Bạo lực có xu hướng gia tăng tại Hồng Kông khi cảnh sát sử dụng hơi cay, dùi cui để giải tán người biểu tình. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 20/10 đưa tin, Bắc Kinh sẽ không tìm kiếm cách kết thúc nhanh chóng cuộc khủng hoảng chính trị tại Hồng Kông để tránh bị bối rối khi đang tổ chức kỳ họp trung ương 4 và diễn đàn APEC tuần tới.
Nguồn thạo tin chính giới Bắc Kinh cho biết, Trung Nam Hải lo ngại răng các nhóm "cực đoan" ở Hồng Kông không chỉ biểu tình đòi bầu cử phổ thông đầu phiếu năm 2017 mà còn đang thúc đẩy chiến dịch đòi độc lập cho thành phố này "dưới vỏ bọc dân chủ, phối hợp tích cực với các thế lực ngoại quốc".
Hôm qua tờ Nhân Dân nhật báo đã có bài xã luận cho rằng phong trào "chiếm trung tâm" ở Hồng Kông thực chất là một nỗ lực tìm kiếm sự độc lập chính trị ra khỏi sự kiểm soát của Bắc Kinh. Phong trào biểu tình này có thể đòi quyền tự quyết, thậm chí là độc lập cho Hồng Kông.
Các cuộc biểu tình ở Mong Kok đang ngày càng trở nên bạo lực hơn, hàng chục người bao gồm cả nhân viên cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ với người biểu tình cuối tuần qua. Lương Chấn Anh, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông tuyên bố: Có những thế lực bên ngoài đã can thiệp vào tình hình ở Hồng Kông.
Trong khi đó các nhà lập pháp đòi dân chủ ra tuyên bố chung cho biết, cuộc đối đầu giữa người biểu tình với cảnh sát là hệ quả của việc Lương Chấn Anh nỗ lực dẹp các cuộc biểu tình ở Mong Kok, họ kêu gọi 2 bên kiềm chế. Những nhà lập pháp này cho rằng, gọi cuộc biểu tình là "ngoài tầm kiểm soát" hay "hỗn loạn" là một sự thiên vị, phần lớn người ta biểu tình trong hòa bình.
Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ một nam thanh niên 23 tuổi ở Tin Shui Wai hôm Thứ Bảy, một thông điệp trực tiếp đến những người biểu tình rằng chính quyền sẽ mạnh tay nếu họ tiếp tục làm tê liệt các tuyến đường trong thành phố. Dong Likun, một nhà nghiên cứu cao cấp Viện Hồng Kông - Ma Cao cho biết, Bắc Kinh sẽ không cảm thấy xấu hổ nếu các cuộc biểu tình tiếp tục trong thời gian diễn ra APEC.
"Trong một xã hội dân chủ, biểu tình là hoạt động bình thường của những người có quan điểm bất đồng với chính quyền", ông nói. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không có thỏa hiệp nào, họ cũng sẽ tránh đổ máu. Miễn là Bắc Kinh hoạt dộng trong khuôn khổ nguyên tắc một nước hai chế độ, không có quốc gia nước ngoài nào có thể "đổ lỗi" cho Trung Quốc về vấn đề này.