Tờ “Tiêu điểm Chính sách Ngoại giao” Mỹ ngày 1/12 đã có bài viết “Kết cuộc của Trung Quốc và chủ nghĩa Monroe”.
Gần đây, Hiệp hội Quốc phòng Anh đã có một bản báo cáo cố gắng chứng minh rằng, trong tương lai, Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong tranh chấp lãnh thổ quần đảo Falkland (Argentina gọi là quần đảo Malvinas).
Quần đảo Malvinas (hay Falkland) hiện đang nằm trong quyền kiểm soát của Anh |
Báo cáo cho biết: “Đến năm 2020, dầu mỏ ở quần đảo Falkland rất có thể được sản xuất với số lượng lớn, điều này sẽ gây sự chú ý của Argentina, họ có thể sẽ giành được sự hỗ trợ từ người bạn mới là Trung Quốc”.
Báo cáo đưa ra kết luận: Phương Tây cần chuẩn bị tốt cho cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc trong tương lai.
Nhưng, báo cáo này không tính đến một điểm là: Tuy rằng 10 năm qua Trung Quốc đẩy mạnh phát triển sức mạnh quân sự, nhưng họ luôn thực hiện chính sách ngoại giao không mang tính “xâm lược”, còn phương Tây sử dụng nhiều hơn sức mạnh cứng, đi ngược lại với chính sách này, gây thiệt hại cho mục tiêu chiến lược của Trung Quốc.
Tàu y tế Hải quân Trung Quốc vừa hiện diện ở Mỹ Latinh |
Vị trí của Argentina và quần đảo Falkland nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ. Căn cứ vào chủ nghĩa Monroe năm 1823, các nước ngoài tây bán cầu không được gây ảnh hưởng hoặc thực thi hành động mở rộng lợi ích ở châu Mỹ.
Nhưng, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tạo ra thách thức cho bá quyền của Mỹ. Trong tình hình này, quyền uy của chủ nghĩa Monroe và Washington ở khu vực Mỹ Latinh và vùng biển Caribbe bị đặt dấu hỏi.
Đương nhiên, Washington vẫn có vai trò ảnh hưởng to lớn về kinh tế, chính trị và quân sự ở Mỹ Latinh. Dư luận phê phán Mỹ thực hiện chủ nghĩa Monroe đương đại, muốn bảo vệ “đế quốc” của họ ở tây bán cầu.
Trung Quốc tập trận ở sân sau nước Mỹ |
Nhưng trong 10 năm qua, có rất nhiều nước ở ngoài tây bán cầu phát triển quan hệ với Mỹ Latinh, vai trò ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này đã suy yếu nhiều.
Những năm gần đây, giao lưu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh ngày càng tăng, thậm chí còn xuất khẩu vũ khí cho khu vực này. Nhưng, các hành động can thiệp ở bên ngoài là một điều không tưởng đối với Bắc Kinh. Trung Quốc muốn duy trì ổn định và phát triển trong nước, tránh rủi ro đối ngoại. Vì vậy, Bắc Kinh sẽ tránh các quyết sách quân sự thiếu thận trọng.
Trung Quốc sẽ không can thiệp các cuộc xung đột ở bên ngoài như tranh chấp quần đảo Falkland. Trong 10 năm tới, điều quan trọng hàng đầu về an ninh mà Trung Quốc quan tâm vẫn là vấn đề Đài Loan và chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á.
Hải quân Trung Quốc ra sức vươn ra đại dương |
Bắc Kinh hiểu rằng, xây dựng quan hệ hữu nghị với các nước liên quan ở tây bán cầu có lợi hơn so với tìm cách đối đầu.
Trung Quốc sẽ duy trì sự thận trọng trong vấn đề can thiệp quân sự ở nước ngoài. Mặc dù Trung Quốc rất nổi tiếng về thương mại toàn cầu, nhưng họ vẫn là nền kinh tế mới nổi, một phần của cải tương đối của họ có được nhờ mối quan hệ kinh tế thương mại với Mỹ.
Đối với Trung Quốc, can thiệp vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ sẽ là một quyết định phải trả giá đắt.