Sư đoàn miền núi tinh nhuệ của Ấn Độ triển khai trên hướng biên giới với Trung Quốc |
Báo chí TQ tuyên truyền rằng, gần đây, có nguồn tin từ Ấn Độ cho rằng, Ấn Độ đã phê chuẩn xây dựng một quân đoàn tấn công miền núi 50.000 quân, có khả năng tác chiến ở địa hình vùng cao, địa điểm tại khu vực biên giới Trung-Ấn, đồng thời trang bị 22 máy bay trực thăng vũ trang AH-64D Longbow Apache do Mỹ chế tạo.
Kế hoạch này đã đưa ra từ 5 năm trước, sẽ tốn khoản kinh phí là 650 tỷ rupee.
Báo Trung Quốc cho rằng, từ khi lãnh đạo hai nước Trung-Ấn ký kết “Nguyên tắc chỉ đạo chính trị giải quyết vấn đề biên giới” năm 2005 đến nay, đàm phán biên giới đã đạt được tiến triển quan trọng, nhưng Ấn Độ vẫn không ngừng tăng cường triển khai lực lượng ở khu vực biên giới hai nước, đặc biệt là từ năm 2009, mỗi khi đến cuộc gặp hàng năm giữa đặc phái viên vấn đề biên giới Trung-Ấn, Quân đội Ấn Độ đều tìm cách thể hiện “cơ bắp”.
Những năm gần đây, Ấn Độ luôn cho rằng các nước láng giềng của họ tăng cường triển khai lực lượng quân sự tại biên giới, vì vậy họ liên tục mở rộng lực lượng quân sự ở khu vực biên giới Trung-Ấn, nâng cấp trang bị tác chiến ở biên giới, chiến lược “thế thủ” trước đây bắt đầu chuyển sang chiến lược “thế công”.
Ấn Độ có kế hoạch triển khai 22 máy bay trực thăng vũ trang AH-64D Longbow Apache ở biên giới Trung-Ấn. |
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ: sức mạnh quân sự đã khác xưa
Theo bài báo, có số liệu cho biết, Quân khu miền Đông Ấn Độ quản lý 5 quân đoàn, 240-300 máy bay chiến đấu, chỉ riêng ở lãnh thổ “có tranh chấp” giữa Trung-Ấn đã triển khai 5 sư đoàn bộ binh miền núi, 1 sư đoàn cơ giới hóa.
Năm 2011, Thủ tướng Ấn Độ Singh bày tỏ ủng hộ kế hoạch mở rộng đợt 2 với thời gian là 5 năm, kế hoạch này gồm tăng 90.000 quân, kế hoạch dự kiến chi 650 tỷ rupee (khoảng 84 tỷ nhân dân tệ), nghe nói đây sẽ là một nỗ lực mở rộng quân sự lớn nhất của Ấn Độ.
Trong đó, Ấn Độ thiết lập một ban chỉ huy quân sự và 2 sư đoàn ở Panager-biên giới Trung-Ấn, lực lượng cảnh sát biên giới Ấn Độ sẽ thiết lập thêm 35 trạm gác biên giới trên cơ sở 142 trạm gác hiện có, đồng thời bổ sung 13 tiểu đoàn binh lực.
Cùng với việc sau khi Ấn Độ thực hiện kế hoạch tăng quân mới, ưu thế lực lượng của Ấn Độ ở khu vực tranh chấp phía đông tiếp tục được tăng cường.
Có nguồn tin truyền thông phân tích cho rằng, mặc dù Ấn Độ chiếm ưu thế về quân số, nhưng ý nghĩa thực tế hoàn toàn không lớn, bởi vì khả năng điều động lực lượng của Trung Quốc vượt hẳn Ấn Độ.
Báo chí nước ngoài cho rằng, Trung Quốc đã xây dựng đường bộ và đường sắt ở khu vực biên giới, có thể vận chuyển rất nhiều vật tư và binh lính, đặc biệt là việc thông tuyến đường sắt Thanh-Tạng, làm cho khả năng điều động chiến lược của Trung Quốc được tăng cường rất lớn.
