Ấn Độ xây dựng căn cứ hải quân mới ở Rambilli - bờ biển phía đông Ấn Độ |
Ngày 26/3, tờ “Thời báo Ấn Độ” có bài viết cho biết, căn cứ hải quân Ấn Độ đang từng bước hình thành ở khu vực duyên hải phía đông. Căn cứ chiến lược này được xây dựng là để ứng phó với Trung Quốc, thậm chí trong căn cứ này, Ấn Độ có thể xây dựng công sự ngầm, che chắn, bảo vệ cho tàu ngầm hạt nhân tránh được mối đe dọa tập kích đường không và vệ tinh do thám.
Hiện nay, dự án vẫn đang nằm trong giai đoạn đầu, nhưng đây là một sự phản ứng của Ấn Độ đối với căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.
Việc xây dựng căn cứ hải quân mới trùng hợp với chính sách tổng thể của Chính phủ Ấn Độ - đó là tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực duyên hải miền đông, đáp trả các động thái từng bước bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Bài báo dẫn một nguồn tin cho biết, trong mấy tháng qua, Phủ Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đã tiến hành một loạt cuộc thảo luận và hội nghị, bàn thảo kế hoạch xây mới căn cứ hải quân trong 10 năm tới.
Dự án này nằm ở lân cận Rambilli trên bờ biển phía đông, cách Bộ Tư lệnh hải quân miền đông thành phố Visakhapatnam, Hải quân Ấn Độ chỉ khoảng 50 km.
Bài báo cho biết, hiện nay dự án này vẫn mới nằm trong giai đoạn đầu, nhưng đây là sự phản ứng của Ấn Độ đối với căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ở đảo Hải Nam.
Được biết, Hải quân Trung Quốc sẽ triển khai tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Thương và tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn (trang bị tên lửa đạn đạo) ở căn cứ tàu ngầm vịnh Yalong (Á Long).
Ấn Độ thuê tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 của Nga trong 10 năm và đang muốn thuê tiếp chiếc thứ hai |
Theo bài báo, dự án này gồm có công tác xây dựng đường hầm, bến, kho chứa, phân xưởng và nhà ở tập thể. Một nguồn tin cho biết, căn cứ hải quân mới có diện tích trên 20 km2, công tác mua đất tiếp theo đang được tiến hành, chi tiêu ngân sách lâu dài cũng đã nằm trong kế hoạch.
Bài báo cho biết, các biện pháp xây dựng căn cứ hải quân mới trùng khít với chính sách tổng thể của chính quyền New Delhi, đó là thông qua tăng cường lực lượng quân sự ở khu vực duyên hải phía đông như triển khai tàu chiến, máy bay, máy bay do thám không người lái mới và căn cứ tác chiến tuyến trước... để đáp trả các hành động từng bước bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Về lợi ích quốc gia, việc bảo vệ tuyến đường bờ biển dài của Ấn Độ, theo dõi chặt chẽ tài sản hải quân ở hành lang thương mại quan trọng trên Ấn Độ Dương là rất quan trọng đối với Ấn Độ. Cùng với việc tiến hành chạy thử tàu ngầm hạt nhân Arihant lớp 6.000 tấn do Ấn Độ tự sản xuất, chương trình tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Ấn Độ đã trải qua cửa ải khó khăn.
Chương trình tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant của Ấn Độ |
Tàu ngầm Arihant và 3 tàu ngầm hạt nhân kế tiếp của nó sẽ trang bị tên lửa đạn đạo dòng “K”, chúng sẽ tiếp tục hoàn thiện “tam giác hạt nhân” của Ấn Độ. Những tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant này và tàu chiến tuyến trước khác sẽ triển khai ở căn cứ hải quân mới.
Về lâu dài, để có khả năng răn đe hạt nhân có hiệu quả, Hải quân Ấn Độ có kế hoạch trang bị ít nhất 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược trang bị tên lửa đạn đạo và 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công.
Hơn nữa, tờ “Thời báo Ấn Độ” trước đây từng cho biết, sau khi trang bị tàu ngầm hạt nhân Chakra lớp 8.140 tấn (thuê của Nga trong 10 năm) vào năm 2012, Ấn Độ hiện đang bàn bạc với Nga việc thuê tiếp 1 tàu ngầm hạt nhân lớp Akula-II.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant đầu tiên do Ấn Độ tự chế tạo |