Học sinh vật vã ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 nhìn từ chương trình, chính sách

06/02/2018 07:06
Thảo Ly
(GDVN) - “Con thi vào 10 mà lo hơn thi đại học, vì đại học không đỗ trường này sẽ học trường khác. Nếu trượt vào cấp 3 thì biết làm gì?”.

LTS: Chia sẻ trước những áp lực và vất vả của các em học sinh kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay chuẩn bị diễn ra, tác giả Thảo Ly đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Năm nào cũng thế, thời điểm hết học kì 1 là học sinh khối lớp 9 tại các trường trung học cơ sở đã bắt đầu ráo riết ôn luyện để thi vào lớp 10. Nhưng chưa bao giờ áp lực lại đè nặng lên vai các bậc phụ huynh như lúc này.

Bởi theo dự báo số lượng học sinh thi vào 10 năm 2018 sẽ tăng đột biến so với nhiều năm trước. Cũng như cách đây gần 10 năm lứa học sinh này đã làm biến động nhiều trường học ở khắp nơi do các em được sinh vào năm đẹp (năm "dê vàng").

Xảy ra cuộc cạnh tranh vào lớp 10 bởi vì phần lớn học sinh đều muốn vào học tại trường công lập danh tiếng, chí ít cũng vào học tại ngôi trường công lập ngay tại địa phương. Nếu hai nguyện vọng trên bị trượt, các em buộc phải đi học bổ túc hoặc học cách nhà khá xa.

Các em học sinh vất vả ôn thi để thi tuyển vào lớp 10 (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn).
Các em học sinh vất vả ôn thi để thi tuyển vào lớp 10 (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn).

Chỉ tiêu vào 10 của nhiều trường công lập lại hạn chế. Bởi thế, muốn chen chân vào những trường này đòi hỏi học sinh phải có sự cạnh tranh gay gắt. Để thực hiện mong muốn ấy chỉ còn cách nỗ lực học và cạnh tranh trong thi cử.

Do đầu tư vào 3 môn học để thi Toán, Văn và Anh văn nên hầu như học trò lơ là hoặc không học những môn học còn lại.

Khá nhiều giáo viên dạy những môn Sử, Địa, Giáo dục công dân, Kĩ thuật…than rằng giờ dạy của mình mà nhiều em ngang nhiên mang sách toán, hay vở bài tập Anh văn ra ngồi học. Giáo viên nhắc nhở nhưng cũng chỉ ít phút sau chuyện đó lại tiếp diễn.

Thời điểm này, nhiều trường học bậc trung học cơ sở ở khắp nơi đều mở lớp ôn tập tại trường. Học sinh chủ yếu được đầu tư 3 môn thi trọng điểm Toán, Văn, Anh văn.

Thế rồi, học sinh học miệt mài từ sáng đến khuya. Sáng học bình thường trên trường, chiều đi học ôn, tối về học tại nhà giáo viên có tiếng tăm. Mỗi môn học tuần 2 buổi, ba môn phải học kín tuần.

Giáo viên có tiếng hốt bạc

Do nhiều trường mở lớp ôn thi ngay trong trường nên phần lớn học sinh đều đăng kí học thêm tại trường. Nhiều em để chắc ăn còn tìm đến địa chỉ những thầy cô dạy có tiếng để xin học.

Học sinh vật vã ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 nhìn từ chương trình, chính sách ảnh 2Quyết liệt cuộc đua vào lớp 10

Không ít giáo viên lợi dụng chuyện này để hét giá (chẳng khác gì ca sĩ nổi tiếng hét giá cát xê để chứng tỏ đẳng cấp).

Có giáo viên ra giá một cua dạy (dưới 10 em) phải đảm bảo 3 triệu đồng mới nhận. Có giáo viên lấy 200 nghìn đồng/buổi, học buổi nào trả tiền buổi ấy.

Có gia đình khá giả họ chấp nhận cho con theo học thời gian dài. Gia đình khó khăn thường để gần đến thời điểm thi mới cho con học tăng tốc để đỡ mất một khoản tiền.

Thương nhất là những phụ huynh làm nông hay buôn thúng bán bưng hàng ngày “phơi mặt ngoài trời” chỉ cóp nhặt được những đồng bạc lẻ nhưng vẫn quyết tâm cho con đỗ trường công vì theo chia sẻ “nếu nó không đỗ trường công sẽ phải nghỉ học vì gia đình không thể nuôi nổi”.

Một phụ huynh có con thi vào 10 cho biết: “Con thi vào 10 mà lo hơn thi đại học, vì đại học không đỗ trường này sẽ học trường khác. Nếu trượt cấp 3 thì biết làm gì?”.

Câu nói này của phụ huynh khiến chúng tôi thực sự trăn trở về chất lượng giáo dục phổ thông, cũng như giáo dục đại học của chúng ta hiện nay.