Máy bay trực thăng vận tải Mi-17 của Quân đội Ấn Độ, do Nga chế tạo |
Về không quân, Ấn Độ đã xây dựng rất nhiều sân bay quân sự ở dải biên giới. Ở khu vực bang Arunachal (Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng), Ấn Độ cũng đã có tới 8 sân bay quân sự, sân bay Tizuxin, sân bay Machuca, sân bay Sukeruiding và sân bay Arun đều gần kề tuyến kiểm soát thực tế biên giới Trung-Ấn, đều có thể cất/hạ cánh máy bay trực thăng, trong đó sân bay Tizuxin còn có thể cất/hạ cánh máy bay chiến đấu MiG-21.
Sân bay Chabuya có 2 đường băng, có thể cất/hạ cánh máy bay vận tải hạng nhẹ An-32, máy bay trực thăng Mi-8 và Mi-17, là căn cứ quan trọng của lực lượng vận tải tốc độ nhanh Không quân Ấn Độ ở khu vực này.
Ở hướng chiến lược phía giữa Bhutan và Nepal (đoạn đông và đoàn giữa), Không quân Ấn Độ đã xây dựng 3 sân bay quân sự, trong đó căn cứ không quân Haximala là sân bay quân sự có thiết bị tốt nhất của khu vực này, trang bị máy bay MiG-27ML.
Có nguồn tin còn tiết lộ, Không quân Ấn Độ sẽ triển khai 4 phi đội máy bay chiến đấu tiên tiến Su-30MKI trước năm 2015.
Khi nói về 50 năm phát triển của Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng nước này A.K. Antony nhấn mạnh: “Ấn Độ năm 2012 đã không còn là Ấn Độ thời kỳ đó nữa”. Ông nói, từ cuộc xung đột biên giới năm 1962 đến nay, Ấn Độ đã tăng cường sức mạnh quân sự, việc xây dựng hạ tầng cơ sở ở miền đông bắc Ấn Độ hiện chưa đạt tiêu chuẩn vừa lòng, nhưng “chúng tôi tiến bộ rất nhanh chóng, hiện nay hạ tầng cơ sở, thiết bị và nhân viên ở khu vực này đều được cải thiện rất lớn so với trước đây”.
Máy bay chiến đấu MiG-21 của Không quân Ấn Độ |
Học giả thỉnh giảng Đại học New Delhi, Viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Trung Sơn, Tiến sĩ Hoàng Nghênh Hồng cho rằng:
“Ấn Độ thường đưa ra kế hoạch đầy tham vọng và tiến hành so sánh với Trung Quốc”. Cuộc xung đột biên giới Trung-Ấn đã trải qua 50 năm, nhưng ký ức về nó vẫn ám ảnh ở Ấn Độ, nó nhắc nhở các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ rằng không được để lịch sử tái diễn.
Đối với vấn đề này, Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, ông Bikram Singh cho biết: “Là Tổng Tư lệnh Lục quân, chúng tôi sẽ không để kẻ địch vượt qua một bước, tất cả khu vực biên giới đều có kế hoạch liên quan đang triển khai”.
Trở thành một nước lớn là phương hướng ngoại giao bấy lâu nay của Ấn Độ. Trong tác phẩm “Phát kiến Ấn Độ” của người lập quốc Ấn Độ Nehru có viết:
“Ấn Độ không thể chỉ làm một nước hạng hai, nhất định phải trở thành nhà lãnh đạo thế giới, nếu không thà bị tiêu vong”. Cho dù là giai đoạn đầu độc lập hợp tác với các nước đang phát triển như Trung Quốc chống lại phương Tây, hay sau này nghiêng về Liên Xô chống Mỹ, Trung Quốc, hay đến nay được phương Tây cho là “đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc”, thì phương hướng và tư duy ngoại giao của Ấn Độ đều không tách khỏi hai chữ “nước lớn”.
