Băn khoăn chuyện "con tôi, con anh"
Một trong những giải pháp đột phá trong công tác cán bộ những năm tới là triển khai nhất quán chủ trương Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Nội dung này nhận được sự ủng hộ khá cao tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.
Hôm 21/5, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ kỳ vọng, việc thực hiện chủ trương trên sẽ giúp kiểm soát được quyền lực tốt hơn, tránh được sự ảnh hưởng từ các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em trong công tác cán bộ.
“Thực tế có chuyện Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện là người địa phương thường có sự đan xen mối quan hệ giữa gia đình, dòng họ với công việc.
Nếu cái tâm lãnh đạo không trong sáng, không khách quan, sẽ xảy ra những tiêu cực trong công tác cán bộ.
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 7. Ảnh: TTXVN. |
Tuy nhiên, nếu Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương thì việc cán bộ sử dụng quyền lực của mình để cài cắm người thân khi tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm sẽ hạn chế hơn rất nhiều, vì phải thông qua một người khác (ông Bí thư không phải là người địa phương đó - PV).
Do vậy, yếu tố khách quan trong quá trình tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm sẽ được đảm bảo hơn”, ông Nguyễn Tiến Dĩnh đánh giá.
Tuy nhiên điều khiến ông Nguyễn Tiến Dĩnh phân vân chính là mối quan hệ giữa những người đồng cấp trong công tác cán bộ theo kiểu “con tôi, con anh”:
“Trường hợp giữa hai ông Bí thư có mối quan hệ quen biết nhau, rất có thể xảy ra những câu chuyện tiêu cực trong công tác cán bộ theo kiểu "con tôi, con anh".
Tất nhiên chuyện này sẽ hạn chế hơn, bởi nó phải phụ thuộc vào ý chí, quan điểm của vị lãnh đạo địa phương kia nữa, nhất là trong thời điểm chúng ta đang siết chặt kỷ cương trong công tác cán bộ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu".
Chống "tham nhũng quyền lực"
Theo ông Dĩnh, "tham nhũng quyền lực" chính là việc lãnh đạo lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để bố trí, sắp xếp người nhà, người thân, chạy chức, chạy quyền để vào cơ quan nhà nước mà như cách dân gian vẫn nói "thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ...".
Do đó, để hạn chế tiêu cực trong công tác cán bộ nói chung, theo ông Dĩnh cần tập trung vào việc nêu gương và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh của VOV. |
"Nếu người đứng đầu không trong sáng dẫn đến việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sẽ mang yếu tố chủ quan. Điều này sẽ làm nảy sinh tiêu cực trong công tác cán bộ.
Ví dụ, nếu bố làm Bí thư thì việc đề bạt bổ nhiệm, bỏ phiếu cho người thân sẽ thuận lợi hơn so với những người khác. Ông Bí thư ngồi đó, không lẽ anh (cấp dưới) lại không bỏ phiếu cho người thân ông ấy?
Hay nói cách khác, việc đề bạt, bổ nhiệm này mang tính nể nang hơn là kiểm tra năng lực cán bộ.
Ngược lại, nếu người đứng đầu gương mẫu, trong sáng trong công tác cán bộ sẽ tốt. Ví dụ, nếu là Bí thư gương mẫu thì anh phải có ý kiến với tập thể về việc loại bỏ người thân của mình ra khỏi vị trí được đề bạt khi họ chưa đủ năng lực, điều kiện, chứ không phải lấy tập thể để hợp thức hóa ý đồ cá nhân.
Cho nên vai trò của người đứng đầu (tính gương mẫu, trách nhiệm) trong công tác cán bộ rất quan trọng, cần được đề cao và quy định chặt chẽ trong luật", ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết.