Bà Aung San Suu Kyi sẽ xiết chặt kiểm soát các dự án đầu tư từ Trung Quốc?

04/12/2015 15:38
Hồng Thủy
(GDVN) - Đầu tư từ Trung Quốc đã chạm vào dây thần kinh của nhiều người Myanmar, so với các nước khác trong khu vực.

South China Morning Post ngày 4/12 bình luận, chính phủ mới của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo sẽ phải cân bằng giữa nhu cầu vốn đầu tư từ Trung Quốc với đòi hỏi của cử tri về một bộ máy chính quyền trong sạch hơn sau nhiều thập kỷ tham nhũng.

Zhang Qiang, chủ đầu tư một khu mỏ ngọc bích từ Vân Nam, Trung Quốc sang Myanmar làm ăn cho biết, trước đây lót tay cho quan chức để bôi trơn là điều kiện tiên quyết để có thể nhận được dự án. Ông đã trả từ vài ngàn đến vài chục ngàn cho các quan chức địa phương Myanmar và người môi giới để được khai thác ngọc.

Thấy trước được khả năng NLD sẽ giành thắng lợi, ông Tập Cận Bình đã mời bà Aung San Suu Kyi thăm chính thức Trung Quốc với tư cách lãnh tụ đảng NLD mấy tháng trước đó. Ảnh: The Malaysian Insider.
Thấy trước được khả năng NLD sẽ giành thắng lợi, ông Tập Cận Bình đã mời bà Aung San Suu Kyi thăm chính thức Trung Quốc với tư cách lãnh tụ đảng NLD mấy tháng trước đó. Ảnh: The Malaysian Insider.

Giống như nhiều mỏ ngọc ở bang Kachin miền Bắc Myanmar, mỏ của Zhang Qiang cũng gây ra nhiều vấn đề về môi trường và xã hội bởi sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền. "Các mỏ ngọc bích Trung Quốc đang hủy hoại môi trường, và tôi không có sự lựa chọn nào khác bởi mọi người ai cũng làm thế."

Nhưng điều này có thể sớm phải thay đổi. Chính phủ mới gần như chắc chắn do NLD dẫn đầu sau chiến thắng "long trời lở đất" vừa qua đang đứng trước yêu cầu cấp bách thúc đẩy kinh tế đất nước và diệt trừ tham nhũng.

Sean Turnell, một nhà kinh tế học Đại học Macquarie từ Úc và là cố vấn của bà Aung San Suu Kyi cho hay: "Đầu tư từ Trung Quốc sẽ được chào đón. Tôi không nghĩ NLD sẽ thù địch với nó, nhưng mọi thứ sẽ được tổ chức với tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với trước đây."

Đầu tư từ Trung Quốc đã chạm vào dây thần kinh của nhiều người Myanmar, so với các nước khác trong khu vực. Lúc cao điểm, tiền đầu tư của Trung Quốc không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước này, mà còn làm gia tăng nỗi thất vọng về quan niệm lâu nay của nhiều người nghĩ rằng Myanmar là "chư hầu" của Trung Quốc, thúc đẩy tham nhũng, suy thoái môi trường và bỏ qua mọi tiếng nói của người dân.

Năm 2011 chính quyền bán quân sự thời Tổng thống Thein Sein đã đình chỉ việc xây dựng đập Myitsone, một dự án gây tranh cãi do Trung Quốc tài trợ và được thực hiện bởi nhà thầu Trung Quốc. Động thái này được xem như gáo nước lạnh dội vào Trung Quốc vốn cần Myanmar như một đối tác địa chiến lược quan trọng.

Nhiều người xem động thái này là dấu hiệu Myanmar đang kéo mình ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc và mở ra cánh cửa cho phương Tây sau nhiều thập kỷ bị cô lập. 

Michael Davis, giám đốc châu Á của tổ chức Global Witness cho biết: Đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar vẫn chưa phục hồi hoàn toàn kể từ đó. Việc Myanmar ngừng hoạt động của dự án khai thác mỏ đồng Letpadaung do một công ty nhà nước Trung Quốc làm chủ thầu đã bồi thêm nỗi thất vọng sâu sắc của Bắc Kinh.

Bà Aung San Suu Kyi động viên những người dân quanh mỏ đồng Letpadaung. Ảnh: The Star.
Bà Aung San Suu Kyi động viên những người dân quanh mỏ đồng Letpadaung. Ảnh: The Star.

Trong năm 2014 Myanmar quyết định từ bỏ một dự án lớn do Trung Quốc đề xuất, tuyến đường sắt nối Vân Nam với bang Rakhine tổng trị giá 20 tỉ USD. Mặc dù có những thất bại liên tiếp, Trung Quốc vẫn là nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp của Myanmar.

Trong 4 năm qua, chính phủ của Tổng thống Thein Sein đã lúng túng trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài thay thế. Chính phủ mới của NLD sẽ phải chịu áp lực nhiều hơn trước những gì người tiền nhiệm chưa làm được.

Michael Davis tin rằng, Myanmar sẽ là một điểm đến tuyệt vời cho các nhà đầu tư phương Tây và chính phủ mới rất muốn thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế, Trung Quốc sẽ là một phần quan trọng trong số đó.

Sun Yun, một chuyên gia từ chương trình Đông Á của Trung tâm Stimson, Hoa Kỳ nhận xét: Tổng thống Thein Sein và chính phủ của ông đã phải có một vài cử chỉ với Trung Quốc trước áp lực ông phải chứng minh cho người dân thấy, mình đứng về phía họ chứ không phải nhà thầu Trung Quốc.

Nhưng với bà Aung San Suu Kyi đang có sự ủng hộ sẵn có rất lớn từ quần chúng, bà sẽ có không gian linh hoạt để xử lý mối quan hệ Myanmar - Trung Quốc trên quan điểm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc của mình.

Tuy nhiên với Trung Quốc, họ có thể sẽ vẫn gặp rắc rối bởi khả năng một nhà lãnh đạo mới không thể đoán trước ở Myanmar. Bắc Kinh đã từng rất tự tin rằng, là nước láng giềng lớn nhất và đối tác kinh tế quan trọng của Myanmar, họ có khả năng "thương lượng chính trị mạnh mẽ", nhưng thực tế bây giờ không phải như vậy.

Hồng Thủy