Ấn Độ gia hạn hợp đồng cung cấp trực thăng trị giá 1 tỷ USD

12/09/2012 14:25
Trịnh Tuân (Nguồn: militaryparitet)
(GDVN) - Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định mở rộng hồ sơ dự thầu cung cấp 16 máy bay trực thăng đa nhiệm cho Hải quân nước này, hãng tin IANS cho hay.

Bộ Quốc phòng đã gửi đến hai nhà thầu - là tập đoàn NHIndustries (dự thầu với trực thăng NH-90) và công ty Sikorsky yêu cầu để mở rộng gói thầu cung cấp các máy bay trực thăng cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2012.

Trước đó, theo kế hoạch, thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thầu cung cấp 16 trực thăng cho Hải quân Ấn Độ là vào cuối tháng 7 năm nay.

Trực thăng S-70B Seahawk.
Trực thăng S-70B Seahawk.

Lý do khiến Bộ quốc phòng Ấn Độ quyết định mở rộng hồ sơ dự thầu là do các khiếu nại của NHIndustries về sự thiếu minh bạch trong cuộc đua của đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra, một tập đoàn châu Âu khác là Sikorsky đã đề nghị tham gia cuộc đua với trực thăng S-70B Seahawk bất chấp việc trực thăng này không phù hợp với một số yêu cầu kỹ thuật của gói thầu. Được biết, đơn khiếu nại được đệ trình ngay trước khi công bố người chiến thắng.

Gói thầu cung cấp 16 máy bay trực thăng đa nhiệm được công bố vào năm 2008, và các ứng cử viên đã gửi hồ sơ dự thầu tới Bộ Quốc phòng Ấn Độ gần hai năm sau đó.

Ban đầu, cuộc đua có có sự tham gia của Hải quân Mỹ với các máy bay trực thăng MH-60R đã qua sử dụng và sẽ được nâng cấp để cung cấp cho Ấn Độ. Tuy nhiên sau đó Hải quân Mỹ đã quyết định sẽ cung cấp cho Ấn Độ các trực thăng mới chứ không phải là các máy bay second-hand.

Trực thăng MH-60R.
Trực thăng MH-60R.

Theo đó, người chiến thắng trong hồ sơ dự thầu cung cấp của 16 máy bay trực thăng sẽ nhận được một hợp đồng trị giá một tỷ đô la.

Các trực thăng mới sẽ được chuyển giao cho khách hàng trong vòng 46 tháng kể từ sau khi ký hợp đồng với ba bên. Ngoài ra, hợp đồng có thể sẽ được mở rộng để cung cấp thêm 44 máy bay trực thăng nữa.

Hiện nay, trong biên chế Quân đội Ấn Độ có 30 trực thăng UH-3 Sea King, hầu hết trong số đó được mua từ Hoa Kỳ trong những năm 1970.

Tất cả các máy bay này đều có nhu cầu được hiện đại hóa và sửa chữa. Trước đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng đã mở gói thầu cung cấp 75 máy bay trực thăng đa nhiệm cho Hải quân. Người chiến thắng trong cuộc đua này sẽ nhận được một hợp đồng trị giá 4 tỷ đôla.

Trực thăng UH-3 Sea King của Hải quân Ấn Độ.
Trực thăng UH-3 Sea King của Hải quân Ấn Độ.

NH-90: Trực thăng hiện đại nhất châu Âu

Trực thăng NH90 do tập đoàn công nghiệp châu Âu NHIndustries thiết kế chế tạo, được kỳ vọng là trực thăng của thế kỷ 21.

Chương trình “NH-90” nằm trong chương trình chế tạo các máy bay trực thăng hiện đại nhất châu Âu của NATO để thay thế cho các trực thăng UH-1, Puma/Cougar, Lynx, và Sea King, được “thai nghén” từ năm 1986 với sự tham gia của các nước Pháp, Anh, Đức, Ý và Hà Lan.

Trực thăng NH-90.
Trực thăng NH-90.

Một năm sau đó, dự án chế tạo trực thăng NH-90 đã được tập đoàn công nghiệp NHIndustries bắt đầu nghiên cứu, chế tạo và sản xuất.

