Máy bay trực thăng vũ trang Z-9WZ của Trung Quốc. |
Ngày 24/7 tờ “The Hindu” Ấn Độ có bài viết cho biết, ngày 24/7, ở Trung đoàn Trực thăng 4 của Lực lượng Hàng không Trung Quốc, Quân đội Trung Quốc đã lần đầu tiên mở cửa trưng bày máy bay trực thăng trinh sát vũ trang Z-9 tự sản xuất cho các phóng viên nước ngoài, tạo cơ hội cho bên ngoài tận mắt quan sát vũ khí trang bị máy bay trực thăng của Trung Quốc.
Báo Trung Quốc cho biết, hoạt động này đã thu hút hơn 160 phóng viên của 86 phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Các phóng viên đã tận mặt quan sát máy bay trực thăng vũ trang Z-9WZ, loại máy bay được trang bị súng máy hàng không, pháo chính, hỏa tiễn và tên lửa, dùng để tấn công các mục tiêu trên không và mặt đất hoặc hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng mặt đất.
Tờ “The Hindu” cho rằng, hiện nay máy bay trực thăng Z-9 và Z-11 tiên tiến hơn chủ yếu bán cho Pakistan và một số nước châu Phi, nhưng lần này Trung Quốc cũng bày tỏ ý định bán cho Ấn Độ và các nước khác.
Bài báo dẫn lời một Thượng tá của Quân đội Trung Quốc nói: “Chúng tôi sẵn sàng bán những máy bay trực thăng này cho Ấn Độ và các nước khác”.
Tờ “Hindustan Times” Ấn Độ cũng cho biết, một quan chức cấp cao của Lực lượng hàng không Trung Quốc cho biết, Trung Quốc vui lòng bán máy bay trực thăng vũ trang tự sản xuất cho Ấn Độ. Trong khi đó, một loại máy bay trực thăng vũ trang/trinh sát – Z-9WZ đã được trưng bày trước các phóng viên.
Máy bay trực thăng Z-10 của Trung Quốc. |
Tờ “Hoàn Cầu” nhấn mạnh, ngoài ra, máy bay trực thăng Z-10, loại máy bay được bàn giao cho Lục quân Trung Quốc đầu tiên vào năm 2009, đang từng bước trở thành một trong những máy bay trực thăng vũ trang hiện đại nhất và có khả năng mạnh nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Ấn Độ cho biết, Ấn Độ có thể “sẽ không có bất cứ hứng thú nào” với những máy bay trực thăng này của Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc đã bị phương Tây cấm vận vũ khí lâu dài, máy bay trực thăng của họ hiện chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ ngành “lỗi thời”.
Chẳng hạn như máy bay trực thăng Z-9, sự phát triển của loại máy bay này tuân theo một thỏa thuận cấp phép giữa Trung Quốc và Pháp, cho nên nền tảng của nó vẫn là “mô hình máy bay trực thăng tương đối cũ kỹ”.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc, Đại học Nehru Ấn Độ, Srikant Kondapali cho biết, hiện nay Ấn Độ đang tìm cách đổi mới trang bị máy bay trực thăng của họ, đồng thời đã ký với Mỹ thỏa thuận mua máy bay trực thăng Apache.
Srikant Kondapali nói: “Trung Quốc không có đồ đẳng cấp như vậy”. Ấn Độ muốn sở hữu máy bay trực thăng thế hệ thứ tư, trong khi máy bay trực thăng hiện nay của Trung Quốc vẫn là sản phẩm thế hệ thứ hai hoặc thứ ba.
Tuy nhiên, bài báo cũng cho rằng, tất cả những điều mà học giả Ấn Độ nói ở trên có thể sẽ thay đổi rất nhanh. Các quan chức Trung Quốc đã giảng giải về những thay đổi 20 năm qua, rằng “sự thay đổi lớn nhất trong 20 năm qua là Trung Quốc có thể hoàn toàn dựa vào sức mạnh của mình để chế tạo máy bay”.
Quân đội Trung Quốc từng phụ thuộc vào máy bay chiến đấu kiểu cũ của Pháp và Nga, nhưng hiện đang thử nghiệm máy bay trực thăng Z-11 tiên tiến hơn.
Máy bay trực thăng vũ trang hạng nhẹ Ấn Độ. |