Máy bay vận tải An-32 của Không quân Ấn Độ ở 1 sân bay bang Arunachal |
Giáo sư Lý Đại Quang, Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, một số phương tiện truyền thông, cơ quan nghiên cứu Ấn Độ từ lâu đã ưa thích lấy Trung Quốc ra để nói chuyện, đặc biệt là gần 10 năm trở lại đây, Trung Quốc phát triển nhanh chóng càng làm cho họ cảm thấy lo ngại, cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng đối với Ấn Độ.
Lực lượng hàng không Lục quân trang bị máy bay trực thăng vũ trang
Cùng với việc tăng cường triển khai binh lực ở khu vực biên giới Trung-Ấn, điều thú vị là, Ấn Độ hầu như hàng năm đều đưa ra ít nhất một loại trang bị “nổi tiếng”.
Năm 2009 là năm Ấn Độ có động thái lớn nhất ở khu vực biên giới Trung-Ấn. Tháng 6 cùng năm, Ấn Độ tăng 2 sư đoàn miền núi tới bang Arunachal, làm cho tổng số quân triển khai ở khu vực này vượt 100.000 quân, đồng thời chính thức triển khai 38 máy bay chiến đấu Su-30MKI ở biên giới, bán kính tác chiến gần 2.000 km, địa điểm triển khai là căn cứ không quân Tisipoor ở bang Assam, cách một trạm gác gần nhất ở biên giới Trung Quốc chỉ 370 km.
Hành động này lúc đó được không ít các nhà quan sát quân sự cho là “chiến lược thế thủ trước đây của Ấn Độ bắt đầu chuyển sang chiến lược thế công”. Cùng năm, Ấn Độ còn thành lập mới một sư đoàn pháo binh và xe tăng hạng nặng T-72M1.
Xe tăng chiến đấu T-72M1 Lục quân Ấn Độ tham gia diễn tập quân sự |
Năm 2010, Ấn Độ lại đưa ra một nắm đấm hạng nặng, tăng thêm 2 sư đoàn miền núi cho bang Arunachal, đồng thời đã trang bị “trang bị đặc biệt” thích hợp với tác chiến miền núi, cộng với “lực lượng trinh sát Arunachal”, quân số đóng tại đây của Quân đội Ấn Độ tiếp tục gia tăng.
Năm 2011, Ấn Độ tăng quân ở khu vực miền đông, có kế hoạch tăng 90.000 quân trong 5 năm, đồng thời đã triển khai tên lửa hành trình siêu âm Brahmos, loại tên lửa có tầm phóng 290 km. Được biết, hiện nay Ấn Độ đã có 3 đơn vị tên lửa Brahmos triển khai ở khu vực biên giới Ấn Độ-Pakistan. Có tin cho biết, đơn vị thứ tư trang bị tên lửa này của Ấn Độ sẽ triển khai ở bang Arunachal.
Đến năm nay, có tin cho biết, Không quân Ấn Độ vào nửa cuối năm sẽ trang bị một “hệ thống vũ khí phòng không trong mọi điều kiện thời tiết của trung tâm mạng” đầu tiên – Akash (có thể đánh chặn máy bay chiến đấu trong phạm vi 30 km), tên lửa hành trình và hệ thống máy bay không người lái, sau khi xây dựng xong sẽ triển khai ở Bộ Tư lệnh miền đông Không quân.
Gần đây, Bộ Quốc phòng Ấn Độ phê chuẩn trang bị máy bay trực thăng vũ trang cho lực lượng hàng không của Lục quân. Điều này đã kết thúc cục diện đối đầu lâu dài giữa Lục quân và Không quân nước này trong vấn đề máy bay cánh xoay kiểu tấn công.
Ấn Độ sắp triển khai 1 đơn vị tên lửa hành trình siêu âm BrahMos ở biên giới Ấn-Trung |
Theo tin từ tờ “Jane’s Defense Weekly”, lực lượng hàng không của Lục quân Ấn Độ sẽ giành được quyền kiểm soát, sử dụng 22 máy bay trực thăng vũ trang AH-64D Longbow Apache do Mỹ chế tạo.
AH-64 Apache là máy bay trực thăng chuyên dùng cho tấn công riêng có của Lục quân Mỹ, được trang bị sau khi máy bay AH-1 nghỉ hưu, phiên bản cải tiến của nó được đặt tên là AH-64D Longbow Apache, hiện vẫn là một loại vũ khí có uy lực của Lục quân Mỹ.
