The Wall Street Journal ngày 11/11 cho biết, tính đến sáng nay Thứ Tư, đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã dành được 163 trên tổng số 664 ghế trong Quốc hội sau cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật, trong khi đảng USDP cầm quyền chỉ giành được 10 ghế và một số ghế ít hơn cho các đảng phái khác.
Mặc dù phải mất vài ngày nữa kết quả bầu cử cuối cùng tại Myanmar mới được công bố, nhưng thắng lợi chắc chắn thuộc về NLD. Mục tiêu giành ít nhất 329 ghế trong Quốc hội dường như đang ở trong tầm tay NLD.
Bà Aung San Suu Kyi, ảnh: AP/SCMP. |
Chiến thắng của lòng dân, đối thủ chúc mừng
Ngày 10/11, bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đảng NLD nói với đài BBC News rằng, đảng do bà lãnh đạo có thể sẽ giành được khoảng 75% số ghế trong Quốc hội Myanmar. Trong khi chỉ cần 67% số ghế trong Quốc hội là đủ cho NLD lên nắm quyền.
Lý do khiến NLD dành được thắng lợi vang dội như vậy theo bà Aung San Suu Kyi là vì người dân Myanmar hôm nay đã quan tâm đến chính trị đất nước hơn rất nhiều so với 25 năm trước.
25 năm qua mặc dù NLD đã vài lần thắng cử, nhưng đảng này vẫn không thể lên lãnh đạo đất nước thành công, nhưng bà Aung San Suu Kyi tin rằng lần này sẽ khác. Lý do bà đưa ra là: "Thời đại đã khác, con người đã khác". Theo bà, người dân Myanmar "rất tỉnh táo" trước những gì đang diễn ra xung quanh họ.
"Và tất nhiên, cuộc cách mạng thông tin đã mang lại sự khác biệt khổng lồ. Ai cũng có thể vào internet và chia sẻ tin tức với người khác. Và càng khó để những người định gian dối có thể tránh bị trừng phạt", bà Aung San Suu Kyi nói với BBC.
Trước đó hôm 7/11 Tổng thống Myanmar Thein Sein đã khẳng định với báo giới rằng, ông và chính phủ cũng như quân đội sẽ tôn trọng kết quả bầu cử mà dự kiến NLD sẽ thắng.
"Tôi nghe nói có những lo lắng rằng không biết kết quả bầu cử có được tôn trọng không. Chính phủ và quân đội nhắc lại rằng, chúng tôi sẽ tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử tự do và công bằng", South China Morning Post dẫn lời Tổng thống Thein Sein khẳng định.
Phát biểu của ông được dư luận quốc tế xem như sự chân thành của chính phủ Myanmar đương nhiệm trong việc tổ chức cuộc bầu cử tự do và công bằng, ông Thein Sein, người đồng thời cũng là Chủ tịch đảng Đoàn kết phát triển liên bang (USDP) xác nhận: "Theo kết của của cuộc bầu cử, chúng tôi sẽ làm việc với nhau trong môi trường chính trị mới".
Sở dĩ dư luận quan tâm và lo ngại điều ông Thein Sein giải thích vì năm 1990 NLD đã giành chiến thắng áp đảo trong bầu cử nhưng không được thừa nhận, chính quyền quân sự tiếp tục cai trị Myanmar liên tục kể từ năm 1962. Sau những áp lực của cộng đồng quốc tế, quân đội Myanmar kêu gọi bầu cử vào cuối năm 2010, trong đó NLD tẩy chay, USDP được mặc định thắng cử và chính thức nắm quyền từ năm 2011.
"Để chúng ta có mặt ở đây hôm nay, chúng ta đã vượt qua một thời kỳ lịch sử khó khăn. Có được cuộc bầu cử này không hề dễ dàng. Đó là lý do tại sao cuộc bầu cử sẽ thay đổi số phận chúng ta, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi quan trọng này, tôi khuyến khích tất cả các cử tri đi bỏ phiếu", Tổng thống Myanmar cho biết.
Tổng thống Myanmar Thein Sein cam kết tôn trọng kết quả bầu cử, ảnh: AP/SCMP. |
Các nhà lãnh đạo khác của USDP cũng đã lên tiếng thừa nhận thất bại và chúc mừng đảng đối lập NLD. Quyền Chủ tịch USDP Htay Oo và là đồng minh thân cận của Tổng thống Thein Sein nói với báo giới: "Chúng tôi đã thua. Chúng tôi phải tìm ra lý do tại sao chúng tôi đã thua. Tuy nhiên, chúng tôi chấp nhận kết quả, mặc dù kết quả cuối cùng vẫn chưa công bố", South China Morninh Post dẫn lời ông cho biết hôm 9/11.
Htay Oo nói rằng ông rất ngạc nhiên bởi mức độ, quy mô thất bại của đảng mình cũng như cá nhân ông ngay tại Hinthada, vùng đồng bằng được coi là "đại bản doanh" của USDP. "Tôi đã không nghĩ đến kết quả này bởi vì chúng tôi đã có thể làm được rất nhiều cho người dân trong khu vực này. Nhưng dù sao đó cũng là quyết định của người dân".
