Lý giải của Bộ Tài chính về việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cho thấy tầm quan trọng của khoản thuế này với ngân sách quốc gia.
Cụ thể, số thu từ thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 là 105.985 tỷ đồng, trong đó năm 2012 là 11.160 tỷ đồng; năm 2013 là 11.512 tỷ đồng; năm 2014 là 11.970 tỷ đồng; năm 2015 là 27.020 tỷ đồng ; năm 2016 khoảng 44.323 tỷ đồng.
Thuế bảo vệ môi trường chiếm tỷ trọng khoảng 1,36% - 4,27% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 0,34% - 0,97% trên tổng sản phẩm trong nước hàng năm.
Nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường càng có ý nghĩa lớn hơn khi nguồn thu thuế nhập khẩu sẽ giảm, ảnh hưởng tới thu ngân sách.
Để giải bài toán hụt thu ngân sách khi thuế nhập khẩu giảm Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với loạt sản phẩm hàng hóa như xăng dầu, túi nilon, bao bì được làm từ nhựa…
Tuy nhiên, nhìn góc độ chính sách ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cách làm của Bộ Tài chính chưa giải quyết tận gốc của vấn đề.
Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân - ảnh minh họa/ nguồn: Petronews.vn. |
Theo ông Thuận, khi ký kết tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chúng ta biết thuế nhập khẩu từ các nước này sẽ về 0% và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Đáng lẽ ngay thời điểm ký kết các hiệp định chúng ta phải có kịch bản để có khoản thu bù vào phần ngân sách thiếu hụt này hoặc đưa ra chính sách tiết kiệm, giảm chi để không tăng áp lực thu ngân sách.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, mức khung tăng thuế bảo vệ môi trường trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường Bộ Tài chính đưa ra quá cao. Trong khi số tiền ấy thu về không chỉ chi cho bảo vệ môi trường, mà là hòa vào thuế chung chi cho các việc khác nữa.
Phân tích cụ thể, ông Thuận cho biết, theo Bộ Tài chính khoản thu thuế bảo vệ môi trường không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà được sử dụng để bố trí, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý và hoạt động định hướng phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo quy định...
“Nói cách khác thuế bảo vệ môi trường được hòa vào ngân sách chi tiêu chung, trong đó có cả chi trả tiền lương cho bộ máy hành chính.
Điều này đặt ra vấn đề vì sao không tiết kiệm chi bằng cách tinh giảm bộ máy biên chế, tinh giảm số người nhận lương ngân sách?”, ông Thuận đặt câu hỏi.
Theo ông Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cần tinh giảm biên chế để giảm gánh nặng ngân sách - ảnh Hoàng Lực. |
Theo Bộ Tài chính, bội chi ngân sách năm 2016 ước tính ở mức 5,64% GDP, tương đương 254 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách ước đạt 1.039 nghìn tỷ đồng và bằng 102,4% so với dự toán. Trong khi đó, chi ngân sách lên tới 1.293 nghìn tỷ đồng, tương đương 106,3% dự toán.
Trong cơ cấu chi ngân sách, tỷ trọng chi dành cho đầu tư phát triển đang có xu hướng giảm, từ mức trung bình 29% chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2001-2010 xuống còn 25,6% giai đoạn 2011- 2015 và 20,1% ước tính năm 2016.
Trong khi đó, chi thường xuyên duy trì trên 70% chi ngân sách nhà nước kể từ 2011 cho tới nay. Điều này dẫn tới tình trạng thu ngân sách chỉ đủ cho các khoản chi thường xuyên.
Gánh nặng khổng lồ mà ngân sách phải cáng đáng để chi lương cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đang quá lớn.
Tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2016 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã, là 272.916 biên chế.
Trong đó, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 110.559 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 160.272 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.085 biên chế; biên chế công chức dự phòng 1.000 biên chế.
Ngoài ra tổng biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016 là 686 biên chế.
“Trong chi thường xuyên có chi để trả lương cho cán bộ công chức, viên chức. Tuy nhiên như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Vậy tại sao không loại bỏ 30% số cán bộ đó để giảm quỹ lương, giảm chi ngân sách”, ông Thuận đặt vấn đề.
Theo ông Thuận, giải bài toán ngân sách lúc này phải từ giảm chi, trong đó giảm chi thường xuyên bằng cách tinh giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách chứ không phải tăng thuế.
“Nếu giảm biên chế, giảm quỹ lương phải chi trả cho những cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp về” thì tôi tin chúng ta không cần phải tăng thuế mà vẫn có tiền để chi cho bảo vệ môi trường”, ông Thuận nói.