Apache được thiết kế 4 cánh, 2 động cơ, trang bị hệ thống nhìn đêm và thiết bị khóa mục tiêu tự động, có khả năng trinh sát, bảo vệ an toàn và tấn công chí tử. Được biết, phi công của lực lượng hàng không Lục quân Ấn Độ còn được Mỹ huấn luyện điều khiển AH-64D.
Theo kế hoạch trong thời gian tới, lực lượng hàng không Lục quân Ấn Độ sẽ sở hữu 10 phi đội trực thăng vũ trang trước năm 2022, tổng cộng có 100 máy bay trực thăng. Những máy bay trực thăng này sẽ cùng với các máy bay trực thăng vũ trang và máy bay trực thăng chiến thuật chi viện tác chiến khác, được biên chế cho 13 quân đoàn của Lục quân Ấn Độ.
Lý Đại Quang, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng: “Trong lịch sử, Ấn Độ từng phản đối mua vũ khí trang bị của nước ngoài, hiện nay có kế hoạch thông qua hiện đại hóa nhanh chóng lực lượng vũ trang, trong mười mấy năm trở thành siêu quân đội sở hữu tàu sân bay, hàng nghìn máy bay chiến đấu, hơn nữa cũng đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa, bản thân Ấn Độ tự biết rõ, về sức mạnh quân sự, không cho phép bản thân lạc hậu so với nước khác”.
Không quân Ấn Độ sẽ triển khai 4 phi đội máy bay chiến đấu tiên tiến Su-30MKI ở khu vực biên giới Trung-Ấn trước năm 2015 |
Lý Đại Quang còn nhấn mạnh, nhìn vào sự phát triển của Lục quân Ấn Độ trong vài năm qua, Ấn Độ rất coi trọng khả năng tác chiến miền núi, ngoài việc triển khai quân đoàn tác chiến miền núi, còn luôn tiến hành diễn tập tác chiến miền núi ở khu vực có độ cao lớn so với mặt nước biển, lấy các dãy núi chạy dài, các sông băng vắt ngang và những dòng sông chảy xiết làm nơi luyện tập, huấn luyện dùng dây thừng đưa thương bệnh binh qua sông, xuống núi.
Ấn Độ cũng từng học tập lính thủy đánh bộ Anh, tổ chức diễn tập tác chiến miền núi liên hợp ở khu vực Ladakh, dãy núi Himalayas, học tập kỹ năng sinh tồn và tác chiến đặc biệt ở vùng núi tuyết giá lạnh.
Triển khai quân ở biên giới có tính tới chính trị trong nước
Đối với việc Ấn Độ liên tiếp triển khai lực lượng và vũ khí ở biên giới, có chuyên gia quân sự cho rằng, việc triển khai lực lượng quân sự ở khu vực tranh chấp tiếp tục tăng cường ưu thế cho Ấn Độ, càng tăng thêm khó khăn cho giải quyết tranh chấp biên giới.
Từ tháng 10/2003, khởi động đàm phán biên giới Ấn-Trung đến nay, hai nước đã tiến hành 15 vòng đàm phán về tranh chấp lãnh thổ, ngoài có chút tiến triển vào năm 2005, tiến triển mang tính thực chất sau đó rất ít.
Hiện nay, đàm phán Trung-Ấn vẫn ở bước 2 trong 3 bước đề ra, việc tiến hành đàm phán chi tiết hóa nguyên tắc khung của nguyên tắc chỉ đạo chính trị giải quyết vấn đề biên giới hai nước đạt được từ năm 2003-2005 rất gian nan.
Phó Tiểu Cường, chuyên gia Trung Quốc về vấn đề Nam Á cho rằng: “Ấn Độ, TQ luôn vừa ngờ vực vừa lo ngại, hy vọng giải quyết được vấn đề biên giới, nhưng lại không muốn đưa ra sự nhượng bộ mang tính thực chất”.