Bà Aung San Suu Kyi sẽ điều hành đất nước như một "Thái thượng hoàng"?
Trả lời phỏng vấn của đài BBC hôm Thứ Ba, bà Aung San Suu Kyi nói rằng bất cứ ai được bổ nhiệm làm Tổng thống trong Quốc hội mới được bầu, bà cũng sẽ chủ động trong các quyết sách. Aung San Suu Kyi sẽ làm tất cả những gì trong vai trò lãnh đạo của chính đảng giành chiến thắng. Channel News Asia bình luận rằng, Tổng thống Myanmar kế nhiệm ông Thein Sein sẽ không có thực quyền.
"Tôi sẽ là người ra các quyết định vì tôi là lãnh đạo của đảng chiến thắng. Và Tổng thống sẽ là một người mà chúng ta sẽ chọn chỉ để đáp ứng các yêu cầu của Hiến pháp. Ông ấy (Tổng thống mới) sẽ phải hiểu điều này rất rõ, rằng ông sẽ không có thẩm quyền, rằng ông sẽ hành động phù hợp với lợi ích của đảng", Channel News Asia dẫn lời bà Aung San Suu Kyi cho biết.
Theo The Wall Street Journal, Hiến pháp phức tạp của Myanmar quy định, các thành viên Quốc hội mới sẽ lựa chọn Tổng thống vào cuối tháng Ba năm 2016.
Với dự định sẽ đóng vai trò lãnh đạo quan trọng trong chính phủ mới, bà kêu gọi tổ chức một cuộc họp với các chỉ huy quân sự, Tổng thống hiện tại và Chủ tịch Quốc hội vào tuần tới để thảo luận về việc thành lập chính phủ mới.
The Wall Street Journal ngày 11/11 cho hay, bà Aung San Suu Kyi đã gửi thư đến Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, Tổng thống Thein Sein và Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann để thúc đẩy hòa hợp dân tộc, thực hiện nguyện vọng của nhân dân và "giữ gìn phẩm giá" của đất nước.
Shwe Mann đã viết trên trang Facebook cá nhân rằng, ông đã chấp nhận yêu cầu của bà Aung San Suu Kyi về cuộc họp tuần tới. Shwe Mann đã bị đánh bật khỏi ghế Chủ tịch đảng USDP trong tháng Tám vừa qua, lần bầu cử này ông cũng thất bại trên chính quê nhà của mình ở Phyu, nhưng nhiều lần cam kết sẵn sàng làm việc với bà Aung San Suu Kyi. Tổng thống và Tổng tư lệnh quân đội Myanmar chưa có phản ứng chính thức.
Chủ tịch Quốc hội Myanmar Shwe Mann, ảnh: BBC. |
Những khó khăn thách thức đặt ra phía trước
Khi hưng phấn chiến thắng bầu cử Quốc hội hạ xuống, bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD sẽ phải đối mặt với một loạt rào cản và "biến chứng" trong công cuộc đấu tranh mang lại cho đất nước Myanmar đời sống dân chủ. Hiến pháp Myanmar sửa đổi năm 2008 không cho phép bà trở thành Tổng thống vì có chồng và con mang quốc tịch nước ngoài.
Bà không giải thích hay tiết lộ về người mà mình sẽ đề cử làm Tổng thống. Không ai trong đảng của bà có đủ kinh nghiệm để điều hành một chính phủ. Mặt khác, dù NLD có thắng cử áp đảo thì quân đội vẫn nắm quyền kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến chính phủ.
Hiến pháp nước này quy định 25% số ghế Quốc hội nghiễm nhiên phải dành cho quân đội không qua bầu cử. Điều đó có nghĩa là chính phủ do Aung San Suu Kyi lãnh đạo sẽ tiếp tục bị de dọa bởi vai trò của quân đội trên vũ đài chính trị, quyền lực.
Muốn sửa Hiến pháp Myanmar phải có hơn 75% số nghị sĩ tán thành. Quân đội Myanmar cũng giữ quyền kiểm soát 3 bộ quan trọng là cơ quan phụ trách cảnh sát, quốc phòng và các vấn đề biên giới với một bộ máy quan liêu lớn trên khắp cả nước.
Lực lượng này được Hiến pháp cho quyền kiểm soát trực tiếp đất nước trong những tình huống và lý do rất mơ hồ: đảm bảo "an ninh quốc gia" và "đoàn kết dân tộc". Nói cách khác, quân đội có thể chiếm lại quyền kiểm soát bất cứ lúc nào nếu lực lượng này thấy cần.
Thứ hai là vấn đề xung đột sắc tộc. Tháng trước chính phủ của Tổng thống Thein Sein đã ký một thỏa thuận ngừng bắn với nhiều nhóm sắc tộc thiểu số có vũ trang, trên danh nghĩa chấm dứt nhiều thập niên xung đột. Nhưng các nhóm lớn có hỏa lực mạnh lại từ chối ký kết như phiến quân người Hán Kachin ở khu vực giáp biên với tỉnh Vân Nam được cho là do Trung Quốc hỗ trợ.
