Trung Quốc ráo riết chuẩn bị cho APEC. |
Tờ Đa Chiều ngày 6/11 bình luận, sau 13 năm Trung Quốc mới lại chính thức đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Nguyên thủ, quan chức các nước tề tựu về Bắc Kinh, Trung Nam Hải xếp hàng dài yến tiệc khiến dư luận không khỏi liên tưởng tới Olympic Bắc Kinh 2008 với cảnh tượng "vạn quốc lai triều".
Trong khi đó Tổng thống Mỹ Obama và đảng Dân chủ của ông vừa thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, quyền kiểm soát 2 viện Quốc hội Mỹ rơi vào tay đảng Cộng hòa. Khi sang Bắc Kinh đối diện với những người đồng cấp, "anh Cảnh sát toàn cầu" (ám chỉ Obama) khó tránh khỏi ngượng ngùng và đánh mất ít nhiều vị thế cũng như sự nể trọng.
Mặc dù APEC chỉ là một hội nghị thượng đỉnh không chính thức, quan hệ giữa các quốc gia trong chính trị hiện đại đã không còn những khái niệm như "phiên thuộc" hay "triều cống", nhưng đối với một nước có lịch sử "thiên triều thượng quốc, đại ca - nước lớn" như Trung Quốc mà nói thì "dòng máu thiên triều" nó ở trong gen, chảy trong máu từ lãnh đạo cho đến dân thường rồi, Đa Chiều bình luận.
Vì vậy tờ báo của người Hoa hải ngoại cho rằng, chỉ cần có một cơ hội là cái gen ấy nó được đánh thức. Khi Trung Quốc trỗi dậy trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Bắc Kinh không ngừng nêu cao "giấc mơ Trung Hoa" thì câu hỏi "con sư tử Trung Quốc" tỉnh chưa chỉ cần quan sát Tập Cận Bình là có câu trả lời. Trung Nam Hải dù nhắc đi nhắc lại rằng Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, nhưng vẫn mang cái tâm thái "thiên triều thượng quốc".
Láng giềng chấp nhận triều cống Trung Hoa bắt nguồn từ tính toán chiến lược
Về vấn đề Trung Quốc trỗi dậy cho đến nay đã có không ít bình luận, từ đời sống dân sinh cho đến sức mạnh quốc gia tổng hợp. Đặc biệt là khi đăng cai APEC lần trước GDP của Trung Quốc còn chưa bằng 1/2 Nhật Bản, thì 13 năm sau Bắc Kinh đã vượt qua Tokyo trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Bản thân việc đăng cai APEC lần này đã là một hình thức phô diễn thực lực của Trung Quốc, không chỉ về kinh tế, mà còn bao gồm các ảnh hưởng và địa vị quốc tế của Bắc Kinh. Vai trò của Trung Quốc trong các sự vụ quốc tế đều được thể hiện rõ nét trong hội nghị APEC lần này.
Thế giới quan truyền thống của Trung Quốc luôn xác định họ là trung tâm thiên hạ, tức là cả thế giới này lấy Trung Quốc làm trục. Tâm lý này đã xuyên suốt chiều dài lịch sử và ảnh hưởng tới cả sách lược ngoại giao của giới cầm quyền nên mới sinh ra lệ triều cống, đặt phiên thuộc. Bắc Kinh tự xem mình là thiên triều thượng quốc còn các nước nhỏ chỉ như phiên thuộc, phải triều cống.
Thiên triều thượng quốc và chế độ triều cống, phiên thuộc được xác lập từ thời Hán. Xuất phát từ thực tế chính trị cũng như tính toán chiến lược, để bảo vệ bờ cõi yên ổn (trước họa "thiên triều" xâm lăng - PV), nên các nước nhỏ đành phải chấp nhận chế độ triều cống, cảnh tượng "vạn quốc lai triều" cũng bắt đầu từ đó và được ghi chép lại trong sách "Tả truyện". Tâm lý thiên triều và hoạt động triều cống cứ thế tiếp diễn từ Tùy, Đường cho đến Minh, Thanh.
