Ba ngày với phi công SU 30MK của Không quân Việt Nam

11/12/2012 14:21
Theo QĐND
Xưa nay, tôi và nhiều người vẫn nghĩ: Phi công lái máy bay chiến đấu có đời sống vật chất cao; sinh hoạt trong môi trường khép kín, được bảo vệ nghiêm ngặt; và lẽ dĩ nhiên tính cách “kiêu kỳ” là một phần hệ quả của lối sống đó...

Xưa nay, tôi và nhiều người vẫn nghĩ: Phi công lái máy bay chiến đấu có đời sống vật chất cao; sinh hoạt trong môi trường khép kín, được bảo vệ nghiêm ngặt; và lẽ dĩ nhiên tính cách “kiêu kỳ” là một phần hệ quả của lối sống đó...

Thế nhưng, quan niệm đó của tôi đã thay đổi sau khi gặp những phi công lái máy bay chiến đấu tiên tiến SU 30MK của Quân đội ta ở Trung đoàn Không quân 923, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân.

Những chiến sĩ phi công giản dị hơn tôi tưởng rất nhiều. Bắt đầu từ bữa ăn! Thú thực, khi bắt đầu từ chuyện ăn uống này, tôi cảm thấy có phần “khiếm nhã” nhưng nghe dân gian nói nhiều, đâm ra tôi khá bất ngờ.
Thiếu tá Bùi Đình Hậu bên khoang lái mô phỏng máy bay SU 30MK
Thiếu tá Bùi Đình Hậu bên khoang lái mô phỏng máy bay SU 30MK

Có vài người thường tỏ ra thạo chuyện kể về bữa ăn của phi công với một dẫn chứng “hùng hồn”: Sâm cô đặc đến mức “cắm tăm” dùng làm thức uống cho phi công!

Người nghe dĩ nhiên tin vào chuyện này, bởi lẽ, chuyện đào tạo phi công (và đặc biệt phi công lái máy bay chiến đấu) được tính “một cân thịt một cân vàng”. Người quý thế, phải chăm! - Ấy là chuyện dân gian nghĩ.

Thế nhưng, khi ngồi vào bàn, ăn thức ăn của phi công rồi, tôi mới vỡ lẽ, dân gian ta quả có óc tưởng tượng phong phú.

Bữa cơm rất ngon, nhưng thực phẩm cũng chỉ là những thứ thường dùng như thịt gà, thịt lợn, rau xanh trong bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình.

Với điều kiện vật chất của nhiều gia đình bây giờ, ngày nào ta cũng được ăn “cơm phi công” mà không biết. Còn thức uống sau bữa ăn là chè xanh, có thêm đường, ai uống bao nhiêu tùy khẩu vị mà lấy. Tóm lại không quá đặc biệt, nếu không muốn gọi là giản dị.

Về tiện nghi sinh hoạt, mỗi anh được bố trí một phòng có công trình phụ khép kín. Trong đó được trang bị một giường nằm, một bàn đọc, một bàn uống nước, một tủ quần áo, tài liệu.

Những thứ khác phải bỏ tiền ra sắm, ví dụ như: Máy vi tính, loa, đài, đèn bàn, xô, chậu... Phi công chiến đấu của chúng ta là những người ham học, ngoài những giờ học nghiệp vụ, các anh còn học thêm ngoại ngữ, vi tính.

Như thiếu tá Nguyễn Trường Nam, Chính trị viên Phi đội 1 là một ví dụ, ngoại ngữ có thể sử dụng được tiếng Nga, tiếng Anh; vi tính đủ giỏi để ráp một bộ máy (phần cứng), còn các phần mềm chỉnh sửa video, photoshop đều rất khá... Tất cả “kỹ năng” này đều là mày mò, tự học. Anh nói: “Hằng tuần, anh em vẫn mời thầy giáo ở ngoài vào dạy ngoại ngữ”.

Các phi công thực hiện bài tập thể lực môn thể thao hàng không
Các phi công thực hiện bài tập thể lực môn thể thao hàng không

Doanh trại dành cho phi công là tòa nhà hai tầng. Trước mặt “doanh trại” có đất để tăng gia sản xuất. Các anh còn xây dựng một vườn hoa, cây cảnh trông khá hợp với kiến trúc tòa nhà.

