Thảo luận về các nội dung dự kiến giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017, Phó Chủ tịch Quốc hội – bà Tòng Thị Phóng cho rằng, Quốc hội nên chọn nhóm giám sát tối cao đối với an toàn thực phẩm.
Đây là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của từng người dân, từng gia đình và toàn xã hội.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Các vấn đề xã hội thực hiện giám sát việc ban hành các văn bản pháp luật, thi hành pháp luật ở các lĩnh vực, bởi đây là lĩnh vực hiệu quả thực sự còn thấp.
Bà Phóng đánh giá: "Có lẽ đây là lĩnh vực giám sát có hiệu quả thấp nhất của Quốc hội. Nhiều văn bản viết như trên giời, dưới đất mà chẳng ai biết. Có những luật ban hành bao nhiêu năm mà cũng không hướng dẫn thực hiện, cuối cùng chẳng ai có ý kiến.
Tôi đề nghị Quốc hội nhiệm kỳ này tập trung cao cho việc uốn nắn, phải đi vào đúng đường ray thi hành pháp luật. Như vậy hiệu quả sẽ cao hơn nhiều là việc rồng rắn đến các địa phương thăm hỏi, động viên, lắng nghe. Địa phương người ta không dám nói, nhưng báo cáo các đồng chí là vẫn còn chồng chéo.
Vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí quan tâm thường xuyên để làm sao đạt hiệu quả tốt hơn. Năm nay, trong nhóm việc của tôi, đề nghị đi vào kiểm tra việc thực hiện luật pháp".
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải tập trung giám sát việc thực thi pháp luật trên mọi lĩnh vực. ảnh: Ngọc Quang. |
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần thiết phải giám sát tối cao về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng thời, ông Giàu đề nghị phải thực hiện giám sát chính sách pháp luật và cải cách hành chính, gắn với hệt hống chính trị về giảm biên chế.
"Tôi có đọc báo cáo của Bộ Nội vụ được biết, 10 năm vừa qua tăng thêm 572 xã, cán bộ xã tăng 105.000 người.
Từ ngày Bộ Chính trị có Nghị quyết số 39, nhiều cơ quan gương mẫu chấp hành, nhưng nhiều cơ quan vận dụng chưa tốt khi thành lập cơ quan mới. Làm thế này thì ngân sách nào mà chịu nổi", ông Giàu nói.
Ngoài ra, có hai nhóm vấn đề ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị giám sát ở cấp Thường vụ Quốc hội là việc triển khai các dự án BOT và việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển.
Ông Giàu đánh giá, xã hội hóa là cần thiết, nhưng cần phải tính toán thật hợp lý, quá nhiều trạm thu phí nên gây ra bức xúc cho người dân.
Trong khi đó, bà Lê Thị Nga đề nghị rà soát những nội dung đã giám sát, làm rõ nội dung nào chưa thực hiện để Quốc hội biết và theo dõi, đôn đốc thực hiện các nghị quyết đã ban hành.
Bà Nga cũng đồng thời bày tỏ sự đồng tình với Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng về yêu cầu giám sát việc ban hành các văn bản thực thi pháp luật.
“Qua theo dõi Quốc hội 4 khóa, tôi thấy đây là khâu giám sát yếu nhất. Hầu như chúng ta đi theo giám sát chuyên đề, nhưng có những luật của chúng ta nằm ở tình trạng luật khung rất nhiều.
Khi đại biểu đi tiếp xúc thì cử tri kiến nghị rất nhiều là tại sao Quốc hội ban hành luật khung? Vì khi trình ra luật thì Chính phủ cũng chưa nghĩ ra các chính sách, nội dung đấy là gì.
Do đó đành kiến nghị là để giao cho Chính phủ. Sang đến Quốc hội thì cũng chưa nghĩ ra cụ thể chính sách là gì. Do đó dẫn tới tình trạng một số quy định phải có văn bản hướng dẫn.
Nhiều luật ngay cả khi sửa đổi rồi mà văn bản hướng dẫn của luật cũ cũng chưa có. Chúng tôi đề nghị Thường vụ Quốc hội và các ủy ban phải chú ý tới vấn đề này hơn”, bà Nga nêu quan điểm.
Thượng tướng Võ Trọng Việt: “Phải xem lại công tác cán bộ” |
Ở mức độ giám sát tối cao, bà Lê Thị Nga đề nghị Quốc hội giám sát vấn đề an toàn giao thông, vì tính vĩ mô và cấp thiết của tình hình .
Bà Nga dẫn chứng, trong khoảng 20 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam có khoảng 9.000 người chết vì tai nạn giao thông; số người bị thương gấp đôi số người chết.
Đây là những mất mát rất lớn, là gánh nặng cho các gia đình và cho cả xã hội.
“Một quốc gia hòa bình, cuộc sống bình an không có chiến tranh, không phải vì thiên tai mà mỗi ngày chết gần 30 người. Sáng nay chúng ta ngồi đây, đến chiều là chết gần 30 người. Có ngày giảm xuống, nhưng có ngày tăng lên.
Tôi cho rằng phải có giải pháp với vấn đề này, không thể để tình trạng đường hẹp cũng chết, đường rộng cũng chết, phương tiện lạc hậu cũng chết, phương tiện hiện đại cũng chết”, bà Nga nói.
Theo tờ trình của ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội, có 8 nhóm nội dung sẽ được trình ra xin ý kiến Quốc hội để đưa vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017 gồm:
Nhóm nội dung về pháp luật: Việc thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chất lượng đội ngũ cán bộ công chức hoạt động tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp; việc thực hiện Luật thủ đô; việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Nhóm nội dung về hoạt động tư pháp: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; việc thực hiện pháp luật trong thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng giai đoạn từ năm 2012 đến nay; kết quả triển khai, thực hiện Luật thi hành án hình sự.
Nhóm nội dung về kinh tế: Việc thực hiện chính sách pháp luật trong đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT); việc thực hiện chính sách, pháp luật về nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế, về cải thiện môi trường đầu tư, về đấu thầu đối với các dự án quan trọng quốc gia.
Nhóm nội dung về tài chính-ngân sách: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về nợ công giai đoạn 2011 -2016, về thu hút, quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ giai đoạn 2011- 2016.
Việc thực hiện quy định của pháp luật về thu phí bảo trì đường bộ và phí giao thông đường bộ theo hình thức BOT; việc thực hiện pháp luật và hiệu quả hoạt động của Công ty quản lý tài sản (VAMC).
Nhóm nội dung về xã hội, dân tộc: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016, về chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tình hình triển khai và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi; việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người lao động tại các doanh nghiệp
Nhóm nội dung về văn hóa, giáo dục: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo gắn với giải quyết việc làm, về chất lượng giáo dục đại học, sau đại học và liên kết đào tạo với tổ chức nước ngoài, về quản lý lễ hội và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Nhóm nội dung về tài nguyên, môi trường: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư, về bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2016.
Nhóm nội dung về quốc phòng-an ninh, đối ngoại, dân nguyện: Việc thực hiện chính sách pháp luật trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố.
Việc thực hiện các điều ước quốc tế về tự do thương mại mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển; việc thi hành pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong việc thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.