Aung San Suu Kyi cũng bị chỉ trích bởi vì không bảo vệ quyền lợi của người Hồi giáo và im lặng trước hoàn cảnh bi đát của cộng đồng người Rohingya. Trong cuộc họp báo trước bầu cử, bà kêu gọi phóng viên không nên "thổi phồng" vấn đề Rohingya ở một đất nước có quá nhiều vấn đề cần giải quyết.
Kết quả bầu cử là thắng lợi của dân tộc Myanmar
Bà Aung San Suu Kyi xứng đáng được ca ngợi và tôn vinh vì những nỗ lực dấn thân không mệt mỏi đấu tranh cho dân tộc Myanmar có được quyền dân chủ thực sự, từng bước thoát khỏi chế độ quân phiệt, tham nhũng và lạc hậu do lịch sử để lại.
Người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi đội mưa ăn mừng thắng lợi. Ảnh: BBC. |
Nhưng qua cuộc bầu cử này và thái độ của các nhà lãnh đạo USDP như Tổng thống Thein Sein, Chủ tịch Quốc hội Shwe Man hay Quyền Chủ tịch đảng USDP Htay Oo đã công khai khẳng định chấp nhận kết quả, lịch sự chúc mừng đối thủ là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Myanmar. Thiết nghĩ đó cũng là những chính khách thực sự đã biết vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc mà gác sang một bên lợi ích riêng rất đáng ca ngợi.
Có thể vẫn còn sớm để nói điều này vì tiến trình thành lập và vận hành chính phủ mới cũng như thỏa hiệp giữa các bên còn phải chờ thêm thời gian, nhưng chí ít NLD đã không bị bác kết quả bầu cử như năm 1990, 2012. Ngược lại NLD đã được sự công nhận thắng lợi từ chính đảng cầm quyền và nhận được lời chúc mừng từ quan chức đảng cầm quyền như ông Htay Oo.
Các tập đoàn lợi ích đã bám rễ sâu vào nền chính trị Myanmar không dễ gì từ bỏ quyền lợi của mình. Nhưng trước trào lưu văn minh nhân loại, sức ép quốc tế và cả sự thay đổi trong nhận thức của đại bộ phận dân chúng Myanmar từ ngày có internet, bao gồm cả các thành viên USDP đã dẫn đến kết quả ngày hôm nay, một cuộc bầu cử tự do công bằng nhất trong lịch sử Myanmar diễn ra một cách hòa bình, trật tự.
Nhìn thấy trước xu hướng này, Trung Quốc đã sớm thay đổi lập trường, thái độ với "đồng minh" một thời - chính phủ quân sự Myanmar, công khai thừa nhận và đặt quan hệ với bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD trước khi bầu cử diễn ra vài tháng. Việc ông Tập Cận Bình mời bà Aung San Suu Kyi thăm Trung Quốc, dành cho bà và phái đoàn NLD sự đón tiếp trọng thị, chu đáo đã cho thấy điều này.
Bà Aung San Suu Kyi đến Bắc Kinh ngày 10/6 trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày. Sau khi tiếp bà ở Nhân Dân đại lễ đường, ông Tập Cận Bình giao cho ông Dương Khiết Trì hội đàm các nội dung cụ thể với chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 1991. Theo tờ Business Standard ngày 11/11, đây là sự ưu ái đặc biệt của Bắc Kinh đối với bà Aung San Suu Kyi trong vai trò lãnh đạo đảng đối lập Myanmar mà không phải là các nhà lãnh đạo quốc gia.
Bình luận về sự kiện này, South China Morning Post ngày 14/6 nhận định, dưới thời ông Tập Cận Bình, chủ nghĩa thực dụng hiện nay đã chiếm ưu thế hơn hẳn ý thức hệ hay nguồn gốc xuất thân của các đối tác trong chính sách đối ngoại Trung Quốc hiện hành. Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách không can thiệp vào công việc nước khác nếu thấy cần thiết để bảo vệ (cái gọi là) lợi ích của họ và mưu cầu một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.
Có thể con đường phía trước của bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD còn nhiều thử thách, chưa hết chông gai nhưng những gì đã và đang diễn ra trong mấy ngày qua đã cho thấy sức mạnh của lòng dân, sức mạnh của sự công khai minh bạch trong thế giới thông tin internet và cả sự dũng cảm của các nhà lãnh đạo đảng USDP cầm quyền.
Những chính khách này đã vượt qua được chính mình, vì cái chung mà chấp nhận thất bại, chúc mừng đối thủ, dư luận có đủ cơ sở tin tưởng rằng dân tộc Myanmar sẽ bước sang một kỷ nguyên mới huy hoàng của hòa hợp - hòa giải và phát triển, phồn vinh.