Xe tăng T-90 của Lục quân Ấn Độ |
Tân Hoa xã ngày 21 tháng 2 dẫn tờ "The Times of India" Ấn Độ ngày 19 tháng 2 cho biết, xe tăng chiến đấu Ấn Độ - xe tăng T-90S do Nga chế tạo không có bất cứ thiết bị điều hòa nào.
Ngoài việc khiến cho binh sĩ không thoải mái, do ở lâu trong môi trường nhiệt độ cao và bụi bặm, hệ thống kiểm soát hỏa lực tiên tiến, dụng cụ ngắm chuẩn hình ảnh nhiệt và thiết bị phóng tên lửa trên xe tăng đều sẽ "thoái hóa".
Theo bài báo, Cơ quan kiểm toán và thanh tra Ấn Độ (CAG) ngày 18 tháng 2 trình lên Quốc hội Ấn Độ một bản báo cáo mới nhất.
Báo cáo phê bình Bộ Quốc phòng và Lục quân Ấn Độ ký với Nga thỏa thuận mua 657 xe tăng T-90S, trị giá 90,83 tỷ rupee (khoảng 1,46 tỷ USD) và đạt được một hợp đồng chuyển nhượng công nghệ tiếp tục sản xuất 1.000 xe tăng loại này tại nhà máy Avadi của Ấn Độ. Những thỏa thuận và hợp đồng này đều không cung cấp thiết bị điều hòa rất quan trọng.
Cơ quan kiểm toán và thanh tra Ấn Độ cho rằng: "Bộ Quốc phòng coi thường kiến nghị của Tiểu ban kiểm tra (năm 1999 đã kiểm tra những xe tăng này tại Nga), vào năm 2001 và năm 2007 đã mua những xe tăng không có điều hòa này, khiến cho bộ phận nhạy cảm của đơn vị tác chiến dễ bị thoái hóa".
Xe tăng chiến đấu T-90S của Lục quân Ấn Độ |
Theo bài báo, căn cứ vào một hợp đồng ký kết với Nga vào tháng 2 năm 2001, Ấn Dộ bỏ ra 40,87 tỷ rupee, đã đặt mua lô 310 xe tăng loại này đầu tiên.
Nhưng, khi vừa mới đưa vào sử dụng, lực lượng tác chiến T-90S đã gặp phải một số trở ngại nhỏ của hệ thống hình ảnh nhiệt và tên lửa.
Bài báo cho rằng, vào tháng 11 năm 2007, Ấn Độ tiếp tục đặt mua 347 xe tăng loại này, xe tăng do Ấn Độ sản xuất cũng bắt đầu được đưa ra ngay sau đó, Lục quân Ấn Độ đến nay đã trang bị 800 xe tăng loại này.
Tất cả xe tăng đều không có thiết bị điều hòa. Khi Bộ Quốc phòng và Lục quân Ấn Độ ý thức được nhu cầu cấp bách này thì đã muộn.
Một sĩ quan nói: "Những xe tăng này chủ yếu dự định dùng ở khu vực miền tây, nơi tiếp giáp với Pakistan. Nhiệt độ của sa mạc thậm chí có thể tăng mạnh tới 50 độ C. Chỉ huy xe tăng thông thường mở nắp khoang tháp pháo xe tăng".
Được biết, tháng 6 năm 2009, Ủy ban mua sắm quốc phòng do Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arakkaparambil Kurian Antony lãnh đạo đã phê chuẩn 5,97 tỷ rupee mua 1.657 điều hòa, trang bị trên tất cả xe tăng. Nhưng, kế hoạch này còn chưa được thực hiện.
Xe tăng T-90S và xe chiến đấu bộ binh BMP-2 của Lục quân Ấn Độ tập trận |
Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 16 tháng 12 năm 2013 cũng cho biết, Ấn Độ đặt mua 310 xe tăng T-90 từ năm 2001, lô xe tăng T-90 đầu tiên đã cung ứng cho Ấn Độ vào năm 2002.
Theo hợp đồng, xe tăng T-90 còn được cấp phép sản xuất tại một nhà máy chế tạo xe hạng nặng ở bang Tamil Nadu, Ấn Độ. Có tin cho biết, Nga còn đề nghị với Ấn Độ cải tạo hiện đại hóa T-90 lên trình độ kỹ thuật của T-90MC.
Ngoài ra, vào năm 2011, sau khi cựu Tổng tư lệnh Lục quân Ấn Độ Singh cảnh báo Bộ Quốc phòng thiếu thốn nghiêm trọng đạn dược, tháng 10 năm 2012, Chính phủ Ấn Độ đã phê chuẩn một đề nghị của Lục quân, mua 20.000 quả tên lửa Invar-M (9M119M1) của Nga.
Tên lửa Invar dùng để trang bị cho xe tăng T-90 của Ấn Độ, do Nga chế tạo, tên lửa này được phóng dựa vào chùm laser dẫn đường do pháo thủ xe tăng điều khiển. Tầm bắn của tên lửa là 5 km, trước khi nổ đầu đạn có thể xuyên thủng bọc thép xe tăng dày 88,9 cm.
Do Chính phủ Ấn Độ kiên trì chuyển nhượng công nghệ, mãi đến tháng 8 năm 2013 mới ký kết hợp đồng trị giá 470 triệu USD với Nga, Nga đồng ý công bố giấy phép sản xuất và chuyển nhượng công nghệ tên lửa.
Công ty Bharat Dynamics Ltd và Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga thông qua hợp tác công nghệ tiến hành sản xuất tên lửa Invar.
Xe tăng T-90 do Nga chế tạo |
Nhưng, Công ty Bharat Dynamics muốn có được công nghệ dẫn đường laser, đồng thời cho rằng, Nga không hề chuyển nhượng công nghệ quan trọng - hệ thống dẫn đường chùm laser của tên lửa.
Công ty Bharat Dynamics quyết định chuyển sang dựa vào công nghiệp trong nước để phát triển thiết bị dẫn đường quan trọng cho tên lửa Invar, các doanh nghiệp có liên quan gồm Công ty TNHH Larsen & Toubro, bộ phận điện tử chiến lược của Công ty điện lực Tatar, Công ty Godrej và Công ty Bharat Dynamics.