Đợt mới rồi, nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", các anh vừa khánh thành một công trình, kiểu: “câu lạc bộ chiến sĩ” như vẫn thường thấy ở các đơn vị. Đây là nơi để mọi người ngồi uống nước, tâm sự trong giờ giải lao.

Ba ngày ở đơn vị, chúng tôi thường lui tới “câu lạc bộ chiến sĩ” này để trò chuyện cùng anh em phi công. Qua những chuyện "bên lề" này tôi mới biết về cơ bản, thu nhập của phi công cũng theo chức vụ quân hàm, cộng với mấy chục phần trăm lương, tùy theo “bậc lái”.

Với thu nhập đó, một anh phi đội trưởng đã có hàng trăm giờ bay chiến đấu, cũng “mất thăng bằng” khi nuôi một vợ hai con ở Hà Nội, nên nhiều anh chọn giải pháp để vợ ở quê.

Một chút “hiểu biết” về những người vợ phi công cũng khiến tôi ngạc nhiên. Nhiều chị thực sự là “hậu phương vững chắc”, họ chia sẻ với chồng vất vả và cả những vinh dự.

Họ cũng giản dị như những người vợ bộ đội khác. Điều chị em sợ nhất là khi đi chợ, người bán nói: “Chồng làm phi công, tiếc gì mấy đồng bạc”. Ấy là họ không biết, chứ thực, vợ phi công cũng phải tằn tiện như ai...

Nghe chuyện “hậu phương quân đội” này, Thượng úy phi công Võ Quốc Hùng, chỉ cười. Tuổi đời anh còn trẻ, gia đình riêng chưa có. Hai tuần có một đợt đi tranh thủ, cả đi lẫn về mất một ngày, còn lại một ngày ở với gia đình. Trong khoảng thời gian ngắn giữa đi về quê và ở thăm cha mẹ, anh vẫn chưa tìm cho mình được “đối tượng” nào.

Chuyện tình phi công rất thú vị. Vì có cái danh “phi công” nên bè bạn cảm phục, ngưỡng mộ lắm. Song sau ánh hào quang lấp lánh đó, phi công chiến đấu có thời gian riêng tư eo hẹp. Nhiều anh phải để bố mẹ đi “nhắm hộ” rồi về quê lấy vợ. Có anh “khá hơn”, tìm về với những “cô bạn chung lớp”.

Cô gái nào không thông cảm thì sẽ cảm thấy yêu phi công rất chán, có cô trách: “Các anh cứ vi vu đâu mãi trên trời, nhưng tối thứ bảy, ngày phụ nữ chẳng bao giờ các anh có mặt”. Khổ nỗi, các anh phải chấp hành kỷ luật quân đội “nghiêm gấp hai lần”, làm sao có nhiều phút riêng tư như thế?

Về chuyện kỷ luật quân đội này cũng gây cho tôi ít nhiều bất ngờ. Số là, lúc đến đơn vị, thấy phi công lúc nào cũng có vẻ thư thái, nhàn tản, nhưng có biết đâu rằng đó là ở tại trại, chờ nhiệm vụ. Mà nhiệm vụ của phi công chiến đấu có thể đến bất cứ lúc nào.

Nói như Chủ nhiệm chính trị trung đoàn Hoàng Đình Dũng là “luôn có phương án hai cho phi công”. Lúc ra ngoài doanh trại, họ lại “bị đánh giá” chấp hành kỷ luật đôi khi hơi thái quá. Thượng úy Võ Quốc Hùng tâm sự: “Cả trung đoàn họ nhìn vào, ai cũng nói phi công được ưu ái, chính vì thế mà phải gương mẫu chấp hành kỷ luật hơn”.

Nền nếp này, được xây dựng từ mỗi học viên lái máy bay chiến đấu, và theo suốt cuộc đời họ đến sau này.

Mấy ngày trò chuyện với phi công chiến đấu, mới hiểu họ không khô khan, cứng nhắc như vẻ bề ngoài. Họ là những người có tấm lòng rộng mở như bầu trời.

Theo QĐND