Ấn Độ và Trung Quốc từ lâu có mối quan hệ mang tính đối đầu, thậm chí có lúc bị đẩy lên căng thẳng bởi những tranh chấp lãnh thổ và ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực.
Sự trỗi dậy chưa từng có cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc cùng hành động leo thang trong các tranh chấp “chủ quyền”, cả trên đất liền và trên biển đang làm đảo lộn sự cân bằng địa chiến lược, điều mà Ấn Độ cũng như các nước trong khu vực đang vô cùng quan ngại.
Tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh trong khu vực
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sức mạnh của Hoa Kỳ có sự suy giảm tương đối, trong khi Trung Quốc không ngừng vươn lên mạnh mẽ và dần chiếm không gian địa chính trị của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á.
Kể từ đây, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách leo thang, đơn phương theo đuổi các tuyên bố chủ quyền bất chấp sự vô lý và phi pháp của tuyên bố ấy trên Biển Đông.
Bắc Kinh đã tiến hành bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo trên các đảo, bãi đá thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm bất hợp pháp vào các năm 1974 và 1988.
Tương tự, Trung Quốc cũng đã tạo ra căng thẳng trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền.
Rồi các hành động xây dựng đường xá ở cao nguyên Doklam (Bhutan) hồi giữa năm 2017 cũng đã tạo ra xung đột với Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: CNN) |
Bên cạnh đó, sự gia tăng hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Pakistan đã làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh đối với Ấn Độ.
Bởi Bắc Kinh đã hỗ trợ cho Pakistan sản xuất vũ khí hạt nhân và chế tạo tên lửa, đồng thời khuyến khích Pakistan tiến hành chính sách “bên miệng hố chiến tranh” với Ấn Độ.
Hơn nữa, việc Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ sáng kiến Vành đai Con đường nhằm thiết lập quyền lực mềm của Bắc Kinh đối với các nước tiếp nhận sáng kiến này và hình thành về một “Chuỗi ngọc trai” các cảng biển xung quanh Ấn Độ Dương đã khiến New Delhi vô cùng quan ngại.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tăng cường xây dựng lực lượng Hải quân mạnh hàng đầu thế giới để tạo lợi thế trong các tranh chấp ngoài biển khơi, kiểm soát các tuyến đường hàng hải và tiến tới trở thành một thế lực chi phối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Cùng với đó là việc Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti và được cho là đang xúc tiến xây dựng căn cứ hải quân ở Gwadar (Pakistan).
Động thái này khiến New Delhi không thể ngồi yên, vì cho rằng đây là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm bao vây Ấn Độ.
Ấn Độ tìm cách hóa giải thách thức, vòng vây từ Trung Quốc
Trước những động thái bành trướng của Bắc Kinh, Ấn Độ đã tiến hành thực thi hàng loạt các chính sách nhằm hóa giải áp lực, thách thức, vòng vây từ Trung Quốc.
Trước hết, Ấn Độ đang tự xây dựng nội lực mạnh mẽ thông qua các chính sách cải cách kinh tế và tăng cường sức mạnh quân sự để sẵn sàng đối phó với các thách thức từ Trung Quốc.
Trong những năm qua, Ấn Độ đã tạo ra sự phát triển vượt bậc về kinh tế khi tốc độ tăng trưởng luôn đạt khoảng 7% hàng năm.
Ấn Độ trở thành điểm sáng về kinh tế trên thế giới và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2018, thậm chí có thể vượt qua Trung Quốc vào năm 2025.
Cùng với đó, sức mạnh quân sự của Ấn Độ cũng đã được tăng cường đáng kể, trở thành quốc gia mua sắm vũ khí nhiều nhất thế giới trong 10 năm qua và hiện cũng đang tự đóng mới một tàu sân bay hiện đại.
Hiện tại, sức mạnh của lực lượng Lục quân Ấn Độ được cho là chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, còn sức mạnh của Hải quân và năng lực hạt nhân lần lượt được xếp thứ 5 và thứ 7 thế giới, trở thành một thế lực đáng gờm có thể tạo ra thách thức đối với mọi tham vọng của Trung Quốc.