Chương trình phổ thông hiện hành khiến học sinh lười tư duy

Kiến thức mà giáo viên dạy ôn tập cho học sinh thi vào lớp 10 được gói gọn trong bộ tài liệu “ôn tập cho học sinh thi vào 10” do chính sở giáo dục của tỉnh phát hành.

Những kiến thức cơ bản mà học sinh cần nắm đã được tóm gọn đầy đủ trong sách.

Từng mảng kiến thức cần nhớ được hệ thống gần như chi tiết, từng tác phẩm, tác giả được trình bày rõ ràng. Rồi những gợi ý làm bài …

Chỉ nhìn vào mạch kiến thức được thiết kế trong sách ôn tập học sinh cũng có thể tự mình học mà chẳng cần phải đi ôn hết nơi này đến nơi khác.

Học sinh vật vã ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 nhìn từ chương trình, chính sách ảnh 3Học thêm trong nhà trường và những “bí kíp” kéo học sinh đến lớp

Thế nhưng rất ít em sử dụng cách học này vì lười tư duy vì quen được “dọn cỗ” sẵn bởi cách dạy cách học theo chương trình hiện hành.

Chương trình quá nặng trong khi các phương pháp dạy học được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xuống thì thay đổi như chong chóng, không khơi dậy được tinh thần tự học của học sinh.

Chưa nói đến việc bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, bỏ thi tuyển sinh vào lớp 6, bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay mấy năm gần đây là "không chấm điểm ở tiểu học" do áp dụng Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT đã khiến nhiều học sinh rất lơ là.

Chính vì thế khi đối diện với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhiều em sẽ hổng kiến thức hoặc nắm rất "lỗ mỗ", không tự tin vào khả năng của mình và chưa bao giờ được rèn khả năng tự học, nên buộc phải tìm đến các lò luyện thi.

Đây là một bài học rất đắt cho giáo dục phổ thông. Campuchia cũng đã từng gặp tình trạng gian lận thi cử, nhưng thay vì bỏ thi như ta, nước bạn quyết thắt chặt thi cử nghiêm minh loại trừ gian lận, và học sinh chỉ có cách tập trung học thật sự mới mong tốt nghiệp.

Xã hội Campuchia đã trở thành một xã hội học tập, tự học.

Trong khi phần lớn học sinh của chúng ta đều đăng kí đi học thêm để “thầy cô hướng dẫn và giải giúp”.

Nắm được thị hiếu của học sinh, nhiều thầy cô đã bỏ công soạn bài một cách chi tiết.

Thế rồi vào lớp ôn tập, thay vì giáo viên chỉ cần hướng dẫn để học sinh tự mình học tập thì thầy cô lại bỏ công làm sẵn và chỉ việc đọc cho các em chép về nhà học thuộc.

Có học sinh nói rằng thà bỏ công học thuộc còn hơn suy nghĩ tự làm, "nó đau đầu lắm”.

Thế nên có phụ huynh bức xúc: “Con tôi đi học mà cô cho chép một bài văn dài đến vài trang. Học kiểu này chỉ có nước đui luôn chứ giỏi gì”.

Còn học sinh lại cho biết: “Thầy cô làm sẽ chắc ăn hơn chính mình tự học. Muốn thi đạt điểm cao thì phải vậy thôi”.

Chấm dứt dạy thêm học thêm trong ngành giáo dục của chúng ta có lẽ sẽ mãi ở những công văn và những câu nói.

Thế hệ chúng tôi tuy học chương trình cũ mang tiếng là "lạc hậu" để người ta lập dự án thay mới chương trình - sách giáo khoa, nhưng lứa chúng tôi học hết lớp 9 nếu bạn nào không đỗ cấp 3 vẫn có thể vào đời kiếm sống. Không ai phải tự ti hay mặc cảm.

Nhưng chương trình hiện hành, học hết lớp 12 cũng chưa biết làm gì nếu không "học tiếp". Học hết đại học thì rất nhiều em thất nghiệp. Rõ ràng chính sách giáo dục phổ thông lẫn giáo dục đại học của chúng ta rất có vấn đề.

Do đó, chúng tôi thiết nghĩ cần có một cuộc tổng đánh giá lại thực trạng giáo dục một cách hệ thống, khách quan, khoa học và cầu thị để tìm ra những giải pháp căn cơ thay đổi từ gốc rễ các tồn tại của giáo dục hiện nay, mọi thứ mới có thể cải thiện.

Chừng nào giáo dục còn đổi mới chạy theo những dự án, đề án không ai tổng kết tính hiệu quả, chi phí và không ai chịu trách nhiệm, thì giáo dục vẫn còn "gà què ăn quẩn cối xay".

Thảo Ly