Ngày 9/3, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho biết, Sở vừa có văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Lục Ngạn, Sơn Động về việc hướng dẫn ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập không chuyên năm học 2023-2024.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Phương Sơn (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Ngọc Mai. |
Theo đó, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập không chuyên năm học 2023-2024 của Bắc Giang sẽ thi 3 môn: Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Môn Toán và tiếng Anh thi theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận.
Cụ thể, cấu trúc đề thi môn Toán gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm (chiếm 30%), trong đó có 14 câu kiến thức đại số và 6 câu kiến thức hình học. Phần tự luận (chiếm 70%) với 5 câu hỏi.
Cấu trúc đề thi môn tiếng Anh gồm 80% trắc nghiệm và 20% tự luận.
Bài thi môn Ngữ văn bao gồm 2 phần. Phần Đọc hiểu (4 điểm) và Làm văn (6 điểm).
Phạm vi đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập không chuyên của tỉnh Bắc Giang gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình trung học cơ sở hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu nằm trong chương trình học lớp 9.
Trước đó, ngày 25/8/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cũng đã có văn bản ban hành khung phân phối chương trình thực hiện trong năm học 2022-2023. Nội dung dạy học đối với học sinh lớp 9 được thực hiện trong 2 giai đoạn.
Giai đoạn đầu, dạy nội dung cốt lõi. Trong giai đoạn này, Sở yêu cầu cần bố trí trong mỗi giờ dạy có sự hài hòa cả lý thuyết và bài tập, thực hành để học sinh nắm được nội dung cốt lõi của đơn vị kiến thức.
Giai đoạn sau tiến hành dạy phần bổ sung, ôn tập và luyện tập. Sở lưu ý các trường chú trọng ôn luyện cho học sinh những dạng bài điển hình của nội dung kiến thức được học. Kết hợp rà soát, tinh giản những nội dung vượt quá mức độ cần đạt của chuẩn kiến thức kỹ năng, bổ sung, cập nhật nội dung, thông tin mới, phù hợp để thay thế nội dung cũ, lạc hậu. Đồng thời, chú trọng liên hệ nội dung kiến thức với thực tiễn ở địa phương.