ĐNA