Cuối năm học trước người viết thường nhận sách giáo khoa cũ của học trò để tặng lại cho học sinh năm sau, việc làm nhỏ bé nhưng cũng nhận được những niềm vui trọn vẹn từ phụ huynh, học sinh.
Nhận học sinh mới năm nay có học sinh hoàn cảnh khó khăn, mồ côi mẹ, cha đơn thân nuôi hai con ăn học, nên người viết đến tận nhà tặng sách giáo khoa, tập vở, bút cho em.
Điều bất ngờ, phụ huynh học sinh đã chuẩn bị đầy đủ, tươm tất cho con mình, càng bất ngờ hơn khi cuối năm học trước con của phụ huynh này đã tặng lại sách giáo khoa cũ cho tôi để tặng học sinh khác.
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn |
Anh Nguyễn Văn Hùng (đã đổi tên nhân vật) phụ huynh học sinh chia sẻ: “Tôi thấy báo chí, ti vi … nói nhiều đến giá sách giáo khoa, ở góc độ phụ huynh, tôi thấy chúng ta đang quan tâm chưa đúng vấn đề lớn nhất gây bức xúc cho người dân.
Với gia đình bây giờ, trung bình chỉ có hai con, nên giá sách giáo khoa cao hay thấp không phải là vấn đề, tuy nhiên nếu thấp thì tốt rồi.
Tôi lấy ví dụ minh họa cụ thể từ nhà tôi, tôi có một cháu lớp 6, đầu năm nay mua sắm cho cháu như sau: mua trọn bộ sách giáo khoa gồm cả bọc ni lon cho con hết 280.000 đồng/bộ, 20 cuốn tập 280.000 đồng, dụng cụ học tập khoảng 50.000 đồng, tổng chi phí hết hơn sáu trăm ngàn một tý, nhưng con cái được học sách mới, nó cũng vui vẻ hơn.
Tiền sách giáo khoa, tiền học phí đã quy định cụ thể, không phải là vấn đề của chúng tôi, vấn đề của chúng tôi là tiền “mềm” do nhà trường tư vấn cho ban đại diện cha mẹ học sinh vận động, … tiền học thêm cơ.
Chi phí thực tế cho con trong năm học, mới là vấn đề của phụ huynh học sinh: các loại quỹ, hoạt động trải nghiệm, hoạt động hướng nghiệp, học kĩ năng sống, mua sắm máy lạnh, mua ti vi, mua máy tính, mua rèm cửa, trang trí lớp học, học thêm … tất cả đều nói “tự nguyện” nhưng thực tế không phải vậy”.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ: “Con tôi vào lớp 1, không phải đóng học phí, nhưng phải đóng tiền quỹ hội, quỹ lớp, rèm cửa, trang trí, máy lạnh, … đó mới nhiều, chứ tiền sách giáo khoa so với các khoản này thì nói thực là ít hơn.
Ví dụ, cuối giờ chiều phải nhờ cô đón về nhà cô, cho ăn lót dạ, cô kèm học đến 9 giờ mới đón về cũng mất tháng hơn hai triệu rồi.
Nội dung học giờ mới lạ quá, nhiều khi mình bày cho con nó bảo mẹ sai rồi, cô dạy khác cơ, đành chịu, phải nhờ cô kèm học thôi.
Vì thế, tôi nghĩ phụ huynh muốn các cơ quan giám sát ngoài kiểm tra giá sách giáo khoa, cần phải kiểm tra kĩ hơn các khoản tiền mà nhà trường thu mang tên “tự nguyện”, tiền học thêm, … đó mới là vấn đề phụ huynh lo nhất”.
Làm sao quản được các khoản đóng góp đầu năm mang tên “tự nguyện”?
Đầu năm, phụ huynh học sinh được mời đi họp, bầu ban đại diện và thông qua kế hoạch thu chi năm học mới.
Các khoản đóng góp đầu năm mang tên “tự nguyện” không phải do nhà trường trực tiếp nêu ra, thu chi, mà do ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện, nhưng thực tế những người trong cuộc ít nhiều đều hiểu có bóng dáng lãnh đạo các trường định hướng cho ban đại diện cha mẹ học sinh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động theo điều lệ quy định của Thông tư Số: 55/2011/TT-BGDĐT. Để ban đai diện cha mẹ học sinh thực sự là đại diện cho mình, đảm bảo quyền lợi của các học sinh, theo người viết cần các yêu cầu sau:
Thứ nhất, phụ huynh học sinh phải bầu được ban đại diện cha mẹ học sinh có hiểu biết nhất định về pháp luật, về Thông tư Số: 55/2011/TT-BGDĐT.
Thứ hai, phụ huynh học sinh phải hiểu được các khoản đóng góp mang tên vận động, tự nguyện, nghĩa là không bắt buộc, không cào bằng, đóng tùy tâm, tùy điều kiện hoàn cảnh kinh tế của mình.
Thứ ba, phụ huynh phải biết một điều: tuyệt đối không có bất cứ giáo viên dạy lớp nào “đì” học sinh vì bố mẹ không đóng hay đóng ít các khoản vận động, tự nguyện.
Thứ tư, thành tích hay lợi ích kinh tế do “lạm thu” của học sinh không thuộc về giáo viên đứng lớp; phụ huynh dù có bức xúc cũng không nên trút giận lên thầy cô giáo.
Phụ huynh hãy trao đổi thẳng thắn, bàn bạc thống nhất về các khoản đóng góp mang tên vận động, tự nguyện không nên “người sao ta vậy” rồi nói xấu thầy cô trước mắt con trẻ.
Từ thực tế, người viết kính đề nghị các sở diáo dục và đào tạo đầu năm có văn bản quy định các trường được thu những khoản nào, mức trần tối đa là bao nhiêu.
Thu vượt mức trần quy định hay thu thêm khoản nào khác đó là lạm thu, kỉ luật buộc thôi việc ngay và luôn hiệu trưởng để xảy ra lạm thu.
Kỷ luật nghiêm minh hiệu trưởng để xảy ra lạm thu là biện pháp răn đe nhanh chóng, hiệu quả và bảo vệ lãnh đạo các trường làm đúng, đồng thời giữ kỉ cương trong trường học.
Tài liệu tham khảo:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-55-2011-TT-BGDDT-Dieu-le-Ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-132369.aspx