Chúng tôi có mặt tại Đoàn Đặc công Hải quân 126 giữa lúc đơn vị đang chuẩn bị đợt thay quân đi làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo, lại một mùa xuân cán bộ, chiến sĩ phải trải qua những ngày dài xa nhà, xa vợ con để làm bạn với biển khơi.
Bộ đội Đoàn Đặc công Hải quân 126 trong giờ luyện tập. |
Tuy biết ra đi là vất vả, để lại sau lưng một mùa xuân nhung nhớ, sự lo lắng về gia đình của mình. Nhưng trong ánh mắt họ đều toát lên niềm lạc quan, tin tưởng, quyết tâm.
Với vợ chồng Trung úy QNCN Nguyễn Văn Hoàn - chiến đấu viên Đội 2 và Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, đây không phải lần đầu họ chia tay, gặp họ trong căn phòng trọ đơn sơ, giản dị nhưng đầy ắp tiếng cười, Hoa tâm sự:
Anh Hoàn nhà em là người hiền lành tốt tính, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị giao, là người chồng, người cha mẫu mực đối với gia đình nên những gì anh phân tích đều thuyết phục, là người vợ khi chồng vắng nhà dài ngày ai mà chẳng buồn, nhưng lần này với em đỡ hơn nhiều vì cưới nhau mấy năm anh ấy đã đi công tác hai lần rồi, những lần xa chồng, thay anh lo liệu mọi việc gia đình, nuôi dạy con cái nên em đã quen và có bản lĩnh hơn.
Tôi thầm cảm phục ý chí, nghị lực của lính đặc công khi các anh thu xếp công việc gia đình quyết tâm lên đường làm nhiệm vụ. Vợ chồng Trung úy Nguyễn Quốc Anh - Phân đội trưởng thuộc Đội 2 là một minh chứng cụ thể.
Cưới nhau chưa đầy một năm, từ Quảng Xương (Thanh Hóa) đưa vợ ra Hải Phòng xin việc, tiền nhà trọ đã đặt cả năm, vợ đang mang thai tháng thứ 7, nhưng Quốc Anh đã động viên vợ, phân tích giảng giải để vợ thấu hiểu, đưa vợ về quê để bố mẹ có điều kiện chăm sóc vơi đi nỗi nhớ chồng.
Trâm, vợ anh, đã khóc nức nở vì phải xa chồng, cuộc sống xáo trộn, nhưng được sự động viên của Hoa, vợ đồng chí Hoàn nên Trâm đã dần nhận ra, vui vẻ về quê để chồng an tâm lên đường đi công tác.
Trung úy Nguyễn Ngọc Minh, phân đội trưởng thuộc Đội 1, với câu chuyện “chú rể châu Phi” được mọi người truyền miệng khắp đơn vị.
Cách lễ cưới 5 ngày, anh vẫn miệt mài huấn luyện ngoài biển với nội dung thả trôi nhiều giờ trên biển, nước biển mặn, cùng với nắng thao trường làm làn da “chú rể” bong ra từng miếng, da mặt sạm, đôi môi thâm đen.
Mỗi khi cười, Minh để lộ ra hàm răng trắng muốt, nên bị nhiều người gọi đùa là “chú rể châu Phi”.
Còn đó tấm gương Trung úy QNCN Lại Đức Thịnh với câu chuyện cảm động đám cưới không có chú rể. Nhiều người nói rằng, thời bình ai lại thế, cưới nhau là việc hệ trọng sao không xin đơn vị để nghỉ cưới vợ, nhưng bằng ý chí và nghị lực của mình, Thịnh quyết tâm lên đường làm nhiệm vụ.
Vào một buổi tối đẹp trời, trong cái rét ngọt của mùa xuân, Thịnh khoác vai vợ chưa cưới đi trên con đường làng.
Dưới ánh sáng mờ ảo của đèn đường thôn quê, anh đã nói thật lòng mình, phân tích tận tường để vợ hiểu và thông cảm, lúc đó vợ Thịnh chỉ yên lặng và khóc, anh hiểu rằng giọt nước mắt của vợ đã chia sẻ, đồng cảm với mình.
Cũng vào khoảnh khắc đó, trong căn nhà ấm tình đồng đội, mấy con gà trong chuồng cùng với thực phẩm mua về, mẹ Thịnh sửa soạn vài mâm cơm tươm tất, xin phép tổ tiên,
họ hàng và đón cô dâu mới về trước sự chứng kiến của những người thân trong gia đình và một số bạn bè thân thiết để hôm sau anh lên đường… Còn đám cưới bên nhà gái được tổ chức ngay ngày hôm sau nhưng chỉ có bức ảnh vợ chồng Thịnh treo trên phông cưới...
Trong thời buổi kinh tế thị trường, không ít người chạy theo lối sống thực dụng, cầu an.
Đối với người lính Đặc công Hải quân, các anh luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; ở hậu phương khi vợ các anh đa số chưa có việc làm ổn định, con còn nhỏ, cuộc sống gia đình khó khăn thì sự rèn luyện, bản lĩnh và ý chí quyết tâm, chấp nhận gian khổ hy sinh của các anh thật phi thường. Họ đáng được tôn vinh biết bao.