NHIndustries là liên minh của các công ty sản xuất trực thăng hàng đầu châu Âu, bao gồm:

Eurocopter - liên minh Pháp - Đức - Ý: 62,5% cổ phần.

Agusta (Ý): 32 % cổ phần

Stork Fokker (Hà Lan): 5,5 % cổ phần

Chi nhánh của Eurocopter ở Pháp đảm nhiệm thiết kế chế tạo thân trước, mũi, trục quay, cánh quạt và các thiết bị chuyển hướng của trực thăng.

Chi nhánh của Eurocopter ở Đức đảm nhiệm thiết kế chế tạo thân chính.

Agusta chế tạo thân sau, bánh răng, trục chính và bộ giảm tốc.

Việc thiết kế chế tạo đuôi máy bay, thiết bị hạ cánh và các thiết bị trung gian thuộc về công ty Stork Fokker của Hà Lan.


NH90 có các biến thể NH90 TTH - vận tải chiến thuật, thả lính nhảy dù và NH90 NFH – chống ngầm, do thám và cứu hộ. NH 90 có thể được sử dụng trên các tàu khu trục nhỏ hoặc tàu sân bay.

NH90 được làm phần lớn từ composite, rất linh hoạt, dễ điều khiển, dễ bảo trì và chi phí thấp. Nhờ có các đặc tính như vậy, NH90 có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm, trong tất cả điều kiện thời tiết, và điều kiện chiến tranh.

Đặc điểm cấu tạo và tính năng kỹ chiến thuật

Buồng lái của UH90 được thiết kế đặc biệt giành cho 3 người (phi công, sỹ quan điều khiển hệ thống vũ khí và kỹ thuật viên) để bảo vệ kíp lái trong trường hợp đối phương sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, vũ khí sinh, hóa học.Tất nhiên trực thăng vẫn có thể vận hành mượt mà chỉ với một phi công.


Vỏ máy bay có dạng lồi và làm bằng vật liệu composite. 4 cánh quạt của máy bay được bọc lớp thép tốt làm bằng hợp kim titan có khả năng chịu lực và chống được đạn 12,7 mm.

Máy bay được trang bị 2 động cơ Rolls-Royce Turbomeca RTM322-01/9 3.400 mã lực. Khi “hết xăng” động cơ vẫn có thể hoạt động tốt trong khoảng nửa giờ.  UH90 mang theo 2.500 kg nhiên liệu (quá nhiều) cho phép trực thăng có thể hoạt động rất lâu ở trên không.

Hệ thống “fly-by-wire” của máy bay do hãng Goodrich Actuation và Liebherr Aerospace sản xuất. Các hệ thống điện tử khác được cung cấp bởi Thales Avionics.


Thiết bị hiển thị có 5 màn hình LCD 8x8 inches để hiển thị thông số máy bay. Radar thời tiết được lắp đặt là loại Honeywell Primus 701A. Hệ thống cảnh báo laser HELLAS.

NH90 được trang bị hệ thống thông tin liên lạc tích hợp không-không, không-mặt đất và hệ thống xác định vị trí. Hệ thống nhận dạng địch – ta TSC 2000 IFF do Thales cung cấp.

Các thông số kỹ thuật

Phi hành đoàn: 2 phi công và 1 kỹ thuật viên

Chở được: 20 người

Dài: 16,13 m

Cao: 5,4 m

Sải cánh quạt: 16,3 m

Trọng lượng rỗng: 8,7 tấn

Trọng lượng cất cánh tối đa: 10,6 tấn

Động cơ: 2× Rolls-Royce Turbomeca RTM322-01/9 3.400 mã lực

Tốc độ trung bình: 265 km/h

Tầm bay: 800 km đối với biến thể NH90 TTH, 1.000 km với biến thể NH90 NFH

Trần bay: 4,2 km

Tốc độ lên thẳng: 660 m/phút

NH-90 có thể hoạt động ở nhiệt độ từ -40 đến +50 độ


Vũ khí

Trực thăng mang được tối đa 700 kg vũ khí bao gồm:

Bom chìm

Ngư lôi chống tàu ngầm: Mk46, Murena, A244

Tên lửa chống tàu AM-39 Exoset (của Pháp)

Trịnh Tuân (Nguồn: militaryparitet)