Căng thẳng đã được đẩy lên một cập độ mới sau khi Mỹ đe dọa sẽ trả đũa sự phát triển tên lửa hành trình mới của Nga và cho rằng Moscow đã vi phạm một trong các điều ước về kiểm soát vũ khí chiến lược và thúc đẩy Washington tái triển khai tên lửa hành trình của mình tới châu Âu sau 23 năm vắng bóng.
Một trong những dấu hiệu rõ ràng hơn về sự bất an này là quân đội Mỹ gần đây đã tiến hành triển khai hệ thống JLENS ở Washington được thiết kế phát hiện các tên lửa hành trình nhắm tới nước Mỹ.
Một tàu ngầm nguyên tử của Nga tại căn cứ hải quân Murmansk. |
NORAD không xác định bản chất của mối đe dọa, nhưng việc triển khai này diễn ra 9 tháng sau khi chỉ huy NORAD, tướng Charles Jacoby thừa nhận rằng Lầu Năm Góc phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc chống lại các tên lửa hành trình và các mối đe dọa từ tàu ngầm tấn công của Nga.
Jeffrey Lewis, một chuyên gia kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey và sáng lập trang ArmsControlWonk.com tin rằng, JLENS chủ yếu là phản ứng với một động thái của Nga bắt đầu tái vũ trang tàu ngầm tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, Nga được tin là đang phát triển tên lửa hành trình Club-K có thể được giấu gọn trong một chiếc container. Động thái này của Nga đã gây ra phản ứng giận dữ của ông Obama, người cáo buộc Moscow đã vi phạm hiệp ước năm 1987 về phát triển lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã giúp kết thúc bế tắc nguy hiểm giữa Mỹ và Nga ở châu Âu. Mỹ cảnh báo sẽ tiến hành một loạt phản ứng quân sự đối với động thái trên của Nga, bao gồm cả việc triển khai một vũ khí tương đương.
Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Nga xảy ra trong bối cảnh các nỗ lực kiểm soát vũ khí thời hậu chiến tranh lạnh đang mất đà. Số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược của cả Mỹ và Nga đều tăng lên trong năm ngoái, cả hai cùng chi nhiều tỉ đô la để hiện đại hóa kho vũ khí của họ.
Số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược của cả Mỹ và Nga đều tăng lên trong năm 2014. |
Trong sự nổi lên của khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh tới việc tăng cường vũ khí hạt nhân như một sự bảo đảm và biểu tượng ảnh hưởng của Nga. Trong bài phát biểu về cuộc xung đột Ukraine hồi mùa hè năm 2014, Tổng thống Ukraine lưu ý tới kho vũ khí hạt nhân của Nga và tuyên bố các nước khác "nên hiểu rằng tốt nhất là không nên gây hấn với chúng tôi".
Tờ Pravda của Nga trong tháng 11/2014 cũng đăng tải bài viết mang tựa đề "Nga đang chuẩn bị một bất ngờ hạt nhân cho NATO", trong đó cảnh báo phương Tây về sự tăng cường trở lại khả năng quân sự của Moscow, đặc biệt là vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Tờ Guardian cho rằng những tuyên bố mạnh mẽ trên của Moscow đã phản ánh quyết tâm đổi mới để bắt kịp với kho vũ khí của Mỹ và Nga sẽ tăng đáng kể số lượng đầu đạn hạt nhân được nạp vào tàu ngầm trong thời gian tới.
Nga cũng sẽ tiến hành hiện đại hóa các vũ khí chiến lược khác. Tháng trước, Moscow tuyên bố sẽ ra mắt hai tàu tên lửa hạt nhân có hệ thống đường ray khiến các tên lửa liên tục di chuyển làm cho chúng khó bị tấn công hơn.
Mỹ và Nga hiện đại hóa kho vũ khí của họ và Moscow tăng đầu tư cho khả năng răn đe hạt nhân của mình khiến thế giới đối mặt với một thời kỳ "cạnh tranh quân sự sâu sắc hơn". |
Quân đội Mỹ cũng chấn động trước sự trỗi dậy của các hạm đội tàu ngầm Nga. Moscow đang xây dựng tàu ngầm tên lửa đạn đạo thế hệ mới và tàu ngầm tấn công với khả năng ngang bằng hoặc có thể vượt trội so với phiên bản tiên tiến nhất của Mỹ, cùng các tàu ngầm tàng hình. Lực lượng Hải quân Nga đang tái khẳng định tầm vóc toàn cầu của mình.
Báo chí Mỹ gần đây liên tục đưa tin về việc tàu ngầm Nga đã tiến sát bờ biển phía đông của Mỹ, nhưng Lầu Năm Góc từ chối xác nhận thông tin này. Theo Peter Roberts, cựu chỉ huy Hải quân Hoàng gia Anh một năm trước phụ trách liên lạc và dịch vụ tình báo với Hải quân Mỹ tiết lộ, tàu ngầm tấn công lớp Akula của Nga đang tiến hành những bước đột phá. Nó thường xuyên, ít nhất một lần hoặc hai lần một năm di chuyển đến bờ biển Mỹ.
Akula và Yasen được xem là hai loại tàu ngầm tấn công đáng gờm nhất hiện nay của Nga. Chúng được thiết kế để theo dõi, tiêu diệt các tàu ngầm đối thủ và các tàu sân bay của đối phương. Cả hai đều được trang bị tên lửa hành trình Granat có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Hans Kristensen - Giám đốc Dự án thông tin hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho rằng, việc cả Mỹ và Nga hiện đại hóa kho vũ khí của họ và Moscow tăng đầu tư cho khả năng răn đe hạt nhân của mình khiến thế giới đối mặt với một thời kỳ "cạnh tranh quân sự sâu sắc hơn".
"Chúng sẽ đem lại rất ít an ninh và tăng lo ngại cho cả hai bên", ông nói thêm./.