Thứ hai, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ nhằm tạo ra sự thay đổi địa chính trị của New Delhi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Điều này được thể hiện ở việc Ấn Độ và Hoa Kỳ đã khai thông thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự có tổng trị giá 182 tỷ USD hồi năm 2015 sau hơn 6 năm bế tắc kể từ khi được ký kết vào năm 2008.
Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ trong tình thế đối đầu căng thẳng giữa hai nước (Ảnh: AP) |
Bênh cạnh đó, New Delhi và Washington cũng đã thúc đẩy nhiều lĩnh vực hợp tác khác đi vào chiều sâu, trong đó hợp tác quốc phòng được tăng cường đáng kể khi Hoa Kỳ nổi lên là một nhà cung cấp vũ khí và công nghệ quốc phòng lớn cho Ấn Độ.
Thứ ba, Ấn Độ đã phát triển quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn với các nước lớn khác trong khu vực như Nhật Bản, Australia dựa trên sự hội tụ các quan điểm về các mối đe dọa của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong các mối quan hệ này, thì sự viện trợ của Nhật Bản cho Ấn Độ và sự hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước được coi là đòn bẩy chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong những năm qua để trở thành một cường quốc kinh tế trong khu vực.
Ngoài ra, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang tăng cường các cuộc đàm phán để thúc đẩy việc chuyển giao các thiết bị và công nghệ quân sự nhằm nâng cao sức mạnh quốc phòng cũng như sự hợp tác phòng thủ chiến lược giữa hai nước nhằm đối phó với mọi thách thức từ Bắc Kinh.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Australia cũng đang ngày càng nồng ấm dựa trên những giá trị chung, khi hai bên đều nhận thấy họ cần có nhau để thúc đẩy an ninh và sự ổn định trong khu vực trước những thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Mặt khác, hiện tại giữa Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Austrlia cũng đang hướng tới hình thành một liên minh “tứ cực” nằm trong tầm nhìn về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, mở cửa” nhằm bảo vệ lợi ích an ninh trong khu vực.
Thứ tư, với chính sách “Hành động hướng Đông”, Ấn Độ đang ngày càng tăng cường quan hệ sâu hơn với các nước ASEAN - nơi mà hầu hết các nước trong khu vực đều có lợi ích liên quan ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tàu ngầm hạt nhân INS Chakra thể hiện sức mạnh đang gia tăng của Hải quân Ấn Độ (Ảnh: AP) |
Thực tế trong những năm qua, các thể chế an ninh lấy ASEAN làm trung tâm đã không giải quyết được các thách thức an ninh trong khu vực trước sự bành trướng của Trung Quốc.
Bởi lẽ, sự phụ thuộc lớn về kinh tế giữa các nước ASEAN vào Trung Quốc cùng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” mà Trung Quốc đang áp dụng đã khiến một số nước trong ASEAN không còn giữ được lập trường, khiến tính thống nhất trong ASEAN về các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị phá vỡ kể từ năm 2012.
Vì vậy, một sự kết nối sâu hơn giữa Ấn Độ và ASEAN cả về kinh tế, văn hóa và hợp tác quốc phòng sẽ mang lại nhiều giá trị chiến lược hơn cho cả Ấn Độ và các nước ASEAN trước những thách an ninh trong khu vực.
Tóm lại, trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, thế cân bằng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bị phá vỡ.
Hệ quả là các nước trong khu vực đang phải gánh chịu áp lực từ những căng thẳng, xung đột liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và địa chính trị mà Trung Quốc tạo ra.
Ấn Độ với tư cách là một nước lớn trong khu vực, lại luôn ở thế đối đầu với Trung Quốc trong hàng chục năm qua, đương nhiên sẽ không chịu để những thách thức từ Bắc Kinh đe dọa đến lợi ích an ninh của họ.
Vì vậy, việc Ấn Độ tìm kiếm và thực thi các chính sách để kiềm chế Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu và New Delhi đang cho thấy tính hiệu quả của những chính sách này.
Điều này sẽ buộc Bắc Kinh phải chấp nhận tính chất đa cực ở châu Á, qua đó thúc đẩy giảm nhiệt các căng thẳng và tranh chấp nhằm tiến tới khôi phục lại sự cân bằng địa chiến lược và ổn định trong khu vực.