Máy bay trực thăng Mi-17-1V của Lục quân Ấn Độ thả vật tư xuống mặt đất |
Việc triển khai lực lượng quân sự trong tình hình phức tạp này rốt cuộc là một sự an ủi tâm lý hay tạo sự răn đe cho đối thủ? Tờ “Kanwa Defense Review” bình luận, các động thái liên tiếp của Ấn Độ chủ yếu là dựa trên nhu cầu của chiến lược răn đe, bởi vì tư thế ngoại giao và quân sự của Ấn Độ đối với Trung Quốc có sự lo ngại.
Cũng có nhà quan sát cho rằng, Ấn Độ liên tục tăng quân ở biên giới Trung-Ấn, có thể là muốn tranh quyền chủ động cho vòng đàm phán biên giới mới, có ý đồ lấy chiếm đóng thực tế để tăng “thẻ bài” trong bàn đàm phán.
Lý Đại Quang chủ quan cho rằng: “Thực ra, Ấn Độ hiểu rất rõ, muốn sử dụng sức mạnh quân sự để đe dọa Trung Quốc là ít hiệu quả, hơn nữa họ cũng hiểu rõ, Trung Quốc không muốn đánh nhau, cho nên, Ấn Độ tăng quân triển khai ở biên giới, có thể có mục đích ở trong nước”.
Báo Trung Quốc cho rằng, "những năm gần đây, chi tiêu quân sự của Ấn Độ tăng rất nhanh, Hải quân Ấn Độ có kế hoạch tàu sân bay, có kế hoạch tàu ngầm hạt nhân, trong khi đó Không quân Ấn Độ cũng đang mua máy bay chiến đấu quy mô lớn của nước ngoài, Lục quân Ấn Độ có thể hưởng phần nào “miếng bánh” chi tiêu quốc phòng đang tăng nhanh này không?"
Ấn Độ sẽ thành lập Bộ Tư lệnh Hàng không vũ trụ theo dõi Trung Quốc |
Xung quanh vấn đề biên giới do lịch sử để lại, Trung Quốc và Ấn Độ rốt cuộc sẽ có thái độ như thế nào? Namrata Goswami, nhà nghiên cứu lâu năm của Viện Nghiên cứu Hòa bình Mỹ cho rằng:
“Cấp bách phải xác lập một mô hình giải quyết xung đột, ngăn chặn gây hiểu sai trong vấn đề biên giới Trung-Ấn”, Trung Quốc và Ấn Độ phải xây dựng cơ chế đối thoại song phương, giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước châu Á.
Mặc dù ở Ấn Độ còn nhiều tiếng nói kêu gọi Ấn Độ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới, nhưng cũng không ít học giả đã đề xuất tăng cường giao lưu và hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, duy trì sự trao đổi, phối hợp tốt đẹp, thông qua hiệp thương hữu nghị để tìm kiếm biện pháp giải quyết công bằng, hợp lý, hai bên đều có thể chấp nhận được, trước khi giải quyết cuối cùng, bảo vệ tốt hòa bình và an ninh khu vực biên giới.
>> Hình ảnh mới nhất về siêu hạm USS Independence có thể có mặt ở Biển Đông
>> Sức mạnh siêu hạm đổ bộ Zurb của Hải quân Nga
>> Siêu hạm tuần duyên, bảo vệ chủ quyền USS Freedom của Hải quân Mỹ
>> Cận cảnh trực thăng tấn công AH-64 Apache của Lục quân Mỹ
>> Mãn nhãn với những hình ảnh siêu nét chụp tiêm kích F-35 của Mỹ
>> Thời báo Hoàn Cầu: Việt Nam đang đẩy nhanh xây dựng lực lượng hải quân
>> Thời báo Hoàn Cầu:Không tin Việt Nam có thể nâng cấp được xe tăng T-55
>> Su-30MK2 của Việt Nam lại xuất hiện trên báo Trung Quốc
>> Báo Trung Quốc đăng ảnh phi đội trực thăng EC-225 mới của Việt Nam
>> Báo Trung Quốc: Việt Nam có khả năng công, thủ mạnh nhất ĐNA