Xem các nước khác là "tiểu huynh đệ", Tập Cận Bình vẫn theo đuổi tâm lý "thiên triều"
Thời Mao Trạch Đông, lãnh đạo Trung Quốc lại bắt đầu hình thành tư tưởng "vạn quốc lai triều, tứ hải tân phục" (đại ý: Các nước trong thiên hạ đều phải đến Trung Hoa, khách trong bốn biển đều phục tùng Trung Quốc). Đặc biệt kể từ khi Stalin qua đời, sau những năm 1970 Mao Trạch Đông càng ngày càng có cảm giác Trung Quốc trở thành lãnh tụ của thiên hạ. Mao Trạch Đông đã xem mình như "mặt trời hồng nhất trong các mặt trời hồng" của thời đại.
Các tác phẩm của Tập Cận Bình được dịch sang tiếng Anh, in thành sách phát cho các đại biểu dự APEC. |
Đến thời Đặng Tiểu Bình, mặc dù ông phê phán và phủ nhận lý luận "Trung Quốc là trung tâm thiên hạ", nhưng chính tâm thái này thời Mao Trạch Đông đã để lại cho ông di sản chính trị quan trọng; Trung Quốc trở thành 1 trong 5 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Cho đến hôm nay, người Trung Quốc vẫn gọi các nước láng giềng như Nhật Bản, Lào, Myanmar, Campuchia, Pakistan, Malaysia hay Bắc Triều Tiên là "tiểu huynh đệ". Tuy nhiên chỉ có "tiểu huynh đệ" Bắc Triều Tiên là khiến Bắc Kinh nhiều lúc phải đau đầu, khó xử.
Đa Chiều cho rằng, trong lúc xuất hiện một loạt vấn đề mới, kể cả từ góc độ cá nhân cũng như trên bình diện quốc gia, Tập Cận Bình đều mang tâm thế muốn Trung Quốc trở thành "thiên triều thượng quốc". Nhìn lại 2 năm khi ông lên nắm quyền, các hoạt động củng cố quyền lực nội bộ của ông khá rõ rệt. Điều này bắt nguồn từ cá tính mạnh mẽ của Tập Cận Bình.
Trong khi đó ông Bình theo đuổi tư tưởng Nho giáo, đề xướng "phục hưng dân tộc Trung Hoa". Nhưng "giấc mơ Trung Quốc" không chỉ bao gồm điều chỉnh đời sống xã hội trong nước theo đạo đức Nho giáo và pháp trị, mà nó còn bao trùm lên cả chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Muốn biến Trung Quốc thành trung tâm thiên hạ hay thiên triều thượng quốc, không phải chỉ là tâm lý của cá nhân ông Tập Cận Bình. Theo Đa Chiều, trong bối cảnh lịch sử hiện nay, bất kỳ ai được lịch sử lựa chọn đặt vào vị trí của Tập Cận Bình hiện tại đều có tham vọng ấy và mang tâm lý thiên triều thượng quốc.
Tuy nhiên Đa Chiều cho rằng, nếu Trung Quốc muốn được các nước khác tôn trọng thì không thể ỷ lớn mà xưng hùng xưng bá trong khu vực. Hơn 100 năm qua, Mỹ đã có được địa vị bá chủ toàn cầu qua 2 cuộc Chiến tranh Thế giới. tên gọi "Cảnh sát toàn cầu" cũng không phải tự nhiên mà có.
Việc người Mỹ dùng thế giới quan truyền thống của phương Tây để lãnh đạo quốc tế, phải thừa nhận có mặt tốt của nó. Cho đến ngày nay, trong một loạt các vấn đề toàn cầu như tấn công chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện nay, vai trò của Mỹ thì các quốc gia khác vẫn khó mà thay thế được.
Nhưng với tư duy "thẳng" của phương Tây đã khiến Mỹ không bao giờ đóng vai trò chi phối hay qyết định thay nước khác như Trung Quốc đã làm khi xử lý các quan hệ quốc tế. Washington thường hành động đơn giản bằng cách can thiệp trực tiếp, "thò tay trực tiếp" khi cần. Trong các cuộc khủng hoảng quốc tế ở Trung Đông, Ukraine hay vấn đề Israel và Palestin, Ấn Độ và Pakistan, Mỹ chỉ đóng vai trò "cảnh sát" chứ không phải "lãnh tụ".
G20 hay APEC cũng chẳng khác gì nhau, Trung Quốc chỉ đang tìm kiếm vị thế "Thiên triều thượng quốc" và lặp lại vết xe của lịch sử. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ của Tập Cận Bình, Bắc Kinh rất khó để có thể đi đến cùng thực hiện được mục tiêu này bởi trong uan hệ quốc tế ngày nay, "thế giới" đã thay cho